Tin KHCN trong tỉnh
Phát triển bền vững ngành thủy sản (31/03/2022)
-   +   A-   A+   In  

Tăng cường áp dụng khoa học công nghệ vào nuôi trồng, khai thác; chuyển đổi cơ cấu ngành nghề; thả cá, tôm giống hàng năm… là các giải pháp mà ngành nông nghiệp đã và đang thực hiện nhằm phát triển bền vững ngành thủy sản.


Ngành nông nghiệp tỉnh nỗ lực tuyên truyền, hướng dẫn ngư dân chống đánh bắt tận diệt. Trong ảnh: Cán bộ Chi cục Thủy sản phát tờ rơi hướng dẫn ngư dân chấp hành quy định trong quá trình đánh bắt.
Ngành nông nghiệp tỉnh nỗ lực tuyên truyền, hướng dẫn ngư dân chống đánh bắt tận diệt. Trong ảnh: Cán bộ Chi cục Thủy sản phát tờ rơi hướng dẫn ngư dân chấp hành quy định trong quá trình đánh bắt.

Đánh bắt, nuôi trồng có trách nhiệm

Gắn bó với nghề đi biển hàng chục năm, ngư dân Nguyễn Văn Chung (TT. Phước Hải, huyện Đất Đỏ) nhận thấy rõ ngư trường đánh bắt đang ngày càng cạn kiệt. Sau khi được địa phương tuyên truyền, vận động, ông quyết định vay 1,5 tỷ đồng để đầu tư sửa chữa tàu, không còn đánh bắt giã cao mà chuyển đổi ngư cụ, máy kéo cho 2 tàu công suất 380CV và 400CV bẫy mực.

“Ngư trường cạn kiệt, việc đánh bắt gặp nhiều khó khăn nên chúng tôi đã nhận ra những loại hình đánh bắt sẽ ảnh hưởng tới nguồn lợi thủy sản bền vững. Thu nhập mỗi chuyến giờ tuy ít hơn so với nghề giã cào trước đây nhưng tôi thấy việc chuyển đổi nghề không chỉ phù hợp với quy định mà còn bảo vệ nguồn lợi thủy sản”, ông Chung bày tỏ.

Còn ông Nguyễn Văn Hải, hộ nuôi cá lồng bè trên sông Chà Và, xã Long Sơn, TP. Vũng Tàu cho biết, được cơ quan chức năng hướng dẫn, ông đã áp dụng nuôi cá biển trong lồng tròn theo công nghệ của Na Uy thay thế phương pháp nuôi cũ. Theo ông Hải, ưu điểm của lồng nuôi theo công nghệ này là sản xuất bằng chất liệu nhựa HDPE cực kỳ bền, có độ kín nước, kín hơi cao. Lồng còn có khả năng chống lại hóa chất và không bị ăn mòn, gỉ sét, đặc biệt có khả năng uốn dẻo nên dễ dàng định hình. Nhờ những đặc tính trên, hệ thống lồng nuôi cho phép người nuôi đặt lồng ở những vùng biển xa bờ, nơi môi trường nước trong sạch, hạn chế nguy cơ ô nhiễm, dịch bệnh, mang lại hiệu quả cao hơn khoảng 20% so với cách nuôi trong lồng truyền thống.

Với diện tích nuôi trồng thủy sản (NTTS) khoảng 5.935ha, ngành NTTS trên địa bàn tỉnh không chỉ có khả năng tạo ra đột phá kinh tế, góp phần tạo nguồn cung nguyên liệu ổn định cho xuất khẩu thủy sản, mà còn giúp giảm áp lực trong khai thác thủy sản xa bờ. Để phát triển bền vững loại hình này, ngành nông nghiệp tỉnh đã triển khai nhiều kế hoạch tuyên truyền, nâng cao ý thức, trách nhiệm cho người NTTS. Đặc biệt là về công tác bảo vệ môi trường, chống rác thải nhựa trong NTTS.

Theo đó, Chi cục Thủy sản cũng tích cực hướng dẫn người dân ứng dụng KHKT vào quá trình sản xuất; chú trọng sử dụng các loại vật liệu sản xuất thân thiện với môi trường, mang lại hiệu quả kinh tế cao như: nuôi hàu Thái Bình Dương trên giá thể tre thay cho tấm lợp xi măng hoặc lốp cao su; nuôi cá bằng lồng bè tròn nhựa công nghệ Na Uy; nhuộm lưới chống bám bẩn; làm mái che giảm nhiệt độ, lắp đặt hệ thống quan trắc tự động mặt nước.

Trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, ngành nông nghiệp đẩy mạnh ứng dụng KH-CN nhằm tăng năng suất, giảm chi phí và thân thiện với môi trường. Trong ảnh: Vệ sinh ao nuôi tôm công công nghệ cao tại xã An Ngãi, huyện Long Điền.
Trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, ngành nông nghiệp đẩy mạnh ứng dụng KH-CN nhằm tăng năng suất, giảm chi phí và thân thiện với môi trường. Trong ảnh: Vệ sinh ao nuôi tôm công công nghệ cao tại xã An Ngãi, huyện Long Điền.

Tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản

Theo Sở NN-PTNT, trong những năm qua, UBND tỉnh đã ban hành các chủ trương, chính sách phát triển bền vững ngành thủy sản. Ngành nông nghiệp cũng tập trung triển khai thực hiện cơ cấu, tổ chức sắp xếp lại tàu thuyền theo hướng giảm theo quy hoạch; quản lý, chặt chẽ việc đóng mới, cải hoán tàu cá, cấp giấy phép khai thác thủy sản theo hạn ngạch được giao. Đặc biệt, phối hợp cùng các cơ quan chức năng triển khai nhiều giải pháp tái tạo nguồn lợi thủy sản. Sở NN-PTNT cũng khuyến khích ngư dân nâng cấp, cải hoán tàu cá công suất lớn giúp khai thác tại các ngư trường xa bờ; tìm kiếm các nguồn lực hỗ trợ cộng đồng trong đào tạo nghề; hỗ trợ lãi suất ngân hàng để ngư dân có điều kiện chuyển đổi nghề.

Ông Nguyễn Hữu Thi, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản (Sở NN-PTNT) cho biết, UBND tỉnh cũng đã có chủ trương cho xây dựng các trung tâm nghiên cứu, sản xuất giống thủy hải sản nuôi biển trên địa bàn. Đồng thời tạo điều kiện để người dân đa dạng hóa đối tượng nuôi, phương thức nuôi với cơ cấu diện tích và sản lượng phù hợp, đẩy mạnh áp dụng thực hành NTTS có chứng nhận và truy xuất nguồn gốc đối với sản phẩm chủ lực như: tôm sú, tôm thẻ chân trắng.

Ngành nông nghiệp tỉnh cũng chú trọng tuyên truyền, hướng dẫn ngư dân khai thác thủy sản theo hướng bền vững: Trong ảnh: Ngư dân thu hoạch cá tại TP. Vũng Tàu.
Ngành nông nghiệp tỉnh cũng chú trọng tuyên truyền, hướng dẫn ngư dân khai thác thủy sản theo hướng bền vững: Trong ảnh: Ngư dân thu hoạch cá tại TP. Vũng Tàu.

Hiện tỉnh đang điều chỉnh quy hoạch phát triển thủy sản theo hướng siết chặt công tác quản lý, cấp phép NTTS trên biển; loại dần những địa điểm, vùng nuôi không đúng quy hoạch; khuyến khích các cơ sở, người nuôi sử dụng vật liệu thân thiện môi trường; ứng dụng công nghệ cao nâng cao giá trị sản phẩm; hướng đến phục vụ chế biến, xuất khẩu...

“Chúng tôi hàng năm đều tổ chức các hoạt động tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản như: thả cá giống, tôm giống về biển nhằm khôi phục, bảo tồn nguồn lợi thủy sản tự nhiên, tăng mật độ quần thể các giống loài thủy sản đã bị khai thác quá mức. Qua đó, tạo sự cân bằng sinh thái, ổn định quần thể giống loài trong các thủy vực, lưu vực tự nhiên. Đồng thời, khuyến khích các tổ chức, cá nhân thực hiện tốt việc NTTS có trách nhiệm”, ông Thi thông tin.

 

Theo ngành nông nghiệp tỉnh, tỷ lệ diện tích NTTS áp dụng quy trình thực hành NTTS tốt và bền vững không ngừng tăng lên. Nếu như trong năm 2020, tỷ lệ này đạt 4,2% thì năm 2021 đạt 4,9%. Năm 2022, ngành nông nghiệp phấn đấu tỷ lệ này sẽ đạt 5,5%.
 

 

Nguồn: baobariavungtau.com.vn

Số lượt đọc: 3589

Về trang trước Về đầu trang