Chuyển đổi số
Chuyển đổi số phải mang lại giá trị vững chắc (10/10/2023)
-   +   A-   A+   In  
Mục tiêu của Bà Rịa-Vũng Tàu là nằm trong Top 15 tỉnh, thành phố dẫn đầu mức độ chuyển đổi số (CĐS) năm 2023. Quan trọng hơn, CĐS phải mang lại những giá trị vững chắc, thực chất phục vụ người dân, DN. Ông Đỗ Hữu Hiền, Giám đốc Sở TT-TT đã khẳng định như vậy khi trao đổi với phóng viên Báo Bà Rịa - Vũng Tàu nhân ngày Chuyển đổi số quốc gia 10/10.

 Phóng viên: Thưa ông, năm 2023, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đặt mục tiêu vào top 15 cả nước về mức độ CĐS. Ông có thể nói rõ hơn về mục tiêu này?

- Hiện nay, CĐS trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu có những chuyển biến tích cực, nhất là trong xây dựng Chính quyền số với nhiều con số thống kê ấn tượng, như: toàn bộ TTHC đủ điều kiện theo quy định được cung cấp dưới hình thức Dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) toàn trình; 100% kết quả giải quyết TTHC được số hóa; 50% hồ sơ TTHC được người dân, DN thực hiện trực tuyến từ xa…

Nối tiếp những kết quả trên, UBND tỉnh xây dựng Kế hoạch về CĐS năm 2023 tập trung vào 39 chỉ tiêu, trong đó đề ra 16 chỉ tiêu về Chính quyền số, 8 chỉ tiêu về Kinh tế số và 15 chỉ tiêu về Xã hội số. Trong đó, Bà Rịa-Vũng Tàu phấn đấu 100% hồ sơ TTHC được người dân, DN thực hiện trực tuyến thay vì 50% như hiện nay.

Ngoài xây dựng Chính quyền số, tỉnh cũng đề ra kế hoạch phát triển Kinh tế số và Xã hội số, với một số mục tiêu như: tỷ trọng kinh tế số chiếm 16% GRDP; tỷ trọng thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ chiếm trên 8,5%; trên 90% DN vừa và nhỏ được tiếp cận dùng thử các nền tảng CĐS; 100% thuê bao điện thoại di động sử dụng điện thoại thông minh; 100% hộ gia đình có đường Internet cáp quang băng rộng; 30% dân số trưởng thành có tài khoản định danh điện tử vào cuối năm 2023…

Mục tiêu của tỉnh là vào top 15 tỉnh, thành phố đứng đầu về mức độ CĐS trên cả nước, đóng góp mạnh mẽ vào sự phát triển của kinh tế-xã hội địa phương.

 

IOC tỉnh vận hành góp phần xây dựng kho dữ liệu số và phục vụ công tác lãnh đạo, điều hành phát triển kinh tế-xã hội.
IOC tỉnh vận hành góp phần xây dựng kho dữ liệu số và phục vụ công tác lãnh đạo, điều hành phát triển kinh tế-xã hội.

 

 Còn việc xây dựng kho dữ liệu số của tỉnh thì như thế nào, thưa ông?

- Với CĐS, xây dựng được kho dữ liệu lớn là cực kỳ quan trọng. Xác định được điều này, từ tháng 4/2022, tỉnh đưa Trung tâm giám sát và điều hành thông minh (IOC) tỉnh vào hoạt động. Hệ thống này được tích hợp, kết nối dữ liệu trực tiếp với hệ thống thông tin báo cáo của tỉnh (LRIS) và các hệ thống thông tin các ngành, lĩnh vực liên quan theo thời gian thực qua các API (cập nhật 6 giờ sáng hàng ngày).

Tính đến ngày 30/8/2023, đã tổ chức triển khai kết nối, đồng bộ và tích hợp dữ liệu ngành, lĩnh vực của 26 cơ quan, đơn vị về IOC tỉnh với tổng số 841 chỉ tiêu (665 chỉ tiêu của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, 176 chi tiêu các cơ quan trung ương đóng trên địa bàn). Song song đó, phối hợp với nhóm chuyên gia thống kê, phân tích, xử lý, dự báo và tổ chức hiển thị theo bảng (Dashboard) trên IOC tỉnh về các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của tỉnh, các chỉ tiêu của ngành, lĩnh vực.

Tỉnh cũng là địa phương đầu tiên trên cả nước triển khai xây dựng phân hệ ứng dụng nền tảng trí tuệ nhân tạo nhằm thống kê, phân tích, xử lý, dự báo từ cơ sở dữ liệu IOC và tổ chức hiển thị theo bảng trên hệ thống trực quan phục vụ công tác lãnh đạo, điều hành phát triển kinh tế-xã hội.

Nhờ đó, kho dữ liệu số của tỉnh đã hình thành và đang triển khai thử nghiệm, đánh giá.

 Các giải pháp thúc đẩy quá trình CĐS trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới là gì, thưa ông?

- Năm 2023 được chọn là năm Chuyển đổi số quốc gia. Cùng với cả nước, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tiếp tục thực hiện, triển khai các nhiệm vụ theo Nghị quyết của BCH Đảng bộ tỉnh về CĐS, đô thị thông minh gắn với cải cách hành chính (CCHC); ưu tiên nguồn lực để đạt được các chỉ tiêu quan trọng về Chính quyền số, Kinh tế số và Xã hội số; tạo điều kiện để phát triển các nền tảng và dữ liệu số, mang lại những giá trị vững chắc, thực chất phục vụ người dân, DN.

Để tiếp tục đẩy nhanh quá trình CĐS, UBND tỉnh đưa ra 6 nhóm giải pháp, gồm: Truyền thông nâng cao nhận thức, tăng cường tương tác với người dân, DN; công tác lãnh đạo, chỉ đạo; đào tạo nguồn nhân lực; giải pháp tài chính; giải pháp hợp tác; kiểm tra, giám sát.

Để thực hiện các giải pháp này, UBND tỉnh giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở ngành, địa phương liên quan. Trong đó, Sở TT-TT là cơ quan thường trực Ban chỉ đạo được giao tổ chức theo dõi, đôn đốc các sở, ban, ngành liên quan; giám sát, đánh giá và đề xuất tình hình thực hiện kế hoạch CĐS.

Nguồn: baobariavungtau.com.vn

Số lượt đọc: 709

Về trang trước Về đầu trang