Chiến lược, Quy hoạch, Kế hoạch
Kế hoạch cải thiện chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2024 (20/07/2024)
-   +   A-   A+   In  
Căn cứ nội dung báo cáo kết quả Chỉ số PCI năm 2023 và trên cơ sở phân tích các chỉ số thành phần, xét đề nghị của Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Công văn số 2629/SKHĐT-ĐTDN ngày 10/7/2024; UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện cải thiện chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2024 như sau:

I. Mục đích

- Thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/ĐH Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ VII, nhiệm kỳ 2020 – 2025 đã đề ra mục tiêu: “Phấn đấu chỉ số PCI nằm trong nhóm 10 tỉnh, thành cao nhất cả nước”.

- Tổ chức triển khai thực hiện Chỉ thị số 05/CT-UBND ngày 26/3/2021 của UBND tỉnh về việc cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) giai đoạn 2020 – 2025, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động thu hút đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp; thường xuyên rà soát, cắt giảm thời gian giải quyết các thủ tục hành chính so với quy định, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân.

- Trên cơ sở kết quả phân tích các chỉ số PCI năm 2023 của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, xây dựng kế hoạch thực hiện các giải pháp để khắc phục những tồn tại, cải thiện các chỉ số thành phần trong năm 2024.

- Thực hiện Quyết định số 1251/QĐ-UBND ngày 14/5/2024 của UBND tỉnh ban hành Kế hoạch hành động triển khai thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 05/01/2024 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024.

II. Các nhiệm vụ để cải thiện các chỉ số PCI

Các sở, ngành, địa phương lập Kế hoạch thực hiện cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của đơn vị theo các nhiệm vụ được phân công; bám sát các nhiệm vụ đã được giao trong Chỉ thị số 05/CT-UBND ngày 26/3/2021 của UBND tỉnh về việc cải thiện chỉ số PCI giai đoạn 2020 – 2025; Phụ lục I – Các giải pháp chính đối với từng chỉ số và Phụ lục II – Phân công nhiệm vụ đối với từng chỉ số thành phần và chỉ số con kèm theo, cụ thể như sau:

1. Đối với các chỉ số cần tập trung cải thiện: Các chỉ số giảm điểm/giảm bậc, tăng điểm/giảm bậc trong năm 2023

* Các chỉ số giảm điểm/giảm bậc (04 chỉ số):

 1.1. Cạnh tranh bình đẳng 

- Cơ quan chủ trì: Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban Quản lý các KCN tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng.

- Cơ quan phối hợp: Các sở, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố.

- Một số giải pháp: Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban Quản lý các Khu công nghiệp, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng tăng cường cải thiện Chỉ số Cạnh tranh bình đẳng, trong đó rà soát tất cả các chỉ số con cấu thành chỉ số này thuộc lĩnh vực phụ trách và tập trung cải thiện đối với các chỉ số con bị đánh giá chưa tốt như: Tỷ lệ doanh nghiệp đồng ý với nhận định "Tỉnh ưu tiên giải quyết các khó khăn cho các doanh nghiệp lớn so với doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước", Tỷ lệ doanh nghiệp phản ánh "Dễ dàng có được các hợp đồng từ cơ quan nhà nước là đặc quyền dành cho các doanh nghiệp lớn", Tỷ lệ doanh nghiệp phản ánh "Thuận lợi trong tiếp cận thông tin là đặc quyền dành cho các doanh nghiệp lớn”,..

1.2. Chỉ số Tính năng động và tiên phong của Chính quyền

- Cơ quan đầu mối: Văn phòng UBND tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư Thương mại Du lịch

- Cơ quan phối hợp: Các sở, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố.

- Một số giải pháp: Các sở, ban, ngành, đơn vị, địa phương linh hoạt, sáng tạo trong quá trình thực thi nhiệm vụ; giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp; rà soát, bám sát các chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh trong thực thi nhiệm vụ được giao; tập trung thực hiện nghiêm Quy chế làm việc của Ủy ban nhân dân tỉnh, nâng cao trách nhiệm trong việc xử lý công vụ, trong đó lưu ý đối với các chỉ số con được đánh giá chưa tốt như: Tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá "Các sở, ngành không thực hiện đúng chủ trương, chính sách của lãnh đạo tỉnh", Tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá "Chính quyền cấp huyện, thị xã, thành phố không thực hiện đúng chủ trương, chính sách của lãnh đạo tỉnh",…

1.3. Chỉ số Tiếp cận đất đai 

- Cơ quan đầu mối: Sở Tài nguyên và Môi trường.

- Cơ quan phối hợp: Các sở, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố.

- Một số giải pháp: Sở Tài nguyên và Môi trường cần tăng cường hơn nữa các nhiệm vụ trong cải thiện chỉ số này, trong đó tập trung cải thiện các chỉ số con bị đánh giá chưa tốt như: Số ngày chờ đợi để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Tỷ lệ doanh nghiệp gặp khó khăn về thiếu quỹ đất sạch, Thời hạn giải quyết hồ sơ đất đai dài hơn so với thời hạn được niêm yết hoặc văn bản quy định,..; Khẩn trương tham mưu UBND tỉnh các nội dung liên quan đến việc Chính phủ chuẩn bị ban hành Luật Đất đai năm 2024 (dự kiến có hiệu lực từ ngày 01/8/2024).

1.4. Chỉ số Chi phí không chính thức

- Cơ quan đầu mối: Sở Nội vụ, Thanh tra tỉnh.

- Cơ quan phối hợp: Các sở, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố.

- Một số giải pháp: Tăng cường công tác kiểm tra công vụ, kiểm tra Cải cách hành chính, kiểm tra việc thực hiện Đề án văn hoá công vụ; tiếp tục tham mưu khảo sát mức độ hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước, trong đó tập trung cải thiện các chỉ số con bị đánh giá chưa tốt như: Hiện tượng nhũng nhiễu khi giải quyết thủ tục cho doanh nghiệp là phổ biến; doanh nghiệp trả chi phí không chính thức khi thực hiện thủ tục đề nghị cấp giấy phép kinh doanh có điều kiện, chi trả chi phí không chính thức cho cán bộ thanh, kiểm tra,…

* Các chỉ số tăng điểm/giảm bậc (03 chỉ số):

1.5. Chỉ số Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp

- Cơ quan chủ trì: Trung tâm Xúc tiến đầu tư Thương mại Du lịch, VCCI  Chi nhánh Vũng Tàu.

- Cơ quan phối hợp: Sở, ngành liên quan, các hiệp hội doanh nghiệp; UBND các huyện, thị xã, thành phố.

- Một số giải pháp: Trung tâm Xúc tiến Đầu tư Thương mại Du lịch tỉnh; VCCI Vũng Tàu phân tích các chỉ số con để chủ trì, phối hợp với Sở Công thương, Sở Khoa học Công nghệ, Sở Lao động Thương binh và Xã hội, Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh để xây dựng kế hoạch và các giải pháp khắc phục, nâng cao chỉ số trong năm 2024, trong đó tập trung một số nhiệm vụ, giải pháp sau:

+ Tổ chức các buổi hội thảo, các lớp tập huấn cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

+ Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, chương trình xúc tiến đầu tư, khuyến công, khoa học công nghệ, xây thương hiệu sản phẩm của Tỉnh,...

+ Tiếp tục thực hiện Kế hoạch số 63/KH-UBND ngày 27/4/2020 của UBND tỉnh về triển khai thực hiện Quyết định số 1362/QĐ-TTG ngày 11/120/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch phát triển bền vững doanh nghiệp khu vực tư nhân đến năm 2025, tẩm nhìn đến năm 2030, trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

+ Triển khai thực hiện Nghị quyết số 45/NQ-CP ngày 31/3/2023 của Chính phủ về Chương trình hành động của Chính phủ tiếp tục thực hiện nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 03/6/2017 Hội nghị lần thứ năm Ban chấp hành Trung ương khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

1.6. Chỉ số Gia nhập thị trường

- Cơ quan đầu mối: Sở Kế hoạch và Đầu tư.

- Cơ quan phối hợp: Cục Thuế tỉnh, các sở, ngành liên quan.

- Một số giải pháp: Sở Kế hoạch và Đầu tư duy trì và tập trung cải thiện các chỉ số con bị đánh giá chưa tốt, như: Thời gian thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp, Tỷ lệ DN phải chờ hơn MỘT tháng để hoàn thành tất cả các thủ tục để chính thức hoạt độngTỷ lệ DN phải hủy bỏ kế hoạch kinh doanh do những khó khăn gặp phải khi thực hiện thủ tục sửa đổi ĐKDN,..

1.7. Chỉ số Chi phí thời gian:

- Cơ quan đầu mối: Sở Nội vụ, Thanh tra tỉnh, Văn phòng UBND tỉnh.

- Cơ quan phối hợp: Các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố.

- Một số giải pháp: Tăng cường thực hiện TTHC trực tuyến; Rà soát lại số giờ thanh, kiểm tra thuế; Thông báo cụ thể nội dung làm việc của các đoàn thanh, kiểm tra và không được thanh, kiểm tra Doanh nghiệp quá 01 lần/1 năm; Rà soát các thủ tục hành chính liên quan đến kiểm soát thủ tục hành chính, kịp thời phát hiện những thủ tục hành chính không phù hợp để kiến nghị các Bộ, ngành Trung ương bổ sung hoặc bãi bỏ, sửa đổi theo thẩm quyền; Thống kê, rà soát, phân loại các hồ sơ, làm rõ trách nhiệm, xử lý trách nhiệm của tập thể, cá nhân trong quá trình tham mưu giải quyết chậm trễ hồ sơ nhằm cải thiện một số chỉ số con bị đánh giá chưa tốt như: Tỷ lệ DN cho biết nội dung làm việc của các đoàn thanh, kiểm tra bị trùng lặp, số giờ thanh, kiểm tra thuế mỗi cuộc,… 

2. Đối với các chỉ số cần duy trì, cải thiện: 03 chỉ số tăng điểm/tăng bậc trong năm 2023, gồm:

2.1. Chỉ số Tính minh bạch: Cơ quan chủ trì là các sở, ngành có liên quan.

2.2. Chỉ số Thiết chế pháp lý và an ninh trật tự

- Cơ quan chủ trì: Sở Tư pháp, Công an tỉnh.

- Cơ quan phối hợp: Tòa án nhân dân tỉnh, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, Cục Thi hành án dân sự tỉnh, các sở, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố.

2.3. Chỉ số Đào tạo lao động

- Cơ quan đầu mối: Sở Lao động Thương binh và Xã hội, Sở Giáo dục và Đào tạo.

- Cơ quan phối hợp: Các sở, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố.

- Giải pháp: Các cơ quan được giao nhiệm vụ đầu mối chịu trách nhiệm rà soát các nhiệm vụ được giao tại Chỉ thị số 05/CT-UBND ngày 26/3/2021 về việc cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) giai đoạn 2020 – 2025; kết quả Chỉ số PCI trong năm 2023 để đưa ra các giải pháp nhằm tăng cường hơn nữa điểm số và thứ hạng đối với các chỉ số này.

III. Một số nhiệm vụ trọng tâm nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao chất lượng điều hành kinh tế địa phương:

1. Về nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh tạo điều kiện thu hút đầu tư:

- Căn cứ Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 05/01/2024 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024; căn cứ Kế hoạch hành động triển khai thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 05/01/2024 của Chính phủ (ban hành kèm theo Quyết định số 1251/QĐ-UBND ngày 14/5/2024 của UBND tỉnh); Dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023 (ban hành kèm theo Quyết định số 925/QĐ-UBND ngày 20/4/2023 của UBND tỉnh), giao các sở, ngành, địa phương khẩn trương, nghiêm túc triển khai, thực hiện kế hoạch hành động và báo cáo theo định kỳ.  

- Các sở, ngành triển khai thực hiện Chỉ thị số 05/CT-UBND ngày 26/3/2021 của UBND tỉnh về việc cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) giai đoạn 2020 – 2025.

2. Về bảo vệ môi trường hướng đến kinh doanh và đầu tư bền vững:

- Sở Tài nguyên và Môi trường phụ trách Chỉ số xanh cấp tỉnh (PGI); phối hợp với VCCI chi nhánh Vũng Tàu, Sở Công Thương, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Công an tỉnh (Phòng Cảnh sát môi trường) và các cơ quan có liên quan nghiên cứu, phổ biến nội dung chỉ số và đề xuất giải pháp, kế hoạch cải thiện chỉ số này trong năm 2024.

- Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố và Ban Quản lý các Khu công nghiệp tăng cường công tác giám sát, xử lý nghiêm khắc đối với doanh nghiệp có hành vi gây ô nhiễm môi trường. Thường xuyên thực hiện các hoạt động truyền thông nhằm thúc đẩy thay đổi hành vi của các doanh nghiệp để hướng đến các doanh nghiệp đầu tư, hoạt động theo hướng thân thiện với môi trường.

3. Tiếp tục xử lý, giải quyết dứt điểm các kiến nghị do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh làm Tổ trưởng theo Quyết định số 997/QĐ-UBND ngày 28/4/2023 về việc thành lập Tổ công tác đặc biệt của tỉnh để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ hiệu quả các doanh nghiệp, nhà đầu tư, dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh.

4. Tiếp tục thực hiện chương trình kết nối Ngân hàng – Doanh nghiệp, tạo điều kiện để khách hàng, doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn tín dụng ngân hàng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

5. Tiếp tục thực hiện Kế hoạch số 3641/QĐ-UBND ngày 18/12/2023 của UBND tỉnh về Kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu giai đoạn 2023 – 2025.

6. VCCI chi nhánh Vũng Tàu, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh khẩn trương triển khai các hoạt động và kinh phí đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 299/QĐ-UBND ngày 31/01/2024.

7. VCCI chi nhánh Vũng Tàu chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường và các đơn vị liên quan tổ chức tập huấn, tuyên truyền định kỳ hàng năm đến các sở, ngành, địa phương, cán bộ, công chức, viên chức, tổ chức, cá nhân có liên quan nhằm nâng cao nhận thức, tầm quan trọng trong việc thực hiện các giải pháp nâng cao các chỉ số PCI, DDCI, PGI đạt hiệu quả trong thời gian tới.

IV. Tổ chức thực hiện

1. Các cơ quan, đơn vị được giao làm đầu mối triển khai, theo dõi, thực hiện các chỉ số PCI và các chỉ số thành phần được giao tại Bảng Phụ lục phân công nhiệm vụ (ban hành kèm theo Chỉ thị số 05/CT-UBND ngày 26/3/2021 của UBND tỉnh) chủ động xây dựng Kế hoạch thực hiện cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh và chịu trách nhiệm nghiên cứu đề ra các giải pháp để thực hiện đối với từng chỉ số thành phần thuộc thẩm quyền phân công, trong đó bám sát các nhiệm vụ đã được giao trong Chỉ thị số 05/CT-UBND ngày 26/3/2021 của UBND tỉnh về việc cải thiện chỉ số PCI giai đoạn 2020 – 2025 và Phụ lục I, II kèm theo.

2. Các sở, ngành được giao làm đầu mối chịu trách nhiệm báo cáo kết quả thực hiện, giải trình đối với các chỉ số con và các chỉ số thành phần thuộc phạm vi quản lý. 

3. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh thực hiện quán triệt, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của từng cán bộ, công chức của đơn vị đối với nhiệm vụ cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao chất lượng điều hành kinh tế địa phương và các nội dung của Kế hoạch này.

4. Giao VCCI chi nhánh Vũng Tàu chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức tập huấn, tuyên truyền định kỳ hàng năm đến các sở, ngành, địa phương, cán bộ, công chức, viên chức, tổ chức, cá nhân có liên quan để nhằm nâng cao nhận thức, tầm quan trọng trong việc thực hiện các giải pháp nâng cao các chỉ số PCI, DDCI, PGI. 

5. Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm triển khai kế hoạch đến các đơn vị trực thuộc để thực hiện.

6. Các cơ quan được giao nhiệm vụ chủ trì phải xây dựng kế hoạch để triển khai thực hiện; định kỳ 06 tháng (trước ngày 20/7) và cả năm (trước ngày 20/12) báo cáo kết quả thực hiện các công việc được giao về Sở Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh. Trên cơ sở báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư theo định kỳ, UBND tỉnh tổ chức giao ban với các cấp, các ngành để nắm tiến độ, kết quả, qua đó kịp thời chỉ đạo, chấn chỉnh các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện chưa tốt.

Đính kèm:

Phụ lục I - Các giải pháp chính đối với từng chỉ số;

Phụ lục II - Phân công nhiệm vụ;

Chỉ thị số 05/CT-UBND ngày 26/3/2021 của UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu về việc cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) giai đoạn 2020 – 2025./.

Nguồn: sokhdt.baria-vungtau.gov.vn