Tin KHCN trong nước
Bộ trưởng Nguyễn Quân: Để Việt Nam không trở thành "bãi rác công nghệ" (27/08/2015)
-   +   A-   A+   In  

“Chúng tôi mong các doanh nghiệp cũng chia sẻ sự quan ngại của nhà nước để tránh cho Việt Nam có thể trở thành “bãi rác công nghệ” của thế giới. Quan trọng hơn là hàng hóa Việt Nam đủ sức cạnh tranh với hàng ngoại” - Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Nguyễn Quân bày tỏ.

Chiều ngày 26/8/2015, Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân vừa có buổi giao lưu trực tuyến với bạn đọc báo điện tử Dân trí xung quanh chủ đề “Việt Nam hội nhập sâu và thách thức về đổi mới công nghệ”. Những vấn đề “nóng” liên quan đến KH&CN đã được Bộ trưởng trực tiếp trả lời.

Nhà báo Phạm Huy Hoàn - Tổng biên tập Báo điện tử Dân trí tặng hoa chúc mừng Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân tham gia buổi giao lưu trực tuyến chiều nay. (Ảnh: Mai Châm)

Khi Việt Nam hội nhập sâu, gia nhập TPP và FTA, việc đối mặt với những thách thức lớn về sở hữu trí tuệ, tiêu chuẩn đo lường chất lượng, đổi mới KH&CN... sẽ trở nên ngày càng bức thiết.

Trong những ngày qua, bạn đọc Dân trí đặc biệt quan tâm tới vấn đề nhập khẩu thiết bị cũ, giải pháp để Việt Nam không trở thành "bãi rác công nghiệp"... Những vấn đề nóng này đã được Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân giải đáp trong buổi giao lưu trực tuyến chiều nay.

Tham gia buổi giao lưu trực tuyến chiều nay cùng Bộ trưởng Nguyễn Quân còn có ông Đỗ Hoài Nam - Vụ trưởng Vụ Đánh giá, Thẩm định và Giám định công nghệ, Bộ KH&CN.

Quang cảnh buổi giao lưu trực tuyến tại Báo điện tử Dân trí chiều nay

Trước câu hỏi của bạn đọc Nguyễn Thanh (nam, 46 tuổi): "Thực trạng doanh nghiệp nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng (gọi tắt là thiết bị cũ) vào nước ta với các mục đích khác nhau như: trực tiếp sản xuất, kinh doanh; thương mại; tân trang, nâng cấp… nhưng không được kiểm soát đang khiến cho nguy cơ Việt Nam trở thành bãi rác thải công nghệ, xin Bộ trưởng cho biết biện pháp nào để ngăn chặn tình trạng này?"

Bộ trưởng Nguyễn Quân cho biết:

Thực tế, doanh nghiệp thường xuyên có nhu cầu nhập khẩu máy móc, thiết bị để phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh những doanh nghiệp làm ăn nghiêm túc, vẫn còn các doanh nghiệp nhập khẩu thiết bị cũ có công nghệ lạc hậu, tiêu tốn nhiều năng lượng và không bảo đảm quy định về môi trường. Hậu quả là thiết bị nhập khẩu về không hoạt động được hoặc có hoạt động nhưng năng suất, chất lượng thấp, giá thành cao dẫn đến phải tăng chi phí cho nâng cấp thiết bị hoặc phải dừng sản xuất. Doanh nghiệp nhập khẩu vì mục đích thương mại, nhiều trường hợp thiết bị nhập khẩu về không hoạt động được, phải phá ra lấy chi tiết làm linh kiện thay thế hoặc dỡ bỏ làm phế liệu. Đây là một trong các nguyên nhân chính có nguy cơ biến Việt Nam thành nơi chứa rác thải của thế giới nếu chúng ta không sớm ngăn chặn. Vì vậy Chính phủ yêu cầu phải quản lý hoạt động này.

Tại khoản 10 Điều 9 Nghị định số 187/2013/NĐ-CP ngày 20 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hoá quốc tế và các hoạt động đại lý mua, bán, gia công và quá cảnh hàng hóa với nước ngoài và theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 09/8/2013 về việc tăng cường quản lý, kiểm soát việc nhập khẩu công nghệ, máy móc, thiết bị của doanh nghiệp, Bộ KH&CN đã phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành xây dựng và ban hành Thông tư số 20/2014/TT-BKH&CN ngày 15/7/2014 quy định việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng (Thông tư 20).

Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân đang trả lời câu hỏi của bạn đọc Dân trí

Trước câu hỏi của bạn đọc Trung Thịnh (nam, 38 tuổi): Nhiều doanh nghiệp Nhật Bản, Hàn Quốc muốn đầu tư sản xuất tại Việt Nam bằng cách di chuyển cả nhà máy về Việt Nam, nếu áp dụng yêu cầu tuổi thiết bị nhập khẩu không quá 10 năm theo Thông tư này sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch này, vậy các doanh nghiệp này có cơ hội để tiếp tục đầu tư tại Việt Nam không? Vì các nhà máy này được lắp đặt quá 10 năm ở nước ngoài.

Vụ trưởng Đỗ Hoài Nam trả lời:

Trường hợp này, doanh nghiệp nước ngoài cần lưu ý như sau:

Khi lập hồ sơ dự án đầu tư tại Việt Nam, cần liệt kê rõ danh mục thiết bị cũ dự kiến nhập khẩu, để được các cơ quan có thẩm quyền xem xét ngay giai đoạn này. Sau khi được quyết định chủ trương đầu tư hoặc cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc thông báo đầu tư, doanh nghiệp được nhập khẩu thiết bị cũ mà không phải áp dụng điều kiện về tuổi thiết bị. Tuy nhiên sau khi nhập khẩu, dây chuyền công nghệ, thiết bị này sẽ không được bán, chuyển nhượng cho đối tác khác ở Việt Nam.

Trường hợp không liệt kê danh mục thiết bị cũ trong hồ sơ dự án, doanh nghiệp phải đáp ứng điều kiện như các trường hợp khác (tuổi thiết bị không vượt quá 10 năm).

Ngoài ra, nếu các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực quy định yêu cầu cho lĩnh vực đặc thù (tuổi thiết bị thấp hơn hoặc cao hơn 10 năm) thì doanh nghiệp thực hiện theo quy định của Bộ đó.

Trường hợp bất khả kháng mà cần nhập khẩu để duy trì sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp cần nộp hồ sơ về Bộ KH&CN để xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Vụ trưởng Đỗ Hoài Nam trao đổi với phóng viên Báo điện tử Dân trí trước câu hỏi của bạn đọc trong buổi giao lưu trực tuyến chiều nay

Bạn đọc Vũ Hoàng (nam, 43 tuổi):

Thời gian qua, một số cá nhân Việt chế tạo được tàu ngầm, máy bay. Tuy nhiên có cảm giác họ không được chính các chuyên gia hay lãnh đạo hậu thuẫn giúp đỡ. Vậy là người tâm huyết với khoa học công nghệ, bác có thể lấy quyền hạn của mình cử chuyên gia, trích kinh phí giúp đỡ không?

Bộ trưởng Nguyễn Quân:

Đúng là trong thời gian vừa qua có một số cá nhân nghiên cứu chế tạo tàu ngầm, máy bay. Tuy nhiên chưa nhận được sự hỗ trợ cần thiết của cơ quan chức năng. Điều này có hai nguyên nhân chủ yếu: Một là, những cá nhân đó nghiên cứu tự phát, trong quá trình chế tạo thì không liên hệ với cơ quan chức năng. Trong khi máy bay và tàu ngầm là những phương tiện mà cần có cơ quan đăng kiểm và thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng. Vì thế, khi chế tạo xong không thể làm thủ tục để vận hành, thử nghiệm và không đủ điều kiện để đưa vào sử dụng.

Hai là hệ thống văn bản pháp lý của chúng ta chưa có những quy định cụ thể về sự hỗ trợ của nhà nước đối với những nghiên cứu tự phát, sáng kiến của người dân. Đặc biệt là quy định về sử dụng ngân sách nhà nước hỗ trợ trực tiếp cho những nghiên cứu đó. Vì thế, khi có thông tin thì Bộ KH&CN thường chỉ đạo các Sở KH&CN tiếp cận và tư vấn cho các nhà sáng chế không chuyên hoặc mời các chuyên gia từ các Viện nghiên cứu tham gia tư vấn, hướng dẫn hoặc trợ giúp về lý thuyết, thiết kế. Còn việc hỗ trợ kinh phí cho đến nay chưa thể thực hiện được.

Năm 2013, Bộ KH&CN đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 13 về sáng kiến trong đó đã giao cho Bộ Tài chính chủ trì xây dựng thông tư hướng dẫn việc hỗ trợ kinh phí từ ngân sách nhà nước cho hoạt động sáng kiến. Hiện nay, dự thảo thông tư đã được hoàn thiện sau khi lấy ý kiến của các nhà sáng chế không chuyên sau khi gặp mặt với Thủ tướng Chính phủ ngày 12/5/2015 và sẽ được ban hành trong thời gian sắp tới. Đó sẽ là kênh hỗ trợ về tài chính cho sáng kiến của người dân. Hi vọng những người dân có sáng kiến cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng và các nhà khoa học ngay từ khi có ý tưởng để có thể nhận được sự hỗ trợ về kiến thức cũng như được hỗ trợ về tài chính.

Bạn đọc Đàm Văn Trình (nam, 39 tuổi):

Thưa Bộ trưởng, đối với doanh nghiệp sản xuất lớn thì cần công nghệ mới, nhưng với những doanh nghiệp nhỏ, cơ sở sản xuất tư nhân, họ muốn có dù là máy cũ để sản xuất ra sản phẩm đã là tốt lắm rồi (chưa kể họ cải tiến máy cũ cho phù hợp với Việt Nam). Vậy theo Bộ trưởng có nên cho nhập số lượng máy cũ phù hợp với quy mô của cơ sở và doanh nghiệp nhỏ?

Bộ trưởng Nguyễn Quân:

Trong giai đoạn hiện nay, các doanh nghiệp Việt Nam hầu hết là doanh nghiệp nhỏ, không có nguồn vốn đầu tư cho mua sắm trang thiết bị và đổi mới công nghệ. Vì thế, Chính phủ chấp nhận cho các doanh nghiệp nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng để phát triển sản xuất, vì thiết bị cũ rẻ tiền phù hợp với khả năng tài chính của doanh nghiệp nhỏ. Doanh nghiệp vẫn có thể sản xuất và tồn tại vì còn có sự bảo hộ của nhà nước thông qua hàng rào thế quan và hàng rào kỹ thuật.

Tuy nhiên sắp tới Việt Nam sẽ hội nhập sâu, tham gia các hiệp định thương mại tự do và TPP, chúng ta phải dỡ bỏ hàng rào thuế quan. Khi đó sản phẩm hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam phải cạnh tranh bình đẳng với hàng hóa của các nước tiên tiến. Nếu chúng ta sử dụng máy móc, thiết bị cũ quá lạc hậu sẽ không tạo ra được những sản phẩm hàng hóa có chất lượng tốt, đủ sức cạnh tranh với hàng hóa nước ngoài. Đồng thời còn gây ô nhiễm môi trường, tiêu tốn nhiều năng lượng làm tăng chi phí đầu vào cho sản xuất dẫn tới giá thành sẽ rất cao. Vì vậy, Bộ KH&CN khuyến cáo các doanh nghiệp chỉ nhập các thiết bị cũ trong trường hợp bất khả kháng và không nên nhập khẩu thiết bị quá cũ nát và lạc hậu.

Thông tư quản lý về thiết bị đã qua sử dụng có quy định tuổi thiết bị sẽ không quá 10 năm kể từ ngày sản xuất và các máy móc thiết bị nhập khẩu phải được chế tạo theo tiêu chuẩn phù hợp với tiêu chuẩn Việt Nam hoặc của các nước G7. Điều này sẽ đảm bảo các thiết bị cũ sẽ không lạc hậu quá 1 thế hệ công nghệ và chất lượng cũng ở mức độ chấp nhận được. Chúng tôi mong các doanh nghiệp cũng chia sẻ sự quan ngại của nhà nước để tránh cho Việt Nam có thể trở thành “bãi rác công nghệ” của thế giới. Quan trọng hơn là hàng hóa Việt Nam đủ sức cạnh tranh với hàng ngoại.

Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân trao đổi với phóng viên Báo điện tử Dân trí trong buổi giao lưu trực tuyến

Bạn đọc Nguyễn Hồng Vinh (nam, 37 tuổi):

Thưa Vụ trưởng, đã biết công nghệ, máy móc, dây truyền...cũ, đã qua sử dụng và lạc hậu có năng suất thấp và hao tốn đầu vào. Vậy tại sao Bộ không cấm hoặc tăng thuế cao để hạn chế tối đa việc nhập và sử dụng các công nghệ, máy móc đó?

Vụ trưởng Đỗ Hoài Nam:

Chào bạn!

Về vấn đề quản lý máy móc thiết bị, dây truyền công nghệ đã qua sử dụng từ những năm 1997 - 1998, Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã có các Quyết định số 2019 và 491 quy định những yêu cầu chung về kỹ thuật đối với việc nhập khẩu thiết bị đã qua sử dụng trong đó đã quy định tuổi của thiết bị không quá 5 năm và chất lượng còn lại phải từ 80% trở lên. Tuy nhiên, đến năm 2003 các quyết định này đã bị bãi bỏ và qua theo dõi hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp, Bộ KH&CN nhận thấy nhiều doanh nghiệp nhập khẩu máy móc thiết bị, dây truyền công nghệ đã qua sử dụng, trong đó có nhiều máy móc thiết bị lạc hậu gây ô nhiễm môi trường.

Nghị định số 187 hướng dẫn thi hành Luật Thương mại đã ban hành danh mục các hàng hóa cấm nhập khẩu trong đó có các máy móc thiết bị, ngoài những máy móc thiết bị thuộc danh mục cấm các Bộ, ngành cũng đã ban hành danh mục các máy móc thiết bị hàng hóa thuộc nhóm 2 (hàng hóa có khả năng gây mất an toàn) theo quy định của Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa.

Tuy nhiên, trên thực tế nhiều máy móc thiết bị dây truyền công nghệ, tuy đã qua sử dụng nhưng vẫn có thể sử dụng để sản xuất và kinh doanh hiệu quả trong điều kiện các doanh nghiệp Việt Nam còn có khó khăn về vốn đầu tư. Chính vì vậy, cần phải ban hành quy định về quản lý nhập khẩu máy móc thiết bị đã qua sử dụng để vừa tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhưng vẫn ngăn chặn được việc nhập khẩu các máy móc thiết bị dây truyền công nghệ lạc hậu vào Việt Nam.

Vụ trưởng Đỗ Hoài Nam trong buổi giao lưu trực tuyến tại Báo điện tử Dân trí

Bạn đọc Hiền (nữ, 18 tuổi):

Thưa Bộ trưởng, thay vì cấm nhập rác công nghệ, sao mình không đưa danh sách khuyến cáo doanh nghiệp Việt không nên nhập thiết bị cũ đã bị thải ra bãi rác ở nước người ta? Khi có danh mục "cấm" thì doanh nghiệp Việt sẽ tránh ngay từ đầu. Bộ trưởng có làm vậy không?

Bộ trưởng Nguyễn Quân:

Hệ thống Luật pháp của Việt Nam đã có nhiều quy định về cấm nhập khẩu rác công nghệ, cũng như những sản phẩm có hại cho môi trường và cho nền kinh tế. Ví dụ, chúng ta đã cấm nhập khẩu các trang thiết bị dân dụng, sinh hoạt đã qua sử dụng. Đồng thời Chính phủ đã quy định những mặt hàng hóa có khả năng gây mất an toàn (những sản phẩm hàng hóa nhóm II), phải được kiểm soát chặt chẽ bằng các Thông tư của Bộ quản lý ngành, lĩnh vực.

Đồng thời, Bộ KH&CN cũng thường xuyên theo dõi tình hình của các nước trong khu vực khi họ thông báo những công nghệ thiết bị thải loại, cấm sử dụng để thông báo cho các doanh nghiệp Việt Nam không nhập khẩu. Tuy nhiên, còn một số lĩnh vực mà thiết bị đã qua sử dụng không thuộc sản phẩm nhóm II. Vì vậy, để tránh tình trạng nhập khẩu thiết bị đã qua sử dụng quá lạc hậu hoặc gây mất an toàn, theo Chỉ thị 17 của Thủ tướng Chính phủ và thực hiện Nghị định 187 của Chính phủ, Bộ KH&CN đã xây dựng Thông tư để quản lý việc nhập khẩu. Hiện nay, dự thảo đã được lấy ý kiến rộng rãi của cộng đồng doanh nghiệp và Bộ, ngành, sẽ được ban hành trong tháng 9/2015.

Bạn đọc Ngọc Tú (nam, 37 tuổi):

Thông tư 20 năm 2014 về nhập khẩu máy móc thiết bị cũ đã ban hành chưa phù hợp với thực tế và đã bị tạm ngừng thi hành. Vậy Bộ giải quyết vấn đề này như thế nào?

Bộ trưởng Nguyễn Quân:

Sau khi Thông tư 20 được ban hành, do có ý kiến của doanh nghiệp về vướng mắc khi thực hiện Thông tư 20, chủ yếu tập trung vào các nội dung: Việc quy định điều kiện nhập khẩu phải đáp ứng cả 2 tiêu chí: thời gian sử dụng không quá 5 năm và chất lượng còn lại so với chất lượng ban đầu từ 80% trở lên là khá chặt (ngoại trừ một số trường hợp đặc biệt được áp dụng thời hạn sử dụng không quá 3 năm, 7 năm, 10 năm hoặc 15 năm do các Bộ đề xuất). Đồng thời quy định việc giám định chất lượng còn lại do tổ chức giám định được các Bộ chỉ định, thực hiện việc giám định có khả năng gây ách tắc tại các cửa khẩu, tăng chi phí của doanh nghiệp. Mặt khác, sự chuẩn bị của các Bộ cũng chưa sẵn sàng, đầy đủ cho việc triển khai thực hiện Thông tư 20.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ KH&CN phối hợp với các Bộ, ngành xây dựng Thông tư sửa đổi Thông tư 20 (Thông tư mới). Về cơ bản, yêu cầu đối với việc nhập khẩu thiết bị cũ được xem xét và áp dụng theo tiêu chí “Tuổi thiết bị không vượt quá 10 năm”, tuổi thiết bị được tính từ năm sản xuất đến năm nhập khẩu và thiết bị được sản xuất theo tiêu chuẩn phù hợp với quy định của Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia (QCVN) hoặc Tiêu chuẩn Quốc gia (TCVN) hoặc Tiêu chuẩn của các nước G7 về an toàn, tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường.

Lý do là, vòng đời công nghệ thiết bị trung bình thường từ 7 đến 10 năm tùy thuộc ngành, lĩnh vực. Ví dụ, đối với thiết bị ngành công nghệ thông tin, vòng đời khoảng 5 năm; đối với sản phẩm cơ khí, khoảng 10 đến 15 năm.

Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân

Bạn đọc Nam Trực (nam):

Nếu doanh nghiệp không nhanh chóng đổi mới công nghệ thì khi Việt Nam gia nhập FTA và TPP sẽ đổ vỡ hàng loạt, nhưng làm thế nào để các ông chủ doanh nghiệp hiểu (sâu sắc) điều này mà bỏ qua những mục tiêu trước mắt để áp dụng giải pháp công nghệ phù hợp phục vụ phát triển bền vững, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Nguyễn Quân:

Để các doanh nghiệp quan tâm đổi mới công nghệ, theo tôi cần có các giải pháp sau đây: Một làtăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức và cung cấp thông tin cho doanh nghiệp, nhất là những nội dung của các hiệp định thương mại tự do.

Hai là, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư cho phát triển KH&CN của chính doanh nghiệp mình thông qua việc thành lập quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp và dành một phần lợi nhuận trước thuế đầu tư cho quỹ.

Ba là, nhanh chóng tiếp cận với các quỹ của nhà nước và xây dựng các dự án đổi mới công nghệ mang tính khả thi để tận dụng được sự hỗ trợ của nhà nước, đồng thời chuẩn bị nguồn vốn đối ứng cần thiết cho dự án. Bốn là, khẩn trương tìm hiểu thông tin về sản phẩm hàng hóa cùng loại của nước ngoài để lựa chọn công nghệ phù hợp.

Năm là, quan tâm đăng ký bảo hộ tài sản trí tuệ của doanh nghiệp, bao gồm: nhãn hiệu hàng hóa, tên thương mại, kiểu dáng công nghiệp, bí quyết kinh doanh, chỉ dẫn địa lý,...

Sáu là, tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để làm chủ công nghệ mới và quy trình quản lý mới.

Bạn đọc Hà Minh (nam, 36 tuổi):

Rõ ràng các doanh nghiệp nhập khẩu thiết bị hiểu rõ tác hại rất lớn của việc nhập các thiết bị cũ kỹ, lạc hậu vào Việt Nam. Tuy nhiên vì lợi nhuận nên họ bất chấp thực hiện thậm chí cản trở việc hình thành các hàng rào kỹ thuật. Với rào cản như vậy liệu có thể giải quyết được bài toán mà Bộ KH&CN đưa ra hay không?

Vụ trưởng Đỗ Hoài Nam:

Chào bạn!

Mọi người đều biết nếu nhập khẩu máy móc thiết bị càng cũ thì lợi nhuận của doanh nghiệp kinh doanh xuất nhập khẩu càng cao. Với các quy định về yêu cầu kỹ thuật chung đối với máy móc thiết bị đã qua sử dụng năm 1997 - 1998 cho đến năm 2003 đã phần nào ngăn chặn được các máy móc thiết bị cũ có công nghệ lạc hậu vào Việt Nam.

Từ năm 2012, với Thông báo số 2527 về việc tạm ngừng nhập khẩu máy móc thiết bị đã qua sử dụng và Chỉ thị số 17 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý kiểm soát máy móc thiết bị nhập khẩu của doanh nghiệp đã ngăn chặn được các máy móc thiết bị cũ, lạc hậu mà các nước đã công bố loại bỏ.

Với các quy định tại Thông tư sửa đổi Thông tư số 20, chắc chắn chúng ta sẽ quản lý được việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng có công nghệ lạc hậu (thế hệ công nghệ cũ), có khả năng gây mất an toàn, tiêu tốn nhiều năng lượng nhiên liệu và tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.

Bạn đọc Ngọc Tâm (nữ, 52 tuổi):

Thưa Vụ trưởng, Thông tư 20 năm 2014 có nhiều điểm bất lợi cho doanh nghiệp quá, Chính phủ yêu cầu sửa đổi. Xin Vụ trưởng cho biết hướng sửa đổi hiện nay như thế nào và tiến độ ban hành Thông tư mới?

Vụ trưởng Đỗ Hoài Nam:

Chào chị!

Sau khi có kiến nghị của doanh nghiệp về các vướng mắc và sự phối hợp của các Bộ, ngành chưa được chặt chẽ trong quá trình chuẩn bị triển khai thực hiện Thông tư 20, Bộ KH&CN đã tạm ngưng hiệu lực của Thông tư 20. Đến nay, sau quá trình trao đổi với các Bộ, ngành, các doanh nghiệp, các hiệp hội doanh nghiệp, VCCI...Bộ KH&CN đã sửa đổi Thông tư số 20 với 1 số nội dung cơ bản như sau:

- Yêu cầu về tuổi thiết bị không vượt quá 10 năm, tính từ năm sản xuất đến năm nhập khẩu.

- Các thiết bị này được sản xuất theo tiêu chuẩn phù hợp với quy định của quy chuẩn kỹ thuật quốc gia hoặc tiêu chuẩn quốc gia hoặc tiêu chuẩn của các nước G7 về an toàn, tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường.

Ngoài ra, căn cứ tính chất đặc thù của ngành lĩnh vực, Bộ trưởng các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực quyết định việc quy định yêu cầu khác với yêu cầu cụ thể quy định tại Thông tư này và chịu trách nhiệm về quyết định đó.

Riêng đối với các dự án FDI, trong trường hợp doanh nghiệp nước ngoài chuyển cả dây chuyền công nghệ đang sản xuất từ nước ngoài về Việt Nam nếu trong hồ sơ dự án đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của Luật Đầu tư đã có kèm theo danh mục máy móc thiết bị dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng sẽ được nhập khẩu mà không phải áp dụng điều kiện nêu trên. Cơ quan có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư và cấp chứng nhận đăng ký đầu tư (nếu cần) có thể xin ý kiến của cơ quan quản lý KH&CN trước khi quyết định. Sau khi nhập khẩu doanh nghiệp không được phép bán hoặc chuyển nhượng dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng cho doanh nghiệp khác hoặc dự án khác.

- Để đảm bảo thuận lợi cho doanh nghiệp khi thông quan: Dự thảo Thông tư cũng quy định doanh nghiệp có thể đưa thiết bị cũ về bảo quản và phải hoàn thành các thủ tục thông quan trong thời hạn theo quy định của Luật Hải quan.

Về tổ chức giám định, dự thảo quy định bao gồm tổ chức giám định trong nước (hoạt động theo Luật Thương mại, tổ chức giám định nước ngoài hoạt động theo luật các nước sở tại nơi tổ chức giám định đăng ký hoạt động giám định).

Về thời gian hiệu lực của Thông tư, dự kiến 6 tháng sau khi thông tư được ban hành để các doanh nghiệp và các cơ quan có liên quan chuẩn bị các điều kiện để thực hiện Thông tư.

Ông Đỗ Hoài Nam - Vụ trưởng Vụ Đánh giá, Thẩm định và Giám định công nghệ, Bộ KH&CN

Bạn đọc Phan Minh Đức (nam, 47 tuổi):

Chào Bộ trưởng, là một nhà khoa học, theo dõi hai năm qua thấy Bộ KH&CN đưa ra nhiều chính sách đổi mới theo quốc tế quá, từ Luật, rồi Nghị định và hàng chục Thông tư mới. Tuy nhiên không biết là các tổ chức, cá nhân, rồi các chính sách của các Bộ, ngành khác có sẵn sàng với những đổi mới đó không, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Nguyễn Quân:

Hiện nay hệ thống Luật pháp của chúng ta chưa đồng bộ nên rất nhiều nội dung đổi mới phù hợp với thông lệ quốc tế của KH&CN chưa đi vào cuộc sống vì các luật chuyên ngành khác chưa kịp đổi mới. Ví dụ, chính sách để hỗ trợ cho người dân có sáng kiến chưa được cụ thể hóa bằng một thông tư liên tịch về tài chính để bổ sung nội dung chi cho hoạt động KH&CN hỗ trợ Ngân sách Nhà nước trực tiếp cho người dân. Hoặc cơ chế quỹ trong việc cấp phát kinh phí cho các đề tài dự án khoa học chưa được cụ thể hóa trong Luật Ngân sách Nhà nước. Hoặc chính sách trọng dụng cán bộ khoa học còn bất cập vì chưa sửa đổi Luật Viên chức và Luật Lao động.

Đồng thời, sự phối hợp giữa các Bộ, ngành cũng chưa đáp ứng tiến độ xây dựng văn bản. Nhiều Nghị định và Thông tư hướng dẫn các Luật thì ban hành chậm sau thời gian có hiệu lực của Luật, có nhiều văn bản thời gian xây dựng và ban hành kéo dài 4-5 năm. Sắp tới, khi chúng ta ký các hiệp định thương mại tư do và là thành viên cộng đồng kinh tế ASEAN thì phải sửa đổi rất nhiều các bộ Luật liên quan đến Sở hữu trí tuệ, tiêu chuẩn đo lường chất lượng, thương mại... đòi hỏi các tổ chức cá nhân phải đáp ứng rất kịp thời với những điều chỉnh của pháp luật.

Bạn đọc Trần Quốc Khánh (nam, 64 tuổi):

Tôi thấy thiết bị y tế đều dùng của nước ngoài. Việt Nam chưa sản xuất được ạ?

Vụ trưởng Đỗ Hoài Nam:

Chào anh!

Hiện nay, Việt Nam cũng đã sản xuất được một số các thiết bị y tế thông qua các dự án liên doanh với nước ngoài hoặc các dự án 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam. Nhà máy Vikomex sản xuất thiết bị y tế công nghệ cao tại khu Công nghệ cao Hòa lạc đã đi vào sản xuất ổn định và cung cấp các thiết bị y tế công nghệ cao cho một số cơ sở y tế trong nước. Đầu tư sản xuất trang thiết bị y tế đòi hỏi vốn đầu tư lớn kỹ thuật hiện đại nên các doanh nghiệp trong nước hiện nay sẽ gặp khó khăn khi đầu tư sản xuất các trang thiết bị y tế.

Trong thời gian tới, với sự hỗ trợ của Nhà nước thông qua các chương trình quốc gia về phát triển công nghệ sẽ có nhiều doanh nghiệp tiếp cận được sự hỗ trợ này và sẽ tham gia vào việc đầu tư sản xuất các trang thiết bị y tế phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh trong nước.

Quang cảnh buổi giao lưu trực tuyến

Bạn đọc Nguyễn Thanh Lan (nam, 32 tuổi):

Kính thưa Bộ trưởng, sau khi Bộ trưởng cảnh báo các doanh nghiệp phải nhanh chóng đổi mới công nghệ thì các doanh nghiệp có tìm đến Bộ KH&CN đề nghị Bộ giúp không? Bộ KH&CN có cơ chế tài chính nào giúp doanh nghiệp đổi mới công nghệ không?

Bộ trưởng Nguyễn Quân:

Từ trước đến nay Bộ KH&CN đã có nhiều hoạt động hỗ trợ cho doanh nghiệp. Từ năm 1999, Bộ KH&CN đã trình Chính phủ ban hành Nghị định 119 về hỗ trợ doanh nghiệp trong việc đổi mới công nghệ. Đã có hàng trăm doanh nghiệp tham gia chương trình và đã được hưởng lợi từ sự hỗ trợ của nhà nước.

Chính phủ cũng đã có Nghị định số 80 năm 2007 về Doanh nghiệp KH&CN, trong đó có chính sách ưu đãi cao nhất về thuế, đất đai, tín dụng đối với doanh nghiệp KH&CN. Bộ KH&CN cũng đã xây dựng Đề án phát triển thị trường công nghệ, hàng năm tổ chức các chợ công nghệ, thiết bị để giới thiệu công nghệ trong nước và nước ngoài cho doanh nghiệp.

Gần đây nhất, Chính phủ đã giao cho Bộ KH&CN thực hiện chương trình đổi mới công nghệ quốc gia và thành lập Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia để hỗ trợ doanh nghiệp. Vì vậy, rất nhiều doanh nghiệp đã xây dựng dự án và được Bộ KH&CN phê duyệt để hỗ trợ một phần kinh phí giúp doanh nghiệp đổi mới công nghệ tạo ra sản phẩm mới. Nếu bạn đang làm chủ doanh nghiệp và có nhu cầu đổi mới công nghệ có thể liên hệ với Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia để được trợ giúp.

Bạn đọc Nguyễn Phi Long (nam, 20 tuổi):

Thưa bác, cháu thấy rất nhiều các sản phẩm nhập ngoại hay và tốt là do công nghệ mới, từ đồ ăn cho đến thiết bị điện tử, không biết trong các sản phẩm của Việt Nam, KH&CN Việt Nam có đóng góp được gì không ạ?

Bộ trưởng Nguyễn Quân:

Hiện nay do mở cửa thị trường nên chúng ta nhập khẩu nhiều sản phẩm của nước ngoài có chất lượng tốt. Tuy nhiên trong nước cũng có nhiều mặt hàng đã được xã hội chấp nhận và có thị phần rất lớn trong thị trường. Chẳng hạn như, trong lĩnh vực sản xuất thực phẩm thì gạo, cá da trơn, hải sản, sữa... Trong công nghiệp như dây cáp điện, một số chíp 8 bít và 32 bít, các phần mềm điều khiển, các thiết bị thông tin phục vụ cho quân đội, các vác xin và thiết bị dùng trong y tế,...

Hầu hết các sản phẩm hàng hóa này đều là kết quả các đề tài nghiên cứu cấp nhà nước, cấp bộ trong nhiều năm qua. Hiện nay Chính phủ đang tập trung xây dựng chương trình phát triển sản phẩm quốc gia với 6 sản phẩm chính thức (lúa gạo Việt Nam chất lượng cao; thiết bị cơ khí siêu trường, siêu trọng; phần mềm an ninh mạng; sản phẩm an ninh quốc phòng; vắc xin; động cơ xăng và động cơ diesel ) và 3 sản phẩm dự bị (cá da trơn, nấm ăn và nấm dược liệu, vi mạch bán dẫn). Hi vọng các sản phẩm này khi được đầu tư thành công sẽ có đóng góp rất lớn cho sản phẩm hàng Việt Nam chất lượng cao, nhu cầu của người tiêu dùng Việt, cạnh tranh được với thế giới.

Nguồn: Báo điện tử Dân trí

Số lượt đọc: 8082

Về trang trước Về đầu trang