Tin KHCN trong tỉnh
Đổi mới, sáng tạo, đột phá kinh tế hợp tác, hợp tác xã (23/09/2022)
-   +   A-   A+   In  
“Chuyển đổi số là xu thế tất yếu, đòi hỏi khách quan của sự phát triển và được xác định là yêu cầu bắt buộc”, đó là khẳng định của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại diễn đàn Kinh tế hợp tác, hợp tác xã (HTX) năm 2022, diễn ra sáng 23/9. Diễn đàn được tổ chức theo hình thức trực tuyến tới điểm cầu 63 tỉnh, thành phố trong cả nước.

Thu hoạch nhãn tại HTX Nông nghiệp-Dịch vụ Nhân Tâm (huyện Xuyên Mộc).
Thu hoạch nhãn tại HTX Nông nghiệp-Dịch vụ Nhân Tâm (huyện Xuyên Mộc).

Tạo động lực thúc đẩy kinh tế tập thể

Phát biểu tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Trần Duy Đông cho biết: Những năm qua, Chính phủ tập trung hoàn thiện thể chế chính sách phát triển kinh tế hợp tác, HTX trong bối cảnh cách mạng công nghệ 4.0. Nhờ đó,  khu vực kinh tế tập thể, HTX có chuyển biến tích cực về chất và lượng. Thực hiện chuyển đổi số để thúc đẩy khu vực kinh tế tập thể, HTX phát triển, qua khảo sát của Liên minh HTX Việt Nam, 83,5% HTX đánh giá chuyển đổi số là cần thiết; 18,9% HTX đã có kế hoạch với lộ trình thực hiện cụ thể; 68% HTX có sử dụng ít nhất một trong các phương thức giới thiệu và bán sản phẩm trực tuyến...

Tuy nhiên, hiện nay kinh tế tập thể phát triển chưa đạt mục tiêu đề ra. Tốc độ tăng trưởng khu vực kinh tế tập thể còn chậm; đóng góp của kinh tế tập thể vào GDP cả nước giảm từ 8,06% (năm 2001) xuống còn 3,62% (năm 2020). Nhiều HTX tổ chức và hoạt động chưa tuân thủ đầy đủ các quy định của Luật HTX, các quan hệ sở hữu, tổ chức quản lý, phân phối trong nhiều HTX còn biểu hiện xa rời bản chất và các giá trị của kinh tế tập thể.

Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo cho biết, vẫn còn nhiều thách thức trong chuyển đổi số do tỷ lệ và hiệu quả chuyển đổi số chưa cao, chưa bền vững. Cụ thể, trong 1.718 HTX ứng dụng công nghệ cao, chỉ có 240 HTX sử dụng phần mềm quản lý và sản xuất thông minh, chiếm 1,5%. Trong đó, các HTX này chỉ tập trung vào ứng dụng công nghệ tưới tiêu, hệ thống nhà lưới, dán tem truy xuất nguồn gốc. Còn ứng dụng chuyển đổi số vào khâu chế biến, quản lý HTX, kinh doanh sản phẩm chưa được quan tâm. Điều này khiến các HTX gặp khó khăn trong quản lý hiệu quả các nguồn lực và hạn chế sự tương tác giữa các tác nhân liên quan trong hệ sinh thái.

Ông Nguyễn Ngọc Bảo kiến nghị, Nhà nước có thể đầu tư, xây dựng một nền tảng hệ sinh thái số dùng chung cho các HTX để hỗ trợ chi phí đầu tư ban đầu, giúp HTX tận dụng, tiếp cận đúng hướng, nhanh và hiệu quả hơn với quá trình chuyển đổi số. Các bộ, ngành nghiên cứu, ban hành hướng dẫn về chuyển đổi số cho HTX theo chuyên ngành, lĩnh vực mà các bộ, ngành đang quản lý, điều hành.

Cần đổi mới tư duy từ nhận thức đến hành động

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, chuyển đổi số là xu thế tất yếu, đòi hỏi khách quan của sự phát triển và được xác định là yêu cầu bắt buộc. Đây là chìa khoá giúp giải quyết hiệu quả mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường, xã hội; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh, hiệu quả sản xuất kinh doanh, giảm chi phí cho người dân, DN; đồng thời giúp các cấp, các ngành thay đổi phương thức và nâng cao năng lực quản lý điều hành.

Tính đến 31/8/2022, Bà Rịa-Vũng Tàu có 162 HTX, tổng vốn  điều lệ hơn  499 tỷ đồng, lợi nhuận bình quân 1 hợp tác xã  đạt 220 triệu đồng/năm. Thu nhập bình quân của thành viên trong HTX khoảng 84 triệu đồng/người/năm, đạt 100% kế hoạch; thu nhập bình quân của lao động trong HTX từ 60 - 72 triệu đồng/người/năm. Riêng 9 tháng đầu năm đã thành lập mới 14 HTX đạt 93% kế hoạch. Trên địa bàn tỉnh hiện có 472 tổ hợp tác. Các tổ hợp tác hoạt động chủ yếu trên lĩnh vực nông nghiệp và khai thác thủy sản với khoảng 7.193 thành viên.

Phân tích những khó khăn, hạn chế, Thủ tướng Chính phủ đề nghị thời gian tới, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục coi chuyển đổi số trong kinh tế hợp tác, HTX là công việc thường xuyên, phải đẩy mạnh chuyển đổi số một cách nhanh chóng, hiệu quả và thực chất; phấn đấu đạt mục tiêu đến năm 2030 có 45.000 HTX với 8 triệu thành viên, trong đó có 5.000 HTX ứng dụng công nghệ cao như Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022 đã đề ra.

Để đạt được mục tiêu đó, cả hệ thống chính trị cần đổi mới tư duy từ nhận thức đến hành động; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ theo tinh thần bắt kịp đến cùng các khu vực kinh tế khác, xây dựng được hệ sinh thái chuyển đổi số trong khu vực kinh tế hợp tác, HTX.

Theo đó, các bộ, ngành, địa phương cần khẩn trương, quyết liệt triển khai các nhiệm vụ chiến lược Quốc gia phát triển chuyển đổi số; tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên ngành HTX liên thông với các chuyên ngành khác để chia sẻ, kết nối thông tin thị trường, xu thế phát triển; xây dựng và hoàn thiện thể chế, có tầm nhìn dài hạn để kinh tế tập thể phát triển nhanh, bền vững; đẩy mạnh truy xuất nguồn gốc bằng công nghệ số, kết nối cung cầu, bảo vệ sức khoẻ cho người tiêu dùng; đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ HTX; đẩy mạnh truyền thông chính sách. Các địa phương phải vận dụng các nguồn lực để đầu tư cho kinh tế hợp tác, HTX; thúc đẩy chuyển đổi số trong thực hiện chương trình OCOP...

Nguồn: baobariavungtau.com.vn

Số lượt đọc: 3047

Về trang trước Về đầu trang