Hợp tác quốc tế
Hội nghị Bộ trưởng Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo ASEAN lần thứ 19 (AMMSTI-19) và Hội nghị Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo ASEAN lần thứ 81 (COSTI-81) (20/06/2022)
-   +   A-   A+   In  
Trong chuỗi hoạt động trọng tâm do Việt Nam đăng cai tổ chức theo hình thức trực tuyến với vai trò Chủ tịch ASEAN COSTI năm 2022, ngày 16/6/2022, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Huỳnh Thành Đạt đã chủ trì Hội nghị AMMSTI-19 với sự tham dự của Bộ trưởng phụ trách về KH&CN của các nước thành viên ASEAN và Phó Tổng Thư ký ASEAN.

Tại Hội nghị AMMSTI-19, các Bộ trưởng tập trung thảo luận về định hướng trọng tâm trong triển khai hợp tác về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KHCN&ĐMST) giữa các nước thành viên ASEAN. Trong thời gian tới, các nước sẽ tiếp tục triển khai nội dung Chương trình hành động KHCN&ĐMST ASEAN (APASTI) giai đoạn 2019-2025 phù hợp với Kế hoạch tổng thể Cộng đồng Kinh tế ASEAN 2025; đồng thời, đề xuất xây dựng dự thảo APASTI giai đoạn 2026-2035 trong bối cảnh các nước thành viên ASEAN đã mở cửa biên giới trở lại và nỗ lực phục hồi kinh tế hậu COVID-19.

Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt chủ trì Hội nghị AMMSTI-19

Hội nghị AMMSTI-19 cũng đã ghi nhận kết quả đạt được trong triển khai các hoạt động ưu tiên năm 2022 của COSTI, trong đó có các dự án hợp tác nghiên cứu liên quan đến dịch bệnh COVID-19, dự án Thiết lập Trung tâm Quản lý Công nghệ ASEAN, Chương trình tính toán hiệu năng cao, nghiên cứu khả thi về mô hình chuyển giao công nghệ cho các dự án liên quan đến các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs), triển khai chuỗi Hội thảo về ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong một số lĩnh vực quan trọng, thiết lập Mạng lưới ASEAN về nền kinh tế xanh, tuần hoàn - sinh học.

Trên cơ sở nội dung thảo luận tại Hội nghị lần này, các Bộ trưởng đã nhất trí thông qua danh mục các hoạt động ưu tiên trong năm 2023 của COSTI. Bên cạnh việc tiếp tục thực hiện một số dự án nêu trên, COSTI sẽ ưu tiên thúc đẩy triển khai dự án Xây dựng Chiến lược cơ sở hạ tầng nghiên cứu khu vực ASEAN, dự án Thiết lập nền tảng giáo dục KH&CN và Xây dựng Lộ trình ASEAN cho nền kinh tế xanh trong năm 2023.

Đặc biệt, các Bộ trưởng đã dành một phần quan trọng của chương trình nghị sự để thảo luận về chủ đề “Phát huy vai trò của KHCN&ĐMST hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững” và “Thúc đẩy nền kinh tế cac-bon thấp thông qua cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0)”. Các ý kiến tham gia thảo luận đều nhấn mạnh vai trò của KHCN&ĐMST trong việc đạt được các mục tiêu phát triển bền vững, đặc biệt là trong việc giải quyết các vấn đề môi trường, các thách thức xã hội và mở ra các cơ hội phát triển kinh tế một cách toàn diện. Các đại biểu cho rằng ASEAN cần phát huy hơn nữa vai trò của KHCN&ĐMST nhằm thu hẹp khoảng cách trong khu vực, xây dựng và triển khai chiến lược phát triển nguồn nhân lực KHCN&ĐMST một cách hiệu quả, mở rộng quy mô đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp, thúc đẩy hợp tác song phương và đa phương mạnh mẽ hơn, gắn kết các chính sách của ASEAN với các nỗ lực toàn cầu nhằm giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu. Hội nghị nhất trí rằng, để đạt được một nền kinh tế cac-bon thấp, việc ứng dụng các công nghệ tiên tiến là yêu cầu cấp thiết trong việc giảm phát thải cac-bon, giúp các nước ASEAN đạt được bước phát triển công nghiệp mạnh mẽ, song hành với mục tiêu bảo vệ môi trường. Nhằm đạt được mục tiêu này, ASEAN cần nâng cao năng lực để chuẩn bị sẵn sàng cho lực lượng lao động trong việc ứng dụng các công nghệ chủ chốt của CMCN 4.0, thúc đẩy đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.

Hội nghị ủng hộ các sáng kiến do các nước thành viên đề xuất tại Hội nghị COSTI-81 và hoan nghênh các sáng kiến gắn với hai chủ đề các Bộ trưởng đã thảo luận để đưa vào Chương trình Hành động ASEAN về KHCN&ĐMST và các khuôn khổ hợp tác với các đối tác đối thoại.

Tham gia thảo luận tại Hội nghị AMMSTI-19, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt đã trao đổi quan điểm về một số vấn đề quan trọng trong việc đẩy mạnh hợp tác KHCN&ĐMST của ASEAN. Bộ trưởng cho rằng, để thúc đẩy nền kinh tế số phát triển, bên cạnh các hoạt động hợp tác phát triển hạ tầng kỹ thuật số, tăng cường thương mại điện tử xuyên biên giới, các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam cần quan tâm thúc đẩy hợp tác giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực KH&CN, hỗ trợ người lao động từng bước thích ứng với công nghệ số. Với tư cách là cơ quan chuyên ngành về KHCN&ĐMST trong ASEAN, COSTI cần tăng cường hợp tác để thúc đẩy tăng trưởng xanh và chuyển đổi số thông qua các chương trình, khuôn khổ hợp tác phù hợp với sự tham gia của tất cả các nước thành viên ASEAN. Các lĩnh vực này cũng là thế mạnh của nhiều đối tác đối thoại ASEAN, do vậy, sự kết hợp giữa thế mạnh của các đối tác này với sự năng động và hội nhập sâu rộng của các nền kinh tế ASEAN sẽ mở ra cơ hội lớn cho sự phát triển, hướng tới đạt được các mục tiêu phát triển bền vững và thúc đẩy nền kinh tế cac-bon thấp trong khu vực.

Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy - Chủ tịch ASEAN COSTI năm 2022 đã chủ trì Hội nghị COSTI-81

Trước đó, từ ngày 13 - 15/6/2022 đã diễn ra Hội nghị COSTI-81 với sự tham dự của Chủ tịch COSTI của các nước thành viên ASEAN, Ban Thư ký ASEAN, đại diện các tiểu ban chuyên môn trực thuộc và Ban Tư vấn COSTI. Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy - Chủ tịch ASEAN COSTI năm 2022 đã chủ trì Hội nghị COSTI-81 và các cuộc họp của COSTI với các đối tác đối thoại. Hội nghị đã đánh giá tổng thể tình hình và kết quả triển khai các dự án đã được thông qua, hoạt động hợp tác với các đối tác đối thoại, kết quả hoạt động trọng tâm của COSTI trong năm 2022, xác định các hoạt động ưu tiên thực hiện trong năm 2023, tiến hành phiên thảo luận đặc biệt về CMCN 4.0 và vấn đề giảm khí thải cac-bon. Trong dịp này, cuộc họp ASEAN với các đối tác đối thoại Hoa Kỳ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ cũng đã được tổ chức thành công.

Hội nghị COSTI-81

Dự kiến, Hội nghị Bộ trưởng Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo ASEAN không chính thức lần thứ 12 (IAMMSTI-12) sẽ được tổ chức vào năm 2023 tại Brunei Darussalam./.

 

Nguồn: truyenthongkhoahoc.vn

Số lượt đọc: 1947

Về trang trước Về đầu trang