Tin KHCN trong nước
Vĩnh Phúc: Cà chua ghép trên gốc cà tím - Cây trồng cho thu nhập cao trong vụ Đông (02/02/2015)
-   +   A-   A+   In  

Được Trung tâm Kỹ thuật rau hoa quả Vĩnh Phúc đưa vào trồng thử nghiệm trên một số cánh đồng thuộc 2 huyện Vĩnh Tường và Yên Lạc từ vụ Đông 2012. Đến nay, cây cà chua trái vụ ghép trên gốc cây cà tím đã mang lại hiệu quả rõ rệt, cho thu nhập cao gấp 2-3 lần so với cây chính vụ, mở ra một hướng đi mới cho nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh.

Đến xã Đại Tự, huyện Yên Lạc vào đúng thời điểm cà chua trái vụ đang cho thu hoạch rộ. Trên các cánh đồng, những ruộng cà chua đỏ rực, sai trĩu quả đang được người dân nhanh tay hái phục vụ nhu cầu thị trường, đồng thời để cây tập trung chất dinh dưỡng cho ra lứa mới vào đúng Tết âm lịch. Nông dân Nguyễn Xuân Mạnh, xóm 6 phấn khởi cho biết: “Bao năm nay, người dân Đại Tự chủ yếu trồng cà chua chính vụ nhưng hiệu quả kinh tế không cao, giá bán chỉ từ 2.000 - 3.000 đ/kg. Mấy vụ gần đây, nhiều hộ đã mạnh dạn trồng thử nghiệm giống cà chua Savior ghép trên gốc cà tím thấy hiệu quả cao hơn hẳn, năng suất khoảng 2 tấn/sào. Với giá bán từ 9.000 - 12.000đ/kg, khi thu hoạch không lo đầu ra vì có thương lái đến tận ruộng thu mua, trừ chi phí, mỗi sào người dân thu lãi khoảng 15 - 20 triệu đồng, cao hơn nhiều so với các loại cây trồng khác mà công trồng, chăm sóc không hề vất vả”. 

Cà chua trái vụ đang trở thành một trong những loại cây trồng chủ lực của người dân Đại Tự

Được biết, với mục tiêu đưa cây rau trở thành cây trồng mũi nhọn trong vụ Đông, những năm gần đây, Vĩnh Phúc đã có nhiều chính sách hỗ trợ các đối tượng cây trồng hàng hóa như: Bí đỏ 5,4 triệu đồng/sào, bí xanh 6 triệu đồng/sào, cà chua 7 triệu đồng/sào… các mô hình thử nghiệm được áp dụng đã mở ra hướng làm ăn mới cho nhiều địa phương. Đơn cử như cây cà chua, hiện toàn tỉnh có trên 200 ha, trong đó, có khoảng 40 ha cà chua trái vụ ghép trên gốc cà tím. Qua thực tế triển khai, mô hình cà chua ghép trên gốc cà tím trong điều kiện trái vụ đã tạo ra lượng quả chất lượng và sạch bệnh. Đây là mô hình canh tác mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần thay đổi nhận thức của người nông dân về sản xuất nông nghiệp truyền thống sang nền sản xuất hàng hoá gắn với thị trường, từ đó nâng cao hiệu quả sử dụng đất canh tác và chất lượng sản phẩm. Hiện những cánh đồng trên 100 triệu đồng/ha đã không còn xa lại với người dân Vĩnh Phúc. 

Tuy nhiên, để mô hình cà chua ghép trên gốc cà tím phát huy hiệu quả, thiết nghĩ, thời gian tới, ngành Nông nghiệp và các ngành liên quan nên tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ nông dân trong việc tiêu thụ sản phẩm trên thị trường, hướng tới việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm cà chua ghép tại một số địa phương, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp của tỉnh. 

Nguồn: Vinhphuc.gov.vn

Số lượt đọc: 10769

Về trang trước Về đầu trang