Tin KHCN trong nước
Nhiều điểm mới khi triển khai các chương trình KHCN quốc gia (04/03/2024)
-   +   A-   A+   In  

Thời gian tới, Bộ KH&CN sẽ đẩy mạnh triển khai các chương trình KHCN với nhiều điểm mới.

Theo Bộ KH&CN, trong 2 năm vừa qua, Bộ KH&CN đã tập trung cho nhiệm vụ tái cơ cấu các chương trình KHCN quốc gia, đồng thời hoàn thiện hành lang pháp lý cho việc triển khai các chương trình trong giai đoạn mới.

Đến nay, các công việc này cơ bản đã hoàn thành với 44 chương trình KHCN cấp quốc gia trung hạn đến năm 2025 và dài hạn đến năm 2030 đã được phê duyệt (22 chương trình do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và 22 chương trình do Bộ trưởng Bộ KH&CN phê duyệt), cân đối cho cả 3 lĩnh vực: Khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và nhân văn, khoa học kỹ thuật và công nghệ.

Ông Nguyễn Nam Hải, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ KH&CN) cho biết, thời gian tới, Bộ KH&CN sẽ đẩy mạnh triển khai các chương trình KHCN với nhiều điểm mới. Trong đó, điểm mới đầu tiên là các chương trình giai đoạn này kéo dài 10 năm thay vì 5 năm. Trước đây, một nhiệm vụ cấp quốc gia thường triển khai từ 3-5 năm. Theo ông Hải, thời gian này là ngắn và việc hình thành nhiệm vụ trong thời gian ngắn thường không đạt được hiệu quả cao về tính dài hạn.

Việc thiết kế các chương trình dài hạn hơn cho phép hình thành nhiệm vụ, cụm nhiệm vụ có thể kết nối, kế thừa các kết quả nghiên cứu trước đó, tránh chồng lấn. Kết quả đầu ra của các chương trình có thể là đầu vào triển khai một chương trình khác.

Ảnh minh hoạ

Bên cạnh đó, các nhiệm vụ KHCN đã đổi mới theo hướng nâng cao tỉ lệ nhiệm vụ trực tiếp phục vụ sản xuất, kinh doanh và thương mại hóa sản phẩm, các loại hình nhiệm vụ KHCN được đa dạng hóa theo hướng: Hình thành các chương trình quốc gia lớn, dài hạn, đa mục tiêu; các chương trình KHCN chuyên sâu, các chương trình KHCN phục vụ phát triển vùng lãnh thổ, vùng kinh tế trọng điểm; các đề tài độc lập, dự án quy mô lớn... nhằm tạo ra kết quả đột phá thúc đẩy tăng trưởng các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế, giải quyết các vấn đề lớn của đất nước.

Bên cạnh việc thiết kế các chương trình, Bộ KH&CN cũng tập trung đổi mới các phương thức quản lý các chương trình, nhiệm vụ. Từ năm 2022, Bộ đã bắt tay vào nghiên cứu sửa đổi toàn bộ hệ thống các thông tư quản lý nhiệm vụ KHCN cấp quốc gia từ khâu xác định nhiệm vụ cho đến việc tổ chức tuyển chọn, theo dõi, đánh giá nghiệm thu nhằm tháo gỡ vướng mắc trong quy trình, thủ tục quản lý và triển khai nhiệm vụ KHCN. "Việc sửa đổi này nhằm đơn giản hóa các thủ tục hành chính, giải quyết những vướng mắc của nhà khoa học trong chuẩn bị hồ sơ giấy tờ, để nhà khoa học có thể tập trung thời gian, sức lực nghiên cứu", ông Nguyễn Nam Hải cho biết.

Tuy nhiên, có những nội dung chưa chặt chẽ trong quá trình quản lý cũng được bổ sung để việc sử dụng ngân sách Nhà nước cho nghiên cứu khoa học có hiệu quả, chống thất thoát. Ngoài ra, Bộ KH&CN cũng định hướng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, bước đầu đã có những đề tài nghiên cứu cấp quốc gia và thử nghiệm thực hiện quản lý nhiệm vụ KHCN trên môi trường mạng.

Về cơ chế khoán chi, ông Nguyễn Nam Hải thừa nhận, còn có những quy định khiến nhà khoa học ngại tiếp cận như để thực hiện cơ chế khoán chi thì đầu ra phải rõ ràng về các chỉ tiêu, tiêu chí.

Trong thực tiễn, số lượng tổ chức nghiên cứu tự nguyện xin áp dụng cơ chế khoán chi toàn phần là rất ít, chỉ ở một số đề tài của Quỹ Phát triển KHCN quốc gia (NAFOSTED) về nghiên cứu cơ bản. Còn đối với những đề tài, nhiệm vụ KHCN mà kết quả đầu ra thiên về hướng phát triển công nghệ thì các nhà khoa học rất e ngại, vì có quy định là khi đã nhận cơ chế khoán chi thì không được điều chỉnh kết quả sản phẩm KHCN cần đạt, trong khi đó hoạt động nghiên cứu KHCN vốn có tính rủi ro, không phải lúc nào cũng thành công.

Ông Nguyễn Nam Hải đặt kỳ vọng, Luật KHCN 2013 sẽ được sửa đổi, thiết kế những quy định riêng gắn với tính đặc thù của nghiên cứu KHCN, hoàn thiện quy định liên quan đến phê duyệt, ký hợp đồng, đặt hàng, đề xuất thực hiện nhiệm vụ KHCN giúp đơn giản hóa quy trình, thủ tục triển khai; bổ sung quy định đề xuất nhiệm vụ KHCN của các bộ, ngành, địa phương phải bám sát kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, chiến lược phát triển ngành để đưa nhiệm vụ KHCN bám sát thực tiễn, thúc đẩy phát triển ngành, lĩnh vực, địa phương; làm rõ cách thức triển khai hai loại hình nhiệm vụ KHCN: Do Nhà nước đặt hàng và do tổ chức, cá nhân đề xuất để có cơ chế giao kết quả phù hợp, thúc đẩy thương mại hóa kết quả nghiên cứu; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong triển khai thực hiện nhiệm vụ...

Nguồn: vietq.vn

Số lượt đọc: 5350

Về trang trước Về đầu trang