Nghiên cứu - Ứng dụng KH&CN
Nghiệm thu đề tài thực trạng và giải pháp đối với bệnh tâm thần phân liệt trong cộng đồng (25/09/2014)
-   +   A-   A+   In  

Ngày 25/9, Sở Khoa học và Công nghệ Tỉnh (KH&CN) tổ chức Hội đồng nghiệm thu đề tài “Thực trạng và giải pháp đối với bệnh tâm thần phân liệt trong cộng đồng tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu”, chủ nhiệm đề tài Bs CKI. Ngô Thành Phong (Bệnh viện tâm thần tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu). Chủ tịch Hội đồng là ông Mai Thanh Quang - giám đốc Sở KH&CN.

Mục tiêu của đề tài là xác định thực trạng quản lý và hiệu quả điều trị bệnh nhân tâm thần phân liệt trong cộng đồng sau 10 năm triển khai chương trình mục tiêu quốc gia bảo vệ sức khỏe tâm thần cộng đồng; Xác định tỷ lệ người dân có kiến thức đúng về bệnh tâm thần phân liệt.

Bệnh tâm thần phân liệt là một bệnh loạn thần nặng, tiến triển từ từ, có khuynh hướng mạn tính, có những hành vi, ý nghĩa kỳ dị, khó hiểu. Theo thống kê của tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thì tỷ lệ mắc tâm thần phân liệt là 0,3 - 1,5% dân số, ở Việt Nam là 0,3 - 1 % dân số. Cho tới nay căn nguyên của bệnh tâm thần phân liệt chưa được biết rõ ràng nên việc điều trị bệnh vẫn còn là điều trị triệu chứng. Đề tài đã tìm hiểu toàn diện và sâu sắc hơn về vấn đề quản lý và điều trị trong cộng đồng cũng như kiến thức hiểu biết của người dân đối với bệnh tâm thần phân liệt.

 Trong thời gian hơn 2 năm, đề tài đã thực hiện các nội dung chính như điều tra thực trạng quản lý và điều trị bệnh nhân tâm thần phân liệt trong 10 năm triển khai chương trình mục tiêu Quốc gia bảo vệ sức khỏe tâm thần cộng đồng. Khảo sát các biểu hiện triệu chứng liên quan đến bệnh lý trầm cảm hoặc lo âu. Kết quả khảo sát, đánh giá kiến thức hiểu biết của người dân về bệnh tâm thần phân liệt. Đồng thời tác giả đã đề xuất 04 giải pháp trong bối cảnh tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đang phải đối mặt với nhiều thách thức như cơ sở vật chất, nhân lực, nhận thức chăm sóc sức khỏe tâm thần hạn chế. Giải pháp 1 là tuyên truyền, giáo dục kiến thức về phòng chống bệnh tâm thần phân liệt và tập huấn cho cộng tác viên, gia đình bệnh nhân về phục vụ các liệu pháp tâm lý xã hội cho bệnh nhân. Giải pháp 2 về khám phát hiện tỷ lệ bệnh mắc mới và kế hoạch quản lý, điều trị đối với bệnh nhân tâm thần trong cộng đồng Tỉnh. Giải pháp 3 là xây dựng kế hoạch đào tạo đội ngũ y tế chuyên khoa tâm thần, đáp ứng nhu cầu chuyên sâu, nâng cao hiệu quả điều trị. Giải pháp 4 là phục hồi chức năng tâm lý – xã hội cho bệnh nhân tâm thần.

Hội đồng đánh giá cao kết quả đạt được của đề tài, đây là đề tài mới đối với Tỉnh, quy mô phạm vi điều tra lớn và những số liệu điều tra thực tế, sát với địa phương, đồng thời các giải pháp đưa ra phù hợp, khả thi trong bối cảnh của Tỉnh. Tuy nhiên Hội đồng yêu cầu chủ nhiệm đề tài cần bổ sung hoàn hiện những ý kiến đóng góp về nội dung báo cáo tổng hợp của đề tài. Đề tài được Hội đồng nhất trí nghiệm thu và xếp loại khá.

Nguồn: Lê Huệ

Số lượt đọc: 4821

Về trang trước Về đầu trang