Tin KHCN trong nước
Gỡ nút thắt kiểm tra chuyên ngành: Kinh nghiệm từ Bộ Khoa học và Công nghệ (02/07/2018)
-   +   A-   A+   In  
Bộ KH&CN cắt giảm 96% số lô hàng hóa thuộc phạm vi quản lý của Bộ để chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, vượt xa thời gian Chính phủ quy định và trở thành một trong những bộ đi đầu trong đổi mới công tác kiểm tra chuyên ngành.

Nghị quyết số 75 của Chính phủ yêu cầu các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực phải rà soát cắt giảm ít nhất 50% hàng hóa nhóm 2 thuộc diện phải kiểm tra chất lượng hàng nhập khẩu trước thông quan và hoàn thành việc này trước tháng 6/ 2018. Triển khai Nghị quyết này, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã cắt giảm khoảng 96% số lô hàng hóa thuộc phạm vi quản lý của Bộ từ tiền kiểm sang hậu kiểm, vượt xa thời gian Chính phủ quy định và trở thành một trong những bộ đi đầu trong đổi mới công tác kiểm tra chuyên ngành.

Gỡ nút thắt kiểm tra chuyên ngành: Kinh nghiệm từ Bộ Khoa học và Công nghệ - ảnh 1

Ông Nguyễn Hoàng Linh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TCĐLCL 

Để làm rõ hơn về những kinh nghiệm thực hiện, triển khai Nghị quyết của Chính phủ, ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (TCĐLCL) đã có trao đổi xung quanh vấn đề này.

Thưa ông Nguyễn Hoàng Linh, ông đánh giá thế nào về công tác hậu kiểm hiện nay các Bộ, ngành đang triển khai?

Liên quan đến chủ trương chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiếm đối với sản phẩm hàng hóa nhập khẩu. Trong những năm vừa qua Chính phủ đã có rất nhiều những chỉ đạo quyết liệt, đồng thời Nghị quyết 19 trong khoảng 3 năm trở lại đây đều đặt ra chỉ tiêu cụ thể yêu cầu các bộ, ngành, các cơ quan liên quan chuyển đổi cơ chế từ tiền kiếm sang hậu kiểm, giúp cho doanh nghiệp giảm thiểu chi phí cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp nói riêng và quốc gia nói chung.

Trong thời giam vừa qua, với sự chỉ đạo của Chính phủ thì tất cả các bộ, ngành đều vào cuộc. Cụ thể là cuối năm 2017 Bộ KH&CN được Chính phủ giao chủ trì việc này và Tổng cục TCĐLCL đã tổ chức cuộc họp với 12 Bộ quản lý ngành, lĩnh vực để rà soát sản phẩm hàng hóa nhóm 2 có nguy cơ rủi ro thấp để chuyển sang hậu kiểm.

Hiện nay các bộ, ngành cũng có một số kết quả rất tích cực như Bộ KH&CN, Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng…

Vậy theo ông thì nhóm hàng hóa nào vẫn nằm trong diện phải tiền kiểm trước khi nhập khẩu?

Đối với những sản phẩm có nguy cơ gây mất an toàn mà có khả năng gây rủi ro cao cho cộng đồng và cho môi trường và xã hội như mặt hàng xăng dầu. Nếu như chất lượng không đảm bảo thì sẽ ảnh hưởng tới rất nhiều mặt như con người, môi trường, động cơ, thậm chí có nguy cơ cháy nổ…Do vậy đối với những mặt hàng có nguy cơ rủi ro cao thì phải tăng cường kiểm soát, mục tiêu là hàng hóa nhập vào Việt Nam phải đảm bảo an toàn.

Ông có chia sẻ gì về những khó khăn của doanh nghiệp khi thực hiện các thủ tục kiểm tra chuyên ngành?

Tôi hoàn toàn thấu hiểu và chia sẻ với một số doanh nghiệp khi vẫn còn gặp phải những vướng mắc về kiểm tra chuyên ngành. Thực tế như vậy trước đây là có xảy ra, khi các quy định về kiểm tra chuyên ngành rất chặt chẽ, yêu cầu các hàng hóa nhập khẩu phải kiểm tra không chỉ về chất lượng mà còn kiểm tra chuyên ngành khác như kiểm dịch, hiệu suất năng lượng, an toàn thực phẩm…trước khi thông quan, dẫn đến việc đội chi phí cho doanh nghiệp trong quá trình thực hiện hoạt động này.

Tuy nhiên đến nay, tôi nghĩ việc này đã được cải thiện một cách nhất định. Ví dụ như về phía Bộ KH&CN đã khi chuyển tới 91% nhóm SPHH do Bộ quản lý sang cơ chế hậu kiểm, giảm 96% số lô hàng nhập khẩu phải kiểm tra trước thông quan, giảm rất nhiều cho phí cho doanh nghiệp.

Bên cạnh việc kiểm tra theo lô, còn có một cơ chế đánh giá chất lượng SPHH khác cũng tiết giảm rất nhiều chi phí mà doanh nghiệp cần lưu ý là đánh giá tại nguồn.

Tổng cục TCĐLCL là đơn vị được Bộ KH&CN giao đầu mối triển khai nhiệm vụ này. Ông có thể chia sẻ cách triển khai cũng như kinh nghiệm đổi mới cách quản lý hàng hóa xuất nhập khẩu như thế nào khi chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm?

Đối với Tổng cục TCĐLCL, ngay sau khi nhận diện được vấn đề, chúng tôi cũng lắng nghe tất cả các ý kiến của doanh nghiệp và xác định đâu là điểm mấu chốt. Trước đây, có rất nhiều doanh nghiệp, cơ quan liên quan phản ánh về cơ chế hậu kiểm, chưa rõ cách thức thực hiện cho nên nó là vướng mắc. Cho nên ngay từ 2017, chúng tôi đã có nghiên cứu và cho ra một cơ chế hậu kiểm chung cho toàn hộ nhóm sản phẩm hàng hóa, là căn cứ cơ sở để các bộ, ngành áp dụng vào từng nhóm sản phẩm hàng hóa cụ thể của mình.

Bên cạnh đó, với sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo Bộ KH&CN cùng với nỗ lực của Tổng cục TCĐLCL và các đơn vị trực thuộc Bộ KH&CN mà Bộ KH&CN đã “chuyển mạnh sang hậu kiểm” đối với hàng hóa nhập khẩu

Cụ thể, đã tham mưu cho Lãnh đạo Bộ KHCN ban hành Thông tư số 07 để chuyển 91% nhóm SPHH, chính xác là 93,3% loại sản phẩm cụ thể phân theo mã HS do Bộ quản lý sang cơ chế hậu kiểm, cắt giảm từ 24 xuống còn 2 nhóm SPHH phải kiểm tra trước thông quan.

Theo ông đánh giá thì việc kiểm tra SPHH nhóm 2 của Bộ KH&CN so với các nước trong khu vực thì thế nào (ASEAN+4)?

Nếu chúng ta thực hiện tốt Thông tư 07 thì thời gian hàng hóa được thông quan chỉ mất tối đa 1 ngày, trong khi đó mục tiêu phấn đấu của Việt Nam quy định tại Nghị quyết 19-2017 là 90 giờ (3,75 ngày), đáp ứng ASEAN 4 (Singapore, Malaysia, Thailand, Philippines).

Trong thời gian tới thì Bộ KH&CN cần triển khai thế nào để thực hiện tốt hơn nữa NQ19 của Chính phủ để cải thiện môi trường kinh doanh?

Tổng cục sẽ tiếp tục tham mưu cho lãnh đạo Bộ KH&CN để quyết liệt triển khai mục tiêu của NQ 19/2018 đã đặt ra.

Thứ nhất, liên quan đến Nghị định 74 quy định sản phẩm hàng hóa (SPHH) dựa trên mức độ rủi ro cũng như mức độ tuân thủ của doanh nghiệp về quản lý chất lượng SPHH cần phải đẩy mạnh tuyên truyền cho doanh nghiệp cũng như các bộ, ngành áp dụng các cơ chế quàn lý rủi ro đối với các sản phẩm khác. Bên cạnh đó cũng phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành triển khai tốt Nghị định 78 của Chính phủ vừa ban hành về việc thúc đẩy xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đối với SPHH nhóm 2, trong đó chú trọng tới việc làm rõ cơ chế kiểm tra chuyên ngành dựa trên mức độ rủi ro nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp.

Trong thời gian sắp tới phải nghiên cứu, tiếp tục rà soát các văn bản quy phạm pháp luật, đặc biệt là hệ thống pháp luật về chất lượng SPHH, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, các văn bản quản lý chất lượng SPHH của các bộ, ngành để tiếp tục tìm ra những vấn đề còn tồn tại để tạo điều kiện thuận lợi cho môi trường kinh doanh.

Tiếp nữa là việc xã hội hóa các hoạt động đánh giá sự phù hợp, mặc dù với Bộ KH&CN trong thời gian vừa qua đã làm rất tốt công tác xã hội hóa, chỉ định 70 tổ chức đánh giá sự phù hợp khác nhau. Tuy nhiên, hoạt động này cần phải được lan tỏa tới các bộ, ngành khác để doanh nghiệp có nhiều cơ hội lựa chọn các tổ chức phục vụ cho mình tốt hơn cũng như phục vụ cho nhu cầu về kiểm tra chuyên ngành tốt hơn. Đặc biệt đẩy mạnh các hoạt động thừa nhận lẫn nhau của các tổ chức dánh giá sự phù hợp trong nước và nước ngoài. Triển khai cơ chế đánh giá tại nguồn đối với những sản phẩm hàng hóa nhập khẩu nhiều vào Việt Nam, tạo điều kiện cho doanh nghiệp cũng như thúc đẩy áp dụng cơ chế một cửa quốc gia.

Xin cảm ơn ông!

Nguồn: vietq.vn

Số lượt đọc: 3863

Về trang trước Về đầu trang