Tin KHCN trong nước
Giải pháp nâng cao hiệu quả thực thi quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam (23/01/2024)
-   +   A-   A+   In  

Trong bối cảnh phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam hiện nay, việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) nói riêng đứng trước nhiều yêu cầu, thách thức mới.

Theo Thanh tra Bộ KH&CN, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) có vai trò rất quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội các nước trên thế giới thông qua thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Ở các nước đang phát triển nói chung và Việt Nam nói riêng, cơ chế bảo hộ và thực thi quyền SHTT hiệu quả góp phần thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, thúc đẩy nghiên cứu phát triển và chuyển giao công nghệ, qua đó đóng góp đáng kể vào tăng trưởng kinh tế.

Tuy nhiên, trong bối cảnh phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam hiện nay, bảo hộ quyền SHTT nói chung và thực thi quyền SHTT nói riêng đứng trước nhiều yêu cầu, thách thức mới đến từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư với sự bùng nổ của hoạt động thương mại điện tử, giải trí dựa trên nền tảng kỹ thuật số, cũng như việc Việt Nam đã tham gia ký kết nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới như Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) với yêu cầu cam kết SHTT nói chung và thực thi quyền SHTT nói riêng ở mức độ cao, toàn diện, phạm vi các vấn đề điều chỉnh đa dạng hơn và nâng cao mức bảo hộ quyền SHTT so với chuẩn mực quốc tế được thiết lập trước đó.

Trước những yêu cầu mới của hội nhập nhập kinh tế quốc tế, theo Thanh tra Bộ KH&CN, cần nhìn nhận tồn tại, vướng mắc nội sinh cần có giải pháp giải quyết, tháo gỡ trong hệ thống SHTT của nước ta suốt thời gian qua. Trong đó phải kể đến việc hành lang pháp lý, đặc biệt là các quy định, hướng dẫn cụ thể chi tiết cho lực lượng làm công tác thực thi quyền SHTT chưa hoàn thiện. Việc xử lý xâm phạm quyền SHTT bằng biện pháp hành chính lại là biện pháp được áp dụng phổ biến nhất, vai trò của thực thi quyền SHTT bằng biện pháp dân sự chưa đáp ứng yêu cầu của xã hội.

 Ảnh minh hoạ.

Thêm vào đó, hệ thống cơ quan có chức năng thực thi quyền SHTT tương đối cồng kềnh, phức tạp, nhiều cơ quan cùng có chức năng xem xét một vụ việc và chưa có đầu mối điều phối về thực thi quyền SHTT tại Việt Nam. SHTT là lĩnh vực mới, chuyên sâu, đặc biệt là đối với các cơ quan trên thực tế ít xử lý các vụ việc thực thi về SHTT, dẫn tới năng lực giải quyết các vụ việc về SHTT của cán bộ làm công tác thực thi quyền còn hạn chế.

Hệ thống cơ quan thực thi quyền SHTT, đặc biệt là hệ thống các cơ quan xử lý hành chính tại Việt Nam tương đối cồng kềnh, phức tạp và chồng chéo về chức năng, trong khi đó chúng ta chưa có đầu mối điều phối, hướng dẫn việc thực thi quyền SHTT hiệu quả. Ý thức và thói quen của người tiêu dùng về bảo hộ và tôn trọng quyền SHTT của chủ thể khác còn chưa cao.

Nhận thức được tầm quan trọng của bảo hộ quyền SHTT nói chung và thực thi quyền SHTT nói riêng đối với phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, Đảng, Nhà nước đã ban hành một loạt chủ trương, chính sách có nội dung liên quan về tăng cường bảo hộ và thực thi quyền SHTT, đặc biệt là Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ là phải “hoàn thiện hệ thống pháp luật, nhất là pháp luật về bảo hộ sở hữu trí tuệ và giải quyết các tranh chấp dân sự, khắc phục những điểm nghẽn cản trở sự phát triển của đất nước”.

Trên cơ sở những tiền đề nêu trên, để đáp ứng yêu cầu, thách thức mới của thực tiễn, Việt Nam cần tiếp tục cụ thể chủ trương, chính sách, pháp luật bằng những giải pháp cụ thể, hữu hiệu và phù hợp với Việt Nam, trong đó xin đề xuất một số giải pháp cụ thể để tiếp tục nâng cao hiệu quả thực thi quyền SHTT trong giai đoạn hiện nay như sau:

Thứ nhất, về công tác xây dựng pháp luật: Trong thời gian tới, cần tiếp tục hoàn thiện các quy định, hướng dẫn cụ thể chi tiết cho lực lượng làm công tác thực thi quyền SHTT, như: Ban hành Nghị quyết của Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân Tối cao về hướng dẫn áp dụng Điều 226 Bộ Luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) về tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp.

Thứ hai, về công tác hoàn thiện hệ thống các cơ quan thực thi quyền SHTT: Tinh giảm các cơ quan hành chính có thẩm quyền thực thi quyền SHTT; Nâng cao năng lực của các cơ quan công an, Tòa án, Viện kiểm sát trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử vi phạm SHTT.

Thứ ba, tăng cường hoạt động phối hợp, trao đổi, chia sẻ, cung cấp thông tin giữa các cơ quan có thẩm quyền thực thi quyền; giữa cơ quan thực thi quyền với cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực SHTT; giữa chủ thể quyền, các tổ chức quản lý tập thể, tổ chức nghề nghiệp, hiệp hội, người tiêu dùng với cơ quan thực thi quyền.

Thứ tư, để nâng cao hiệu quả thực thi bằng biện pháp tư pháp trước mắt cần tăng cường đào tạo, bồi dưỡng các thẩm phán chuyên trách về quyền SHTT và lực lượng thi hành án; đơn giản hóa thủ tục và yêu cầu để được áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời; nghiên cứu triển khai áp dụng quy định đặc thù phù hợp với các vụ việc dân sự như: ban hành quy định nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ sở hữu quyền thu thập chứng cứ vi phạm; quy định cụ thể nghĩa vụ của bên bị nghi ngờ có hành vi vi phạm pháp luật phải cung cấp tài liệu thông tin liên quan đến việc sản xuất kinh doanh sản phẩm bị nghi ngờ vi phạm quyền SHTT; ưu tiên nguồn lực giải quyết các khiếu kiện liên quan đến quyền SHTT. Đồng thời về lâu dài, đề xuất thành lập tòa án chuyên trách về quyền SHTT với các quy định tố tụng riêng biệt có tính đến đặc thù của các vụ việc loại này.

Thứ năm, nâng cao hiệu quả kiểm soát hàng hóa tại biên giới, phát huy vai trò của lực lượng hải quan theo quy định mới về thẩm quyền chủ động kiểm soát hàng hoá xuất nhập khẩu liên quan đến SHTT, góp phần ngăn chặn hàng giả mạo về SHTT được đưa vào thị trường Việt Nam.

Thứ sáu, thực hiện các giải pháp tiếp tục nâng cao hiệu quả thực thi bằng biện pháp hành chính để đáp ứng yêu cầu của xã hội; xử lý nghiêm vi phạm, đặc biệt là vi phạm trong môi trường kỹ thuật số để tăng tính răn đe, tạo chuyển biến nhận thức của doanh nghiệp về thượng tôn pháp luật, cạnh tranh lành mạnh, tôn trọng quyền SHTT của chủ thể khác, đồng thời tạo bước chuyển về nhận thức cũng như thói quen tiêu dùng của người dân.

Thứ bảy, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng hình sự cần chủ động, tích cực triển khai các biện pháp nghiệp vụ phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm xâm phạm SHTT.

Thứ tám, triển khai các chương trình, đề án, hoạt động để tiếp tục nâng cao nhận thức của doanh nghiệp và người tiêu dùng về tôn trọng quyền SHTT, chấp hành quy định pháp luật về SHTT, hướng tới tạo lập môi trường kinh doanh lành mạnh, phát triển.

Có thể nói, để phát triển đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế thành công, rất cần sự tiếp tục quan tâm, đầu tư có định hướng của hệ thống chính trị cũng như sự vào cuộc cả các chủ thể tham gia vào hoạt động SHTT của Việt Nam hiện nay thông qua việc hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật về SHTT và thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm tăng cường hiệu quả thực thi quyền SHTT đáp ứng yêu cầu mới của thực tiễn hiện nay.

Nguồn: vietq.vn

Số lượt đọc: 4763

Về trang trước Về đầu trang