Tin KHCN trong nước
Xây dựng quy trình tái sinh cây tràm ta (08/01/2015)
-   +   A-   A+   In  

Nhóm nghiên cứu Nguyễn Đăng Thùy, Vương Đình Tuấn, Nguyễn Xuân Cường, Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh đã thiết lập thành công quy trình tái sinh cây Tràm ta (Melaleuca cajuputi Powell), thông qua mô sẹo từ cây mầm in-vitro đặt trên môi trường MS có cải tiến và bổ sung.

Cây Tràm ta thuộc họ Myrtaceaelà cây bản địa có khả năng sống được trên nhiều loại đất khác nhau như đất chua, đất mặn, đất khô cằn hay ngập úng quanh năm. Cây có thể phát triển tốt trong các đầm lầy than bùn, nơi mà hầu hết các loài cây lâm nghiệp khác khó phát triển. Ở các nước Đông Nam Á như Việt Nam, Thái Lan… cây tràm được biết đến là một cây đa tác dụng như thân làm cừ trong xây dựng và là nguồn nguyên liệu tiềm năng đối với ngành công nghiệp chế biến gỗ. Tinh dầu trong lá tràm được dùng để chữa trị bệnh ho và cảm lạnh, đau thần kinh và đau khớp, khử trùng và hữu ích trong việc tẩy giun. Với tiềm năng như trên, cây tràm trở thành một trong những loài cây chủ đạo trong việc trồng rừng sản xuất và bảo vệ môi trường ngập nước, đặc biệt là ở các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

 

Tuy nhiên, các nghiên cứu về ứng dụng công nghệ gene như sinh trưởng nhanh, tăng sinh khối gỗ, tăng hàm lượng tinh dầu trên loài này hầu như chưa được tiến hành. Để tạo tiền đề cho các nghiên cứu cải thiện giống nói trên, trong nghiên cứu này, các tác giả tạo ra hệ thống tái sinh hoàn chỉnh in-vitro cây tràm ta thông qua mô sẹo. Đây là bước đầu tiên và được xem là khâu quan trọng trong việc nghiên cứu ứng dụngcông nghệ gen và đa bội hóa.

 

Kết quả nghiên cứu đã xây dựng thành công quy trình tái sinh cây tràm ta từ nguồn nguyên liệu ban đầu là cây mầm in-vitro, thông qua con đường mô sẹo với tỷ lệ tái sinh chồi đạt 96,6%. Các chồi này tiếp tục được nhân nhanh trên môi trường 1/2MS với số chồi trung bình là 49,83 chồi ở nồng độ BA 0.5 mg/l. Khả năng tạo rễ của cây tràm tốt trên môi trường 1/2MS bổ sung NAA 0,25 mg/l. Tỷ lệ cây sống sót sau khi mang ra vườn ươm đạt 90%. Quy trình này hoàn toàn có thể áp dụng cho các hệ thống tái sinh cây Tràm in-vitro trong công tác cải tạo giống bằng công nghệ sinh học.

Nguồn: vista

Số lượt đọc: 11816

Về trang trước Về đầu trang