Hợp tác quốc tế
Hợp tác khoa học và công nghệ Việt Nam - LB Nga (01/02/2015)
-   +   A-   A+   In  

Kế thừa và phát huy mối quan hệ hợp tác, hữu nghị truyền thống với Liên Xô (trước đây), trong những năm qua, quan hệ Việt Nam – LB Nga có bước phát triển mạnh mẽ. Với việc thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, các lĩnh vực hợp tác giữa hai nước đã đi vào chiều sâu và ngày càng hiệu quả, trong đó có lĩnh vực đào tạo, khoa học và công nghệ (KH và CN).

Lịch sử 65 năm qua cho thấy, dù thế giới trải qua nhiều biến cố, thử thách, nhưng mối quan hệ hữu nghị thủy chung và tin cậy giữa Việt Nam với Liên Xô trước đây và LB Nga ngày nay vẫn không ngừng được củng cố. Việt Nam và Nga đã có những bước phát triển quan trọng trên nhiều lĩnh vực, từ đầu tư, thương mại (kim ngạch thương mại song phương lên mức bảy tỷ USD vào năm 2015 và 10 tỷ USD vào năm 2020), an ninh - quốc phòng, đến văn hóa, khoa học và giáo dục…

 

Chưa thể nào quên, cách đây mấy chục năm, giữa lúc Việt Nam đang chìm trong khói lửa của chiến tranh, cũng như sau ngày đất nước thống nhất (năm 1975), các trường đại học và viện nghiên cứu thuộc Liên Xô đã đón nhận, nuôi dưỡng và đào tạo hàng chục nghìn sinh viên Việt Nam. Để sau này nền khoa học nước nhà có những tên tuổi như các giáo sư Nguyễn Đình Tứ, Nguyễn Văn Hiệu, Đặng Vũ Minh, Đặng Xuân Kỳ, Võ Hồng Anh… và không ít cán bộ cốt cán trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội.

 

Mới đây, trong chuyến thăm chính thức LB Nga của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (từ ngày 23 đến 26-11-2014), hai bên đã ra Tuyên bố chung về tiếp tục tăng cường quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và LB Nga. Nhân dịp này, Bộ trưởng KH và CN Nguyễn Quân và Bộ trưởng Giáo dục và Khoa học LB Nga V.Li-va-nốp đã ký hiệp định về đối tác chiến lược trên lĩnh vực giáo dục, KH và CN. Theo ông V.Li-va-nốp, trong năm năm qua có gần 5.000 sinh viên Việt Nam theo học tại các trường đại học ở Nga (trong đó gần 2.000 trường hợp học theo chế độ học bổng Nhà nước). Theo kế hoạch hợp tác giữa hai nước đến năm 2015, LB Nga cung cấp cho Việt Nam 700 suất học bổng thuộc các ngành đào tạo khác nhau, đến năm 2020 sẽ là 1.000 suất, trong đó ưu tiên cho chuyên ngành năng lượng hạt nhân. Đây là cơ sở để Việt Nam bổ sung nguồn nhân lực chất lượng cao cho các lĩnh vực: giao thông, kiến trúc, chế tạo máy, y học, công nghệ sinh học, khoa học vật liệu, công nghệ điện hạt nhân và các ngành khoa học xã hội và nhân văn.

 

Lâu nay, nhiều trường đại học của nước ta đã có quan hệ hợp tác với các trường đại học Nga trong trao đổi sinh viên, bồi dưỡng cán bộ giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Ở đây phải kể đến mỗi quan hệ hợp tác giữa Đại học Quốc gia Hà Nội với các trường đại học Nga, như Đại học Quốc gia Mát-xcơ-va, Đại học Quốc gia Xanh Pê-téc-bua, Đại học Hữu nghị Mát-xcơ-va, Đại học Khí tượng thủy văn LB Nga… Tháng 5-2013, trước sự chứng kiến của Thủ tướng hai nước, tại nhà khách Chính phủ LB Nga, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội Phùng Xuân Nhạ và Giám đốc Đại học Quốc gia Mát-xcơ-va V.A-xa-đốp-ni-chi đã ký thỏa thuận hợp tác với các nội dung như: Hỗ trợ nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, trao đổi các xuất bản phẩm, chia sẻ các phương pháp và công nghệ dạy học tiên tiến, thực hiện các đề tài, dự án nghiên cứu chung về công nghệ sinh học, vật liệu mới, năng lượng sạch, công nghệ na-nô, biến đổi khí hậu…

 

Cuối tháng 10-2014, lãnh đạo Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia Xanh Pê-téc-bua đã có cuộc gặp, làm việc và nhất trí cụ thể hóa một số vấn đề trong thỏa thuận hợp tác khung đã ký năm 2010. Trong đó, tập trung ba nhóm chính: khoa học tự nhiên và công nghệ; khoa học xã hội và nhân văn; khoa học trái đất và biến đổi khí hậu. Đồng thời tiến tới xây dựng các phòng thí nghiệm chung liên quan lĩnh vực khoa học tự nhiên và công nghệ; qua đó các nhà khoa học hai bên cùng phối hợp nghiên cứu và đưa ra những công bố chung quốc tế (trước hết ưu tiên công nghệ sinh học, công nghệ hóa học, quản lý nguồn nước và biến đổi khí hậu).

 

Không thể không kể đến một điểm sáng trong hợp tác KH và CN giữa Việt Nam và LB Nga (kể cả Liên Xô trước đây), đó là Viện Liên hợp nghiên cứu hạt nhân Đúp-na (còn gọi là Viện Đúp-na). Đây là nơi hơn nửa thế kỷ qua đã có hàng trăm nhà khoa học Việt Nam được đào tạo và trưởng thành, trong đó có các tên tuổi như: Giáo sư, Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu, các Giáo sư Võ Hồng Anh, Trần Đức Thiệp… thuộc Viện khoa học Việt Nam, sau này là Viện Hàn lâm KH và CN Việt Nam (VAST). Năm 2010, VAST đã ký thỏa thuận hợp tác với Viện Đúp-na theo các nội dung nghiên cứu: Vật lý, toán học, vật liệu mới, khoa học máy tính, sinh học, tự động hóa. Phó Giáo sư, tiến sĩ Lê Hồng Khiêm, Viện trưởng Viện Vật lý (thuộc VAST), đại diện Việt Nam tại Viện Đúp-na cho biết: Với hình thức đồng hướng dẫn trong đào tạo nhân lực chất lượng cao và hợp tác song phương, hàng năm VAST cử các đoàn cán bộ đi học tập, trao đổi nghiên cứu khoa học tại Viện Đúp-na. Viện Đúp-na cũng tổ chức các đoàn sang thăm và giảng bài, hội thảo khoa học nhằm nâng cao trình độ cho cán bộ nghiên cứu theo nhu cầu của VAST. Quá trình phát triển và những thành tựu mà Trung tâm nhiệt đới Việt-Nga tại Hà Nội đạt được trong 26 năm qua (trong các lĩnh vực y, sinh học, độ bền cuả thiết bị quân sự…) góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước cũng là một minh chứng đầy sức thuyết phục cho mối quan hệ hợp tác về KH và CN giữa Việt Nam và LB Nga.

 

Nguồn: nhandan.com.vn

Số lượt đọc: 3146

Về trang trước Về đầu trang