Tin KHCN trong nước
Nghiên cứu công nghệ sản xuất gang hợp kim crôm chịu mài mòn cao (19/10/2016)
-   +   A-   A+   In  

Gang chịu mài mòn là loại găng được sử dụng phổ biến để chế tạo các chi tiết chống mài mòn như đầu búa đập nghiền hoặc các chi tiết trong máy nghiền quặng, hoặc các máy phun bi để làm sạch các chi tiết sau khi chế tạo. Các chi tiết này trong quá trình hoạt động chịu tác động của lực va đập của các hạt quặng hoặc các hạt cát sẽ bị mài mòn rất nhanh nếu không có khả năng chịu mài mòn. Tuy nhiên, việc nghiên cứu công nghệ chế tạo gang chịu mài mòn để chế tạo các chi tiết dùng trong các thiết bị phun bi là một yêu cầu cấp bách nhằm giảm nguồn ngoại tệ phải nhập khẩu thiết bị từ nước ngoài, chủ động cung cấp các chi tiết thay thế cũng như giảm thời gian chờ đợi.

Để có thể đưa ra những đề xuất hợp lý nhằm giải quyết những khó khăn hiện nay cho đất nước. Sau một thời gian khảo sát thực tế, nhóm nghiên cứu do ThS. Nguyễn Quang Dũng, Viện Luyện kim đen, Bộ Công Thương đứng đầu đã tiến hành nghiên cứu đề tài: “Nghiên cứu công nghệ sản xuất gang hợp kim chịu mài mòn cao crôm” với mục tiêu nghiên cứu xác định công nghệ hợp lý để chế tạo gang chịu mài mòn nhằm chế tạo các chi tiết chịu mài mòn cao dùng trong các trang thiết bị mài mòn.

 

Đối với gang chịu mài mòn, thông thường người ta hay dùng cách phân loại theo dạng tồn tại cấu trúc của gang. Gang chịu mài mòn có chứa nhiều nguyên tố hợp kim như Cr, Ni, Mo, Cu, Si, Mn,... trong đó nguyên tố quan trọng nhất chính là C, Cr, Ni, Mo và Cu. Tùy theo số lượng và hàm lượng của các nguyên tố hợp kim này mà gang có được độ chịu mài mòn cao hay thấp.

 

Qua một một năm nghiên cứu (từ 01/2014 đến 12/2014) nhóm nghiên cứu đã thu được các kết quả như sau:

- Đã lựa chọn được mác gang chịu mài mòn có hàm lượng Crom cao dùng để chế tạo các chi tiết dùng trong các thiết bị chịu mài mòn đó là mác gang chịu mài mòn mác EN-GJN-HV600 (XCr14). Đồng thời, đã xác định được các tính chất của gang chịuh mài mòn mác EN-GJN-HV600 (XCr14) bao gồm các thành phần hóa học, độ cứng, độ mài mòn và tổ chức tế vi. Gang do đề tài tạo ra có tính chất tương đương với gang của nước ngoài.

- Đã thiết lập được quy trình công nghệ chế tạo gang chịu mài mòn bao gồm các khâu: công nghệ nấu luyện, công nghệ đúc và công nghệ nhiệt luyện.

- Đã chế tạo được 3 bộ phun bi của thiết bị phun bi, đưa vào dùng thử cho thấy có chất lượng tốt, đáp ứng được yêu cầu về khả năng chịu mài mòn.

 

Để đảm bảo kết quả nghiên cứu có độ tin cậy cao, nhóm nghiên cứu bằng các phương pháp và thiết bị nghiên cứu như: Dựa trên cơ sở nghiên cứu các tài liệu, tiêu chuẩn về gang, thép hợp kim và điều kiện làm việc của các chi tiết trong máy làm sạch vật đúc để lựa chọn mác gang. Sử dụng lò trung tần 750 kg để nghiên cứu xác định công nghệ nấu luyện và lò nung để xác định công nghệ nhiệt luyện gang chịu mài mòn. Sử dụng phương pháp phân tích hóa học truyền thống và phương pháp phân tích quang phổ trên thiết bị ARL 2460-OES và thiết bị Metal Lab 75/80J MVU-GNR-Italia để xác định thành phần hóa học của gang theo phương pháp ASTM E 415-2008. Dùng kính hiển vi quang học KHV Axiovert 40 MAT để nghiên cứu tổ chức tế vi của thép và thiết bị mài TRIBOTESTER của Viện khoa học và kinh tế vật liệu để phân tích độ hao mòn khối lượng vật liệu nhằm kiểm tra khả năng chống mài mòn.

 

Các sản phẩm do đề tài chế tạo được đánh giá là có ý nghĩa khoa học và thực tiễn, đáp ứng được yêu cầu sử dụng.Nhóm nghiên cứu cũng kiến nghị các cơ quan chức năng xem xét đầu tư một số trang thiết bị cho Viện Luyện kim đen để nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học và công nghệ.

 

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 10976) tại Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.

Nguồn: vista.gov.vn

Số lượt đọc: 5815

Về trang trước Về đầu trang