Tin KHCN trong tỉnh
Bà Rịa - Vũng Tàu: phát triển kinh tế tuần hoàn dựa trên nền tảng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo (16/05/2022)
-   +   A-   A+   In  

Bà Rịa - Vũng Tàu là cửa ngõ hướng ra biển Đông của khu vực Đông Nam Bộ, Bên cạnh thuận lợi trong phát triển kinh tế biển, khu vực này cũng sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là tác động của biến đổi khí hậu. Để phát triển kinh tế bền vững gắn với bảo vệ môi trường, giảm thiểu những ảnh hưởng tiêu cực do biến đổi khí hậu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đang đẩy mạnh phát triển kinh tế tuần hoàn (KTTH) dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KHCN&ĐMST).

Dưới đây là chia sẻ của Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Nguyễn Công Danh về những đóng góp và định hướng của ngành trong việc thực hiện chủ trương trên.

Xin ông cho biết định hướng của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu trong việc ứng dụng KTTH để phát triển bền vững?

Áp dụng mô hình KTTH đang là xu thế của thế giới, trong đó có Việt Nam. Điều này đã được khẳng định trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Đặc biệt, Quyết định số 1658/QĐ-Ttg ngày 01/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 đã khẳng định: “Chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng xanh hóa các ngành kinh tế, áp dụng mô hình KTTH thông qua khai thác và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và năng lượng dựa trên nền tảng KH&CN, ứng dụng công nghệ số và chuyển đổi số...”.

Bà Rịa - Vũng Tàu là địa phương có nhiều tiềm năng để áp dụng mô hình KTTH; có vị trí trọng yếu kết nối kinh tế xã hội, quốc phòng và an ninh vùng Đông Nam Bộ, đồng thời là địa phương có nhiều giá trị văn hóa lịch sử cách mạng đặc biệt quan trọng. Để phát triển tương xứng với những thế mạnh hiện có, tận dụng có hiệu quả những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0), cùng với sự chuyển đổi nhanh chóng của nền kinh tế số, Bà Rịa - Vũng Tàu xác định cần phải có những bước chuyển hóa mạnh mẽ hơn nữa trong xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, giảm thiểu phát thải, bảo vệ môi trường vì mục tiêu tăng trưởng xanh, phát triển bền vững. Việc phát triển tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu gắn với mô hình KTTH thông qua áp dụng các nguyên tắc KTTH không những đảm bảo lộ trình phát triển đô thị hiện đại mà còn giảm tác động môi trường, thúc đẩy kinh tế và tạo nhiều cơ hội việc làm, hướng đến một đô thị phát triển bền vững và thịnh vượng trong tương lai.

Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu lần thứ VII nhiệm kỳ 2020-2025 cũng đã xác định phát triển bền vững, khai thác tiềm năng tăng trưởng xanh cũng như ứng dụng có hiệu quả thành tựu của cuộc CMCN 4.0 là nhiệm vụ chiến lược quan trọng trong phát triển kinh tế bền vững tại địa phương. Dựa trên định hướng này, ngày 24/12/2021, Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu  đã phối hợp với Hội đồng Lý luận Trung ương tổ chức Hội thảo “Ứng dụng KTTH vì mục tiêu tăng trưởng xanh, phát triển bền vững, mô hình nghiên cứu tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu”. Qua đó khẳng định định hướng phát triển bền vững của tỉnh và tầm quan trọng của mô hình KTTH đối với định hướng trên.

Ngành KH&CN của tỉnh đã có những kế hoạch gì để góp phần hiện thực hóa chủ trương lớn nêu trên, thưa ông?

Với chức năng là cơ quan tham mưu, Sở đã Tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh triển khai Đề án “Nghiên cứu và ứng dụng mô hình KTTH phục vụ phát triển kinh tế - xã hội bền vững huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giai đoạn 2022-2026’’. Như chúng ta đã biết, Côn Đảo là địa điểm văn hóa du lịch có ý nghĩa lịch sử của cả nước. Hiện nay, khu vực này đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức như thiếu nước sinh hoạt (đặc biệt là trong mùa du lịch), ô nhiễm chất thải, suy thoái hệ sinh thái... bên cạnh đó là các yêu cầu về phát triển năng lượng bền vững, du lịch bền vững. Tất cả những điều này đặt ra cho tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu bài toán khó là phải cân bằng giữa phát triển kinh tế và bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, phát huy tối đa các giá trị tự nhiên, tạo động lực xanh thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững của huyện Côn Đảo.

Rác thải sinh hoạt gia tăng đang tạo thêm áp lực về phát triển bền vững tại huyện Côn Đảo (ảnh: Quang Vũ).

Việc thực hiện Đề án “Nghiên cứu và ứng dụng mô hình KTTH phục vụ phát triển kinh tế - xã hội bền vững huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giai đoạn 2022-2026’’ có mục tiêu dài hạn là: i) xây dựng hệ thống quản lý bền vững nguồn nước và rác cho huyện đảo hướng tới chương trình không rác thải và bảo tồn đa dạng sinh học của cả nước đến năm 2026; ii) xây dựng khung chính sách thúc đẩy KTTH trên cơ sở liên kết đa thành phần và đa nguồn lực bao gồm người dân, doanh nghiệp, nhà nước, các tổ chức quốc tế ở các ngành nghề, lĩnh vực khác nhau; iii) xác định KTTH là giải pháp chiến lược, xây dựng tầm nhìn tổng thể, dài hạn cho Đề án với mục tiêu trở thành Đề án mũi nhọn, trọng điểm của tỉnh. Từ đó xây dựng Côn Đảo trở thành điển hình áp dụng KTTH trong tỉnh và cả nước.

Đề án sẽ chú trọng các giải pháp huy động đa nguồn lực từ việc nghiên cứu lồng ghép các chương trình quốc gia với địa phương; huy động kinh phí từ các quỹ quốc tế thông qua việc tham gia các chương trình toàn cầu (bảo tồn đa dạng sinh học, giảm phát thải khí nhà kính, phát huy các giá trị văn hóa, xã hội); huy động kinh phí từ tư nhân, doanh nghiệp thông qua các dự án sản xuất thử nghiệm; xây dựng chính sách quản lý, khuyến khích thúc đẩy nền kinh tế hiện tại dịch chuyển theo định hướng của nền KTTH...

Song song với việc triển khai Đề án, nhằm hướng đến việc ứng dụng KTTH để phát triển bền vững tại địa phương, Sở KH&CN đã tham mưu UBND tỉnh đề xuất đặt hàng Bộ KH&CN 2 nhiệm vụ KH&CN cấp Quốc gia, thực hiện từ năm 2022 tại huyện Côn Đảo là: “Áp dụng KTTH trong cung cấp nguồn nước bền vững tại huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu” và “Áp dụng nguyên lý KTTH trong giảm thiểu, xử lý rác nhựa vùng biển đảo: nghiên cứu thử nghiệm tại huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu”. Đồng thời, đẩy mạnh công tác đề xuất đặt hàng các nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh từ các sở, ban, ngành, địa phương; tăng cường hợp tác với các viện nghiên cứu, trường đại học, các nhà khoa học đầu ngành, gắn với mục tiêu nghiên cứu và ứng dụng mô hình KTTH phục vụ phát triển kinh tế - xã hội bền vững tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu.

Bên cạnh việc thực hiện chủ trương về KTTH nêu trên, xin ông cho biết thêm về những định hướng lớn của ngành trong thời gian tới?

Trong thời gian tới, nhằm triển khai các nhiệm vụ về KH&CN theo Chiến lược phát triển KHCN&ĐMST giai đoạn 2021-2030 và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu lần thứ VII, nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra là: Phát triển KH&CN ngang tầm nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu phát triển trong tình hình mới, ngành KH&CN tỉnh sẽ đẩy mạnh các hoạt động thúc đẩy hoạt động nghiên cứu và đưa các kết quả nghiên cứu vào thực tiễn, đáp ứng yêu cầu phát triển, cụ thể là:

- Triển khai Đề án “Ứng dụng tiến bộ KH&CN giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh” với mục tiêu đánh giá đúng thực trạng và khả năng ứng dụng tiến bộ KH&CN trên địa bàn tỉnh, dự báo xu hướng ứng dụng tiến bộ KH&CN trong thời gian tới; xác định các nhiệm vụ và giải pháp cụ thể đẩy mạnh việc nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao tiến bộ KH&CN vào sản xuất và đời sống nhằm tăng năng suất, chất lượng và giá trị của sản phẩm cũng như sức cạnh tranh của hàng hóa trên thị trường, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, tăng thu nhập và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân trên địa bàn tỉnh.

- Triển khai Quyết định số 336/QĐ-UBND ngày 17/2/2021 của UBND tỉnh về việc ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 17/4/2020 của Chính phủ và Kế hoạch của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc CMCN 4.0.

- Khuyến khích, tạo điều kiện, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo thông qua việc xây dựng Đề án thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; xây dựng Kế hoạch hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giai đoạn 2021- 2025; xây dựng và triển khai chính sách KH&CN hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh giai đoạn 2021-2025.

Bên cạnh đó, Sở tiếp tục tăng cường công tác đặt hàng các nhà khoa học; tăng cường phối kết hợp với các sở/ban/ngành trong tỉnh để tiến hành khảo sát, đánh giá, nghiên cứu, đề xuất đặt hàng các vấn đề cần đưa KH&CN vào giải quyết. Trong đó tập trung vào các ngành, lĩnh vực mũi nhọn, ưu tiên trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đồng thời đẩy mạnh việc ký thỏa thuận hợp tác với các viện nghiên cứu, trường đại học trong cả nước để nâng cao chất lượng KH&CN của địa phương, đáp ứng yêu cầu thực tiễn của tỉnh nhà và nâng tầm vai trò dẫn dắt của ngành KH&CN.

Xin cảm ơn ông và chúc ngành KH&CN của tỉnh sẽ hoàn thành tốt các nhiệm vụ đặt ra.

 

 

Nguồn: vjst.vn

Số lượt đọc: 1872

Về trang trước Về đầu trang