Chuyển đổi số
Ngành thủy sản bứt phá nhờ chuyển đổi số (05/10/2023)
-   +   A-   A+   In  
Chuyển đổi số đã giúp các ngư dân, tàu cá, HTX và DN ngành thủy sản tạo bứt phá trong thông tin, phát triển hội nhập thế giới nhanh hơn.

Số hóa thông tin, quản lý

Gần một năm nay, sau khi lập nhóm Zalo, công tác kiểm tra, quản lý hoạt động các tàu cá ở huyện Long Điền đã trở nên dễ dàng hơn. Ông Lê Tòng Văn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản cho biết, sáng kiến này xuất phát từ xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền - nơi có lượng tàu cá khá lớn hoạt động vùng khơi. Xã đã số hóa công tác quản lý, thông tin bằng việc thành lập nhóm Zalo với gần 300 chủ tàu cá trên địa bàn.

Khi phát hiện tàu cá nào vượt ranh giới đánh bắt qua vùng biển nước ngoài hay mất kết nối hành trình, gặp khó khăn, sự cố khi đi biển, nhóm sẽ thông báo ngay cho nhau để kịp thời khắc phục và giúp đỡ. Nhóm sau đó có thêm sự tham gia của lãnh đạo huyện, tỉnh, Chi cục Thủy sản, đồn biên phòng, công an,… Từ đó, công tác quản lý tàu cá theo quy định IUU, thông tin tuyên truyền, khắc phục sự cố và xử lý vi phạm được minh bạch, thuận lợi và nhanh chóng hơn trước.

Ông Ngô Tám, thuyền trưởng tàu BV 91666 TS (TP.Vũng Tàu) ghi nhật ký điện tử quá trình đánh bắt hải sản trên biển của tàu cá.
Ông Ngô Tám, thuyền trưởng tàu BV 91666 TS (TP.Vũng Tàu) ghi nhật ký điện tử quá trình đánh bắt hải sản trên biển của tàu cá.

Cách làm hay này sau đó đã nhanh chóng lan truyền ra khắp tỉnh. Nhờ đó, từ đầu năm đến nay, tỉnh đã ngăn chặn hiệu quả tình trạng tàu cá vi phạm đánh bắt ở vùng biển nước ngoài, không có vụ việc nào xảy ra. Các vi phạm mất kết nối máy giám sát hành trình cũng giảm hơn 65%.

Theo Sở NN-PTNT, việc chuyển đổi số trong ngành thủy sản còn được áp dụng ở các cảng cá, cơ quan chức năng trong việc giám sát sản lượng và truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác, phục vụ cho công tác xuất khẩu. Tất cả các số liệu, thông tin, hồ sơ tàu cá, xử lý vi phạm đều được cập nhật lên hệ thống dữ liệu nghề cá quốc gia. Đây là một trong những yêu cầu của Đoàn thanh tra châu Âu để gỡ “thẻ vàng” IUU.

Nhân viên Văn phòng Đại diện nghề cá cảng Tân Phước (xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền) kiểm tra giấy tờ, đối chiếu số lượng, tọa độ, thời gian hải sản khai thác theo nhật ký khai thác của tàu cá qua hệ thống giám sát hành trình.
Nhân viên Văn phòng Đại diện nghề cá cảng Tân Phước (xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền) kiểm tra giấy tờ, đối chiếu số lượng, tọa độ, thời gian hải sản khai thác theo nhật ký khai thác của tàu cá qua hệ thống giám sát hành trình.

Đẩy mạnh giao dịch thương mại điện tử

Ông Nguyễn Đình Ngọc, chủ tàu cá ở phường 2, TP.Vũng Tàu cho biết, đã triển khai việc ghi nhật ký khai thác thủy sản điện tử cho 4 tàu cá đánh bắt vùng khơi của mình từ hơn nửa năm nay. “Trước đây, việc ghi nhật ký thủy sản khai thác thường gặp các vấn đề như: thuyền trưởng mải đánh bắt nên quên ghi, khi rảnh viết lại thì ghi không chính xác thời gian, địa điểm thả lưới, thu lưới hay chữ viết xấu, thiếu thông tin các loài hải sản. Hiện nay, tôi triển khai ghi nhật ký điện tử nên đã giải quyết hết các vấn đề này, bảo đảm độ chính xác và minh bạch, nhanh gọn hơn”, ông Ngọc chia sẻ.

Đây cũng là cơ sở để ông Ngọc và các ngư dân khác ở TP.Vũng Tàu cung cấp hải sản truy xuất được nguồn gốc rõ ràng cho chợ hải sản Vũng Tàu, tiến tới giao dịch qua mạng, các sàn giao dịch điện tử trong tỉnh và cả nước, giúp tăng doanh thu cho tàu cá.

Theo Sở NN-PTNT, góp phần thực hiện chuyển đổi số, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn, đồng thời đa dạng hóa thị trường, tạo thuận lợi cho tiêu thụ nông sản, đặc sản, ngành nông nghiệp, Sở đã phối hợp với các đơn vị liên quan đưa 100% thông tin, hình ảnh các sản phẩm OCOP của tỉnh lên sàn thương mại điện tử, tạo hơn 25.000 tài khoản dữ liệu số và gian hàng thương mại điện tử. Bên cạnh đó, sở hỗ trợ nhiều DN triển khai ứng dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc bằng tem điện tử thông minh QR code nhằm minh bạch thông tin về nguồn gốc hàng hóa, đáp ứng mọi yêu cầu khắt khe của các thị trường xuất khẩu.

Đối với DN, ông Trần Văn Dũng, Tổng Giám đốc Công ty CP Chế biến xuất nhập khẩu thủy sản Bà Rịa-Vũng Tàu (Baseafood) cho biết, công ty đã áp dụng chuyển đổi số trong tất cả các hoạt động trong nội bộ và sản xuất, chế biến xuất khẩu. Đặc biệt, trong các năm 2020-2021, khi dịch COVID-19 bùng phát, không thể gặp mặt trực tiếp, công ty vẫn có thể cung cấp số liệu, thông tin hình ảnh, chứng nhận, chứng chỉ về ISO, môi trường, quy trình sản xuất đạt tiêu chuẩn quốc tế… cho các đối tác nước ngoài và giao dịch xuất khẩu qua mạng, ký hợp đồng thương mại điện tử. Nhờ đó, công ty giảm chi phí, đảm bảo doanh thu trong 2 năm nay, tạo công ăn việc làm, lợi nhuận ổn định cho người lao động.

“Chúng tôi tạo thành nếp họp online, báo cáo online trong nội bộ, các cơ quan chức năng và với cả các đối tác nước ngoài. Trong hoạt động xuẩt khẩu, công ty tăng cường tham gia các sàn giao dịch thương mại điện tử trong nước và thế giới, giao dịch điện tử. Trước đây, chúng tôi phải qua gặp mặt trực tiếp các đối tác thì nay phần lớn có thể thực hiện giao dịch qua mạng, giảm nhiều chi phí đi lại, ăn ở”, ông Dũng thông tin.

Nguồn: baobariavungtau.com.vn

Số lượt đọc: 849

Về trang trước Về đầu trang