Tin KHCN trong nước
Công nghệ nano - giải pháp cho nông nghiệp sạch (11/09/2018)
-   +   A-   A+   In  
Mới đây, Viện Hàn lâm khoa học và Công nghệ Việt Nam đã hoàn thành quy trình nghiên cứu và bước đầu triển khai ứng dụng công nghệ nano trong trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản. Các kết quả nghiên cứu cho thấy, các nhà khoa học Việt Nam đang tích cực tìm ra những giải pháp bắt kịp xu thế nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, nhất là nông nghiệp sạch.

Bắt kịp xu thế

 

Dự án “Nghiên cứu ứng dụng công nghệ nano trong nông nghiệp” giai đoạn 2015-2019 do Viện Hàn lâm khoa học và Công nghệ (KH-CN) Việt Nam phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) thực hiện. Trong đó, việc nghiên cứu chế tạo ra các sản phẩm nano sẽ do Viện Công nghệ môi trường của Viện Hàn lâm KH-CN Việt Nam thực hiện. Còn việc đưa công nghệ này ứng dụng trong lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi do các đơn vị thuộc Bộ NN&PTNT đảm nhận.

 

Qua 4 năm, dự án đã cho ra đời một số sản phẩm nano như nano sắt, nano đồng, nano ôxít kẽm, nano coban, nano selen, nano chitosan… Các sản phẩm này được sử dụng trong lĩnh vực nông nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả về năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi, từ xử lý hạt giống, làm phân bón lá cho tới sản xuất thức ăn chăn nuôi, phòng và trị bệnh cho gia súc… Các nhà khoa học đã nghiên cứu ứng dụng các loại phân vi lượng nhả chậm trên cơ sở các hạt nano kim loại có hoạt tính sinh học; các chế phẩm phòng, chống và diệt một số bệnh nấm trên cơ sở các nano kẽm, bạc và đồng, phát triển loại kem bôi nano dùng trong chăn nuôi bò sữa. Việc nghiên cứu vật liệu mang thuốc kháng sinh đa chức năng... cũng có nhiều kết quả khả quan.

 

Chủ nhiệm Dự án, PGS.TS Nguyễn Hoài Châu cho biết, các kết quả nghiên cứu thực nghiệm của Dự án đã chứng minh sản phẩm phân bón lá nano có khả năng kích thích sinh trưởng và phát triển của cây trong giai đoạn nảy mầm, giúp tăng năng suất cây trồng, giảm thiểu phân bón sử dụng, phòng trừ dịch bệnh từ đất và tăng sức chống chịu các điều kiện bất lợi của môi trường đối với hạt nảy mầm. Khi ứng dụng công nghệ nano trong sản xuất phân bón lá, lượng phân sử dụng giảm khoảng 30 lần so với phân bón gốc. Trong điều kiện trồng thâm canh ở nước ta, dưỡng chất trong đất thiếu nghiêm trọng, phân hóa học bón đất bị mất hiệu quả đến hơn 50%, thì việc sử dụng phân bón lá là giải pháp tiện lợi và hiệu quả hơn rất nhiều. Khi sử dụng phân bón lá nano, năng suất tăng, đồng thời giảm thiểu tác hại tới môi trường. Bên cạnh đó, việc xử lý hạt giống bằng nano sắt trước khi gieo cho năng suất tăng 12,5%.

 

Hiện các nhà khoa học Việt Nam đã nghiên cứu ứng dụng công nghệ nano vào sản xuất các loại phân bón cho các loại cây ngô, đậu tương, hồ tiêu, cà phê, thanh long… PGS.TS Nguyễn Hoài Châu mong muốn, sẽ nhận được những kết nối từ các đơn vị, doanh nghiệp để Viện Công nghệ môi trường thực hiện việc chuyển giao các kết quả nghiên cứu, ứng dụng vào thực tế.

 

Giải pháp cho nông nghiệp sạch

 

Hà Nội là địa phương được các nhà khoa học đưa vào thử nghiệm nhiều kết quả nghiên cứu. Huyện Phúc Thọ là nơi trồng thử nghiệm 1ha đậu tương sử dụng phân bón lá nano. Trong một đợt gieo trồng muộn sau bão, đất trồng không được chăm sóc kỹ như mọi lần, cây đậu tương được sử dụng phân bón lá nano vẫn sinh trưởng tốt, năng suất cao, chất lượng đậu tốt hơn so với những vụ mùa trước đó. Thời gian thu hoạch lại được rút ngắn đáng kể. Người dân tham gia trồng thử nghiệm cho biết, phân bón lá nano cho chất lượng cây khỏe, cây phát triển cao hơn so với cây đối chứng và tiết kiệm được hơn một nửa các loại phân đạm, kali bón cho cây. Bên cạnh trồng trọt, các sản phẩm nano cũng được ứng dụng trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy hải sản. Hạt nano sử dụng làm phụ gia thức ăn chăn nuôi thay thế một số nguyên tố vi lượng dạng muối giúp vật nuôi dễ hấp thu, cũng như hạn chế tác dụng phụ của các muối kim loại trong thức ăn chăn nuôi. Trang trại bò sữa của Trung tâm Nghiên cứu bò và Đồng cỏ Ba Vì là một trong những nơi đã và đang sử dụng các sản phẩm ứng dụng công nghệ nano trong phòng và trị bệnh viêm móng, vú và tử cung ở bò sữa.

 

Ông Ngô Đình Tân, Phó Giám đốc Phụ trách kỹ thuật tại Trung tâm cho biết: Chúng tôi sử dụng một loại kem để phòng bệnh viêm vú trên đàn bò sữa. Nhờ kích thước nhỏ, hạt nano có thể thấm sâu nên khả năng phòng bệnh rất cao. Đối với dung dịch nano được sử dụng trong phòng và điều trị bệnh viêm tử cung, kết quả thực nghiệm cho thấy dung dịch tạo thích ứng với niêm mạc cao hơn so với các chất sát khuẩn thông thường. Một kết quả đáng chú ý không kém, đó là tình trạng tồn dư kháng sinh trong sữa đã được khắc phục đáng kể.

 

Với người nông dân, việc sử dụng các loại thức ăn, thuốc, phân bón ứng dụng từ công nghệ nano không có gì khó khăn so với các sản phẩm thông thường bởi công nghệ đã được thể hiện dưới dạng sản phẩm. Người dùng chỉ cần theo các hướng dẫn của nhà sản xuất được in trên bao bì như đối với các sản phẩm thông thường khác. Công nghệ nano đã và đang giúp Việt Nam hướng đến một nền nông nghiệp sạch, tiết kiệm chi phí trong sản xuất và gia tăng các giá trị cho các mặt hàng nông, thủy sản.

Nguồn: vista.gov.vn

Số lượt đọc: 2690

Về trang trước Về đầu trang