Tin KHCN trong tỉnh
Quỹ khoa học và công nghệ - đòn bẩy phát triển doanh nghiệp - Kỳ 1: Giảm chi phí, tăng sức cạnh tranh (07/09/2023)
-   +   A-   A+   In  

Từ năm 2008, Luật Thuế thu nhập DN cho phép DN trích 10% thu nhập tính thuế để trích lập Quỹ phát triển KH-CN. Đây là hành lang pháp lý quan trọng để khuyến khích DN có nguồn lực đầu tư cho KH-CN theo chiều hướng lâu dài và lớn hơn.

Băng chuyền công nghệ phân size hải sản của Baseafood 1 (TP.Bà Rịa) được đầu tư từ Quỹ KH-CN doanh nghiệp.
Băng chuyền công nghệ phân size hải sản của Baseafood 1 (TP.Bà Rịa) được đầu tư từ Quỹ KH-CN doanh nghiệp.

Kiến nghị tăng mức trích quỹ

Công ty CP chế biến xuất nhập khẩu thủy sản tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu (Baseafood) thành lập Quỹ phát triển KH-CN từ năm 2013. Từ nguồn quỹ này, công ty đã đầu tư cơ sở vật chất, máy móc và liên tục phát triển công nghệ mới để gia tăng tỷ trọng hàng tinh chế trong cơ cấu hàng thủy sản xuất khẩu, nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm. Qua đó nâng cao sức cạnh tranh cho DN trên thị trường quốc tế.

Ông Huỳnh Minh Tường, Giám đốc Baseafood 1 cho biết, Quỹ phát triển KH-CN đã tạo động lực, là đòn bẩy cho DN phát triển KH-CN. Tùy vào lợi nhuận trước thuế hằng năm của công ty mà Baseafood 1 trích từ 3-10% theo luật định cho Quỹ để phát triển KH-CN. Các mức chi cho Quỹ được miễn thuế thu nhập DN.

Theo ông Tường, phần lớn Baseafood 1 đều trích mức cao nhất là 10% và sử dụng hết Quỹ hằng năm để phát triển KH-CN. Tuy nhiên vẫn không đủ cho nhu cầu phát triển của DN và Baseafood 1 kiến nghị nên tăng mức trích Quỹ lên 15%, thậm chí 20% thu nhập tính thuế thu nhập DN trong kỳ.

Nhu cầu đầu tư cho KH-CN trong doanh nghiệp là rất lớn. Trong ảnh: Công nhân sản xuất linh kiện điện tử ở Công ty DONGJIN GOLBAL - KCN ĐẤT ĐỎ 1.
Nhu cầu đầu tư cho KH-CN trong doanh nghiệp là rất lớn. Trong ảnh: Công nhân sản xuất linh kiện điện tử ở Công ty DONGJIN GOLBAL - KCN ĐẤT ĐỎ 1.

Tương tự, Quỹ KH-CN của Công ty CP Cao su Bà Rịa được thành lập vào năm 2010. Tùy vào lợi nhuận trước thuế hằng năm, mức trích lập Quỹ từ 1,5-7 tỷ đồng. Công ty đã có các dự án KH-CN như: cải tạo lò sấy mủ tạp tại Xí nghiệp chế biến cao su Xà Bang (năm 2012); nghiên cứu và ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý nhân sự tiền lương và quản lý vườn cây cao su (năm 2013); tự động hóa quy trình đánh đông mủ cao su tại Xí nghiệp chế biến cao su Xà Bang (năm 2014). Các dự án từ Quỹ phát triển KH-CN đã góp phần giảm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, hiệu quả quản lý, đảm bảo nguồn nước thải ra môi trường phù hợp theo quy định, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Quỹ KH-CN của Công ty CP Dịch vụ lắp đặt, vận hành và bảo dưỡng công trình dầu khí biển - PTSC (TP.Vũng Tàu) giúp tăng năng suất lao động và chất lượng sản phẩm.
Quỹ KH-CN của Công ty CP Dịch vụ lắp đặt, vận hành và bảo dưỡng công trình dầu khí biển - PTSC (TP.Vũng Tàu) giúp tăng năng suất lao động và chất lượng sản phẩm.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Ngọc Thịnh, Phó Tổng Giám đốc công ty, mức trích lập 10% lợi nhuận trước thuế cho Quỹ vẫn không đủ cho nhu cầu phát triển KH-CN của DN khi đầu tư cho một dây chuyền công nghệ mới, giá trị có thể lên đến hàng chục tỷ đồng. Bên cạnh đó, đối tượng áp dụng cũng bị hạn chế, chỉ áp dụng lĩnh vực KH-CN và phải là lĩnh vực mới nên rất khó cho DN áp dụng.

Còn nhiều vướng mắc

Theo Sở KH-CN, hiện trên địa bàn tỉnh có 12 DN thành lập Quỹ phát triển KH-CN. Qua tổng hợp, các công ty thực hiện theo quy định tại Thông tư liên tịch 12/2016/TTLT/BKHCN-BTC trích từ 3-10% thu nhập tính thuế DN trong kỳ để lập Quỹ. Tỷ lệ trích cụ thể tùy thuộc vào khả năng và nhu cầu sử dụng nguồn vốn cho hoạt động KH-CN của công ty theo từng năm khác nhau.

Sở KH-CN đã đề xuất Bộ KH-CN kiến nghị bổ sung hướng dẫn cụ thể về nội dung và thủ tục thuế đối với việc trích lập, sử dụng Quỹ phát triển KH-CN của DN; đơn giản hóa thủ tục thực hiện đề tài, dự án và quyết toán Quỹ đối với các dự án tại DN không sử dụng ngân sách Nhà nước.

Sở cũng đề nghị xem xét bãi bỏ quy định tính lãi tiền gửi và tiền phạt chậm nộp sau 5 năm chưa sử dụng hết Quỹ; xem xét tăng thời hạn phải nộp thuế do sử dụng không hết 70% thay vì 5 năm theo khoản 3 điều 14 Thông tư liên tịch số 12/2016/TTLT-BKHCN-BTC12 và mở rộng đối tượng áp dụng cho việc sử dụng Quỹ của DN; tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan thuế, Sở KH-CN để hỗ trợ kịp thời cho DN trong quá trình trích lập, sử dụng Quỹ được hiệu quả hơn.

“DN được chủ động trong vấn đề trích lập vào chi phí, không quá 10% thu nhập tính thuế, từ đó có nguồn quỹ để đầu tư cho việc nghiên cứu, ứng dụng và phát triển, khuyến khích được người lao động tham gia sáng kiến, cải tiến đổi mới công nghệ, đổi mới sản phẩm hợp lý hóa sản xuất nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh”, ông Trần Duy Tâm Thanh, Phó Giám đốc Sở KH-CN chia sẻ.

Mặc dù có mục đích nâng cao sức cạnh tranh và tạo nguồn lực cho DN phát triển, song cho đến nay việc thực hiện Quỹ phát triển KH-CN vẫn còn nhiều bất cập, vướng mắc, không đạt hiệu quả như mong đợi.

Theo Sở KH-CN, một số công ty chủ yếu hoạt động chính ở lĩnh vực nông nghiệp, sản xuất mang tính thủ công, phạm vi áp dụng nhỏ mang tính nội bộ nên nội dung chi sử dụng từ Quỹ bị hạn chế. Thủ tục quyết toán tài chính liên quan đến Quỹ vẫn còn rất phức tạp.

Mặt khác, do nguồn kinh phí Quỹ tại DN không lấy từ nguồn ngân sách Nhà nước nên khó có sự tham gia của các chuyên gia từ ban, ngành địa phương trong xét duyệt đề tài. Trong khi, thủ tục quyết toán cần Hội đồng thẩm định, xét duyệt... là chuyên gia trong lĩnh vực được thực hiện, điều này rất khó đối với các DN.

(Còn tiếp)

Nguồn: baobariavungtau.com.vn

Số lượt đọc: 4545

Về trang trước Về đầu trang