Tin KHCN trong nước
Hướng dẫn và xây dựng cơ chế, chính sách về định giá tài sản trí tuệ (02/04/2024)
-   +   A-   A+   In  

Sở KH&CN Hà Nội đề nghị Bộ KH&CN tiếp tục nghiên cứu, hướng dẫn và xây dựng cơ chế, chính sách về định giá tài sản trí tuệ, bởi đây là một trong những yếu tố quan trọng của quá trình thương mại hóa và chuyển giao công nghệ, tài sản trí tuệ.

Theo Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt, năm 2023 vừa qua, hoạt động quản lý nhà nước về SHTT đã đạt những kết quả đáng ghi nhận, trong đó nổi bật là việc hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật. Chính phủ và các bộ, ngành đã ban hành 3 nghị định và 2 thông tư quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật SHTT sau khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật SHTT được Quốc hội thông qua ngày 16/6/2022.

Các hoạt động hỗ trợ xác lập, bảo vệ, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ, đặc biệt là cho các sản phẩm chủ lực, đặc sản địa phương được đẩy mạnh; số lượng đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp được xử lý tăng 13,2% so với năm 2022…

Theo báo cáo của Tổ chức SHTT thế giới, Việt Nam được xếp hạng thứ 46/132 quốc gia và nền kinh tế về chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2023 (tăng 2 bậc so với năm 2022) và là một trong 7 quốc gia thu nhập trung bình đạt nhiều tiến bộ nhất về đổi mới sáng tạo trong thập niên qua. Tuy nhiên, cũng cần thẳng thắn đánh giá, bối cảnh hiện tại đang đặt ra nhiều yêu cầu hơn với hoạt động quản lý nhà nước về SHTT trong năm 2024 và các năm tiếp theo.

Từ thực tiễn của địa phương, ông Lê Hồng Sơn, Phó Chủ tịch thường trực UBND TP.Hà Nội cho hay, Hà Nội luôn chú trọng đẩy mạnh phát triển tài sản trí tuệ gắn với phát triển thị trường KHCN; tập trung phát triển KHCN theo cơ chế thị trường, lấy doanh nghiệp làm trọng tâm; hỗ trợ, nâng cao năng lực hấp thụ công nghệ của doanh nghiệp trên địa bàn. Trong thời gian gần đây, số lượng đăng ký sở hữu công nghiệp tăng lên đáng kể đã góp phần nâng cao giá trị tinh thần và vật chất cho xã hội.

Chia sẻ rõ hơn, ông Nguyễn Quốc Hà, Phó Giám đốc Sở KH&CN Hà Nội cho biết, Hà Nội xác định triển khai công tác quản lý nhà nước về SHTT phải đồng bộ, hiệu quả ở tất cả các khâu sáng tạo, xác lập, khai thác và bảo vệ quyền SHTT, tạo môi trường khuyến khích đổi mới sáng tạo. Hà Nội đã triển khai hiệu quả phong trào thi đua "Sáng kiến, sáng tạo Thủ đô", với hơn 3.000 sáng kiến có hiệu quả áp dụng và phạm vi ảnh hưởng cấp thành phố trong thời gian từ năm 2021 đến 2023.

Bên cạnh việc đẩy mạnh thi đua sáng kiến, hoạt động đổi mới sáng tạo được đặc biệt chú trọng và triển khai qua nhiều hình thức: Thông tin tuyên truyền, đào tạo tập huấn, các chương trình đề án hỗ trợ, các cuộc thi cấp thành phố, triển lãm với nhiều chủ đề phong phú, như: Chuyển đổi số gắn với đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp.

 

Ảnh minh hoạ

Hàng năm, Sở KH&CN phối hợp cùng Cục SHTT tổ chức các lớp phổ biến chính sách pháp luật và kiến thức cơ bản về SHTT tại các quận, huyện, viện, trường... Đến nay, Hà Nội đã có 198/307 sản phẩm OCOP của cộng đồng được hỗ trợ bảo hộ, đạt 64,5% (mục tiêu đề ra là 40%). Thành phố đã triển khai 73 nhiệm vụ thuộc Chương trình phát triển tài sản trí tuệ (1 nhiệm vụ chỉ dẫn địa lý, 12 nhiệm vụ nhãn hiệu chứng nhận và 60 nhiệm vụ đăng ký nhãn hiệu tập thể).

Năm 2023, số lượng đơn đăng ký sở hữu công nghiệp tại Hà Nội là 17.539. Số lượng chứng nhận sở hữu công nghiệp đã được cấp là 9.338. Nhờ sự năng động và tích cực đó, năm 2023, Hà Nội được đánh giá là địa phương đi đầu cả nước về chỉ số đổi mới sáng tạo, trong đó dẫn đầu 3/7 trụ cột đổi mới sáng tạo địa phương, gồm: Vốn con người, trình độ phát triển thị trường, sản phẩm tri thức sáng tạo.

Từ thực tiễn của địa phương, ông Nguyễn Quốc Hà cũng đề nghị Bộ KH&CN tiếp tục nghiên cứu, hướng dẫn và xây dựng cơ chế, chính sách về định giá tài sản trí tuệ, bởi đây là một trong những yếu tố quan trọng của quá trình thương mại hóa và chuyển giao công nghệ, tài sản trí tuệ.

Đồng thời tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao năng lực quản lý nhà nước về sở hữu công nghiệp, tăng cường phối hợp với địa phương trong xử lý xâm phạm quyền SHTT...

Giảm tồn đọng đơn sở hữu công nghiệp

Chia sẻ một trong những thách thức lớn hoạt động quản lý nhà nước về SHTT, ông Nguyễn Văn Bảy, Phó Cục trưởng Cục SHTT cho rằng, đó là vấn đề tốc độ và chất lượng xử lý đơn xác lập quyền sở hữu công nghiệp.

Mặc dù thời gian qua Cục đã triển khai một số công việc nhằm nâng cao chất lượng và đẩy nhanh tốc độ xử lý đơn sở hữu công nghiệp, số lượng đơn được xử lý có cải thiện, song tình trạng tồn đọng đơn đăng ký sở hữu công nghiệp vẫn còn nhiều.

Năm 2023, Cục SHTT đã tiếp nhận 156.413 đơn các loại (tăng 11% so với năm 2022), bao gồm 84.753 đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp (tăng 8,5%) và 71.660 các loại đơn, yêu cầu khác (tăng 14,1%). Cục đã xử lý được 125.778 đơn các loại, trong đó có 74.130 đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp và 51.648 đơn/yêu cầu khác; cấp 36.977 văn bằng bảo hộ sở hữu công nghiệp các loại.

Vì vậy, trong thời gian tới, Cục SHTT sẽ tổ chức rà soát, sửa đổi, bổ sung và xây dựng mới các quy chế thẩm định đơn sở hữu công nghiệp theo hướng tối ưu hóa quy trình xử lý đơn; xây dựng và triển khai kế hoạch xử lý đơn sở hữu công nghiệp nhằm thực hiện Nghị quyết số 100/2023/QH15 của Quốc hội, hướng đến năm 2027 đưa thời gian thẩm định đơn về đúng thời hạn theo quy định của pháp luật; đồng thời tăng cường công tác ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động xác lập quyền sở hữu công nghiệp, dịch vụ công trực tuyến...

Cục SHTT cũng đề nghị các địa phương đẩy mạnh cơ chế phối hợp liên ngành trong quản lý nhà nước về SHTT; tăng cường kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các hành vi xâm phạm quyền SHTT, đặc biệt là hành vi xâm phạm quyềnSHTT trong môi trường kỹ thuật số.

Bên cạnh đó, tập trung giải pháp thúc đẩy các hoạt động tạo ra tài sản trí tuệ; khuyến khích, phát triển các hoạt động hỗ trợ về SHTT; khai thác hiệu quả tài sản trí tuệ; tăng cường nguồn nhân lực cho hoạt động SHTT, cũng như chung tay xây dựng văn hóa SHTT...

Nguồn: vietq.vn

Số lượt đọc: 3849

Về trang trước Về đầu trang