Tin KHCN trong nước
Thúc đẩy hoá đơn điện tử trong kinh doanh xăng dầu: Bộ KH&CN khẩn trương vào cuộc sau chỉ đạo của Chính phủ (04/03/2024)
-   +   A-   A+   In  
Ngay sau 2 công điện của Thủ tướng Chính phủ về việc thúc đẩy hoá đơn điện tử và kết nối dữ liệu thuế trong kinh doanh xăng dầu, ngành TCĐLCL đã ngay lập tức vào cuộc để hỗ trợ các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp triển khai tốt các công điện này.

Chỉ đạo ‘nóng’ từ Thủ tướng Chính phủ

Theo quy định của Luật Quản lý thuế (có hiệu lực từ tháng 7/2022), 17.000 cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên cả nước phải xuất hóa đơn điện tử theo từng lần bán và kết nối dữ liệu với cơ quan thuế.

Đến ngày 1/2/2024, thống kê của Tổng cục Thuế cho thấy 6.144 cây xăng, chiếm khoảng 36% cây xăng thực hiện, tăng gấp đôi thời điểm ban đầu triển khai. Trong đó, Bắc Ninh, Thanh Hóa, Yên Bái, Quảng Nam, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đắk Lắk, Quảng Ngãi, Hà Nội có tỷ lệ cây xăng thực hiện trên 70%.

Theo đánh giá của cơ quan Thuế, việc triển khai hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế khởi tạo từ máy tính tiền cho các doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ xăng dầu góp phần tích cực vào công cuộc chuyển đổi số, chống thất thu, ngăn chặn việc mua bán hoá đơn trái phép, trốn thuế và tăng thu ngân sách Nhà nước.

Cùng với đó, việc các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân khi mua xăng dầu tại cửa hàng bán lẻ yêu cầu người bán hàng lập hóa đơn theo đúng số lượng hàng hóa đã mua cũng là giải pháp giúp tăng cường công tác quản lý thuế, tạo lập thói quen tiêu dùng văn minh, mua bán hàng hóa có hóa đơn, chứng từ hợp pháp.

Để đẩy mạnh việc sử dụng hoá đơn điện tử theo từng lần bán, cũng như thúc đẩy việc kết nối dữ liệu với cơ quan thuế, ngày 18/11/2023, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 1123/CĐ-TTg về tăng cường quản lý, sử dụng hóa đơn điện tử, góp phần đẩy mạnh công tác chuyển đổi số. Tới ngày 1/12/2023, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục có Công điện số 1284/CĐ-TTg về tăng cường công tác quản lý, sử dụng hóa đơn điện tử đối với hoạt động kinh doanh, bán lẻ xăng dầu.

Việc Thủ tướng liên tiếp có 2 công điện đã cho thấy sự quan tâm rất lớn của Chính phủ trong việc tăng cường đẩy mạnh các hoạt động quản lý, sử dụng hóa đơn điện tử, đặc biệt là trong hoạt động kinh doanh, bán lẻ xăng dầu.

Trong nội dung Công điện số 1123/CĐ-TTg yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ KH&CN, Bộ TT&TT, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương triển khai ngay các giải pháp phù hợp, khả thi, hiệu quả để giám sát chặt chẽ, tăng cường thanh tra, kiểm tra việc phát hành và sử dụng hóa đơn điện tử, đặc biệt là trong việc lập hóa đơn điện tử tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu cho khách hàng theo từng lần bán hàng, bảo đảm đúng quy định pháp luật, xử lý nghiêm nếu không thực hiện hoặc cố tình không thực hiện.

Còn trong Công điện số 1284/CĐ-TTg, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng Bộ Công Thương, Bộ trưởng Bộ KH&CN, Bộ trưởng Bộ TT&TT, Bộ trưởng Bộ Công An và Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai ngay các giải pháp đồng bộ, hiệu quả, quyết liệt yêu cầu các đơn vị kinh doanh xăng dầu lập hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu và kết nối dữ liệu với cơ quan thuế theo quy định; hoàn thành trong tháng 12 năm 2023.

Đồng thời, yêu cầu Bộ trưởng các Bộ, thủ trưởng các cơ quan liên quan phối hợp chặt chẽ với Bộ trưởng Bộ Tài chính trong việc kết nối, chia sẻ thông tin, dữ liệu, công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc phát hành, sử dụng hóa đơn điện tử, đặc biệt đối với lĩnh vực xăng dầu... nhằm nâng cao hiệu quả, hiệu lực công tác quản lý thuế, ngăn ngừa các hành vi gian lận, trốn thuế, chống thất thu thuế.

Bộ KH&CN khẩn trương vào cuộc sau chỉ đạo từ Chính phủ

Ngày 8/1/2024, Bộ KH&CN đã có công văn số 54/BKHCN-TĐC về việc phối hợp triển khai thực hiện Công điện số 1123/CĐ-TTg ngày 18/11/2023 của Thủ tướng Chính phủ.

Công văn hướng dẫn các Sở KH&CN/ Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các cơ sở sản xuất/ nhập khẩu cột đo xăng dầu và các tổ chức kiểm định cột đo xăng dầu thực hiện một số nội dung nhằm chủ động phối hợp triển khai công điện của Thủ tướng Chính phủ.

Sau khi Bộ KH&CN ra công văn số 54/BKHCN-TĐC, ngày 23/2/2023 tại Hà Nội, Tổng cục TCĐLCL đã tổ chức cuộc họp với sự tham gia của các cơ quan quản lý TCĐLCL từ 63 tỉnh, thành phố cùng đại diện Vụ Pháp chế Thanh tra, Trung tâm kỹ thuật TCĐLCL 1, 2, 3,; Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam; đại diện doanh nghiệp sử dụng và các doanh nghiệp sản xuất cột đo xăng dầu như Công ty Cổ phần Thiết bị Xăng dầu Petrolimex, Công ty TNHH Thiết bị xăng dầu Hoàng Long...

Dưới sự chủ trì của ông Trần Quý Giầu, Vụ trưởng Vụ Đo lường (Tổng cục TCĐLCL) cuộc họp đã nghe báo cáo tóm tắt nội dung Công văn số 54 nhằm thống nhất thực hiện trong cả nước theo đúng quy định của pháp luât về đo lường và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.

Tại cuộc họp, Tổng cục cũng nhận được một số câu hỏi của các đại biểu đại diện 09 địa phương tham dự cuộc họp liên quan đến phê duyệt mẫu, kết nối thiết bị để cung cấp số liệu đo phục vụ phát hành hóa đơn điện tử mỗi lần bán xăng dầu. Tại cuộc họp, Đại diện Tổng cục, Vụ Pháp chế Thanh tra, đơn vị kỹ thuật đã cùng giải đáp những câu hỏi, làm rõ thắc mắc, vướng mắc… trong quá trình thực hiện.

Cuộc họp đã thống nhất nội dung: “Pháp luật về đo lường không quy định việc chứng nhận, phê duyệt mẫu riêng lẻ đối với bộ chỉ thị điện tử (thiết bị đầu số điện tử) của cột đo xăng dầu (trụ bơm xăng dầu). Tuy nhiên, cột đo xăng dầu (đặc tính kỹ thuật đo lường chính: phạm vi lưu lượng, cấp chính xác; bộ chỉ thị điện tử, bầu lường, buồng bơm, bộ phát xung...) thuộc Danh mục phương tiện đo nhóm 2 quy định tại Khoản 2 Điều 1 Thông tư số 07/2019/TT-BKHCN ngày 26 tháng 7 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ KH&CN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 23/2013/TT-BKHCN ngày 26 tháng 9 năm 2013 quy định về đo lường đối với phương tiện đo nhóm 2. Cột đo xăng dầu phải được phê duyệt mẫu, kiểm định (kiểm định ban đầu, kiểm định định kỳ, kiểm định sau sửa chữa) theo quy định.

Thông tư 15/2015/TT-BKHCN và Thông tư số 08/2018/TT-BKHCN quy định việc kết nối, bổ sung thiết bị (máy tính, điện thoại...) với cột đo xăng dầu để ghi in kết quả đo phải bảo đảm yêu cầu về đo lường sau đây: “Không có cơ cấu, chức năng tác động làm thay đổi kết quả đo, đặc tính kỹ thuật đo lường của cột đo xăng dầu”. Trường hợp cột đo xăng dầu kết nối, bổ sung thiết bị, máy tính (ví dụ kết nối qua cổng máy in, RS485, bảng mạch màn hình…) thì cột đo xăng dầu cần được cơ quan chuyên môn đánh giá về mặt kỹ thuật đo lường nhằm đảm bảo không có sự thay đổi đặc tính kỹ thuật đo lường, chức năng của cột đo xăng dầu. Trường hợp thay đổi đặc tính kỹ thuật đo lường của cột đo xăng dầu đã được phê duyệt mẫu, cơ sở sản xuất/ nhập khẩu cột đo xăng dầu phải thực hiện việc phê duyệt mẫu cột cải tiến và kiểm định lại.

Cơ sở sản xuất/nhập khẩu cột đo xăng dầu là đơn vị lập hồ sơ đề nghị cải tạo, cải tiến cột đo xăng dầu và gửi về Tổng cục để thực hiện việc đánh giá mẫu và phê duyệt mẫu cải tiến. Các doanh nghiệp, đơn vị trung gian cung cấp giải pháp kết nối nhưng không sản xuất, nhập khẩu cột đo xăng dầu cần phối hợp với cơ sỏ sản xuất nhập khẩu cột đo xăng dầu để thực hện cải tạo, cải tiến cột đo xăng đầu theo quy định của pháp luật về đo lường.

Theo đánh giá của Sở KH&CN/ Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các cơ sở sản xuất/ nhập khẩu cột đo xăng dầu và tổ chức kiểm định cột đo xăng dầu, việc Bộ KH&CN ra công văn số 54/BKHCN-TĐC đã giúp các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp phối hợp thực hiện kịp thời và có hiệu quả công điện của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, góp phần đẩy nhanh triển khai hoá đơn điện tử trong hoạt động kinh doanh xăng dầu.

Nguồn: vietq.vn

Nguồn: vietq.vn

Số lượt đọc: 4440

Về trang trước Về đầu trang