Phát biểu tại buổi tọa đàm, ông Nguyễn Công Danh – Giám đốc Sở KH&CN cho biết: Tọa đàm với mục đích gặp mặt cộng đồng khởi nghiệp, mong muốn được lắng nghe các ý kiến góp ý của các doanh nghiệp, các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp để triển khai các chính sách khởi nghiệp có hiệu quả, xây dựng được hệ sinh thái khởi nghiệp tỉnh phát triển bền vững. Cũng như, ý kiến từ phía các tổ chức làm công tác hỗ trợ khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua đã có những kết quả, khó khăn, các kế hoạch, các hoạt động sắp tới, những mong muốn hỗ trợ, phối hợp và các ý kiến góp ý cho các hoạt động của Sở.
Ông Nguyễn Công Danh – Giám đốc Sở KH&CN phát biểu tại buổi tọa đàm
Báo cáo về kết quả thực hiện các chính sách và kế hoạch năm 2022, ông Đỗ Vũ Khoa - Trưởng Văn phòng thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh BR-VT (Sở KH&CN) cho biết: Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của tỉnh đang ở cấp độ 2/7 – Hệ sinh thái cơ bản (mô hình SCMM) (Báo cáo tháng 12/2021): Chính phủ và môi trường pháp lý: mức độ 3; Mật độ: mức độ 2; Nguồn nhân lực: mức độ 2; Văn hóa: mức độ 2; Vốn đầu tư: mức độ 2. Theo ông Khoa, đây là cấp độ khai sinh và còn non trẻ. Về các phong trào khởi nghiệp đã và đang có nhiều chuyển biến mạnh mẽ, cơ bản đã có sự liên kết, kết nối giữa các thành phần trong hệ sinh thái khởi nghiệp, đặc biệt là các hoạt động thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Số lượng doanh nghiệp khởi nghiệp tại tỉnh hiện tại có khoảng 70 doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, gần 200 dự án, ý tưởng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo được phát hiện, hỗ trợ qua các Cuộc thi, các sự kiện, lớp đào tạo, tập huấn. Tính đến năm 2021, Sở KH&CN đã tham mưu cho UBND tỉnh xét hỗ trợ cho 17 doanh nghiệp với tổng kinh phí hỗ trợ 468,4 triệu đồng theo Đề án hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo tỉnh BR-VT giai đoạn 2019 - 2025 và 03 doanh nghiệp với tổng kính phí hỗ trợ 160 triệu đồng theo Nghị quyết số 06/2020/NQ-HĐND ngày 04/8/2020 của Hội đồng Nhân dân tỉnh Quy định nội dung và mức chi từ ngân sách nhà nước để thực hiện hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh BR-VT đến năm 2025.
Về định hướng phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của tỉnh trong thời gian tới, trước hết là cần phải tập trung phát triển được những tiềm năng đã đạt được trong thời gian qua, đồng thời tiếp tục có những định hướng để hình thành và phát triển một hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong tương lai, trong đó cần thiết phải xây dựng một kế hoạch theo lộ trình với mục tiêu cụ thể và trước hết cần phải ưu tiên giải quyết những vấn đề như: Triển khai có hiệu quả Quyết định số 1313/QĐ-UBND ngày 18/5/2021 của UBND tỉnh về Kế hoạch hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021-2025; tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức về khởi nghiệp, hoạt động đào tạo về khởi nghiệp. Đẩy mạnh việc đào tạo nguồn nhân lực cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong các trường đại học, cao đẳng; triển khai có hiệu quả Đề án hỗ trợ học sinh và sinh viên khởi nghiệp (Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở LĐ-TB&XH). Tăng cường sự phối hợp, gắn kết giữa các sở, ngành chuyên môn, tổ chức chính trị - xã hội để tổ chức các chương trình đào tạo, ươm tạo doanh nghiệp riêng đối với các lĩnh vực có thế mạnh của tỉnh cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo như: công nghiệp, cảng biển, du lịch và nông nghiệp công nghệ cao. Thu hút sự tham gia của khu vực tư nhân vào để hỗ trợ khởi nghiệp dưới các hình thức. Thu hút đầu tư từ các công ty, tập đoàn công nghệ, đặc biệt về công nghệ thông tin, công nghệ 4.0 để có nền tảng ban đầu thu hút nguồn nhân lực công nghệ, chuyên gia về công nghệ cho tỉnh và hỗ trợ để xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của tỉnh.
Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã được nghe các chuyên gia chia sẻ các nội dung liên quan đến hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Kết nối nguồn lực kiến tạo hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh. Nhiều câu chuyện, bài học thực tế đã được các doanh nghiệp, Startup khi bắt đầu khởi nghiệp chia sẻ. Có thể nhận thấy, phần lớn các đơn vị doanh nghiệp khởi nghiệp vẫn còn đang gặp khó khăn trong việc thu hút, kết nối các nguồn lực để phát triển thị trường: thị trường, công nghệ, tiếp cận với các nhà đầu tư, kêu gọi đầu tư vốn, các chuyên gia tư vấn về chiến lược phát triển bền vững,…
Theo đó, các đại biểu đã giải đáp những thắc mắc cho các doanh nghiệp, các Startup trong tiếp cận các cơ chế chính sách, việc tiếp cận nguồn vốn, tiếp cận thị trường và xây dựng mạng lưới, hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp. Ngoài ra, các đại biểu còn tập trung thảo luận, trao đổi về việc tiếp cận, đưa sản phẩm sáng tạo ra thị trường trong nước và quốc tế; các vấn đề về nhu cầu nhân lực,…
Kết luận buổi tọa đàm, Giám đốc Sở KH&CN ghi nhận và cảm ơn những chia sẻ về các vấn đề hết sức cần thiết, xác thực của các doanh nghiệp, Startup, các tổ chức làm công tác hỗ trợ khởi nghiệp. Ông hy vọng, sau buổi tọa đàm, các sở, ban, ngành, đơn vị trên địa bàn phối hợp chặt chẽ hơn nữa với Sở KH&CN - đơn vị đầu mối thực hiện công tác đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể, chi tiết để tiếp nối các nội dung của buổi tọa đàm đã đề ra.