Hợp tác quốc tế
Việt Nam - Israel: KHCN là ưu tiên trọng tâm trong hợp tác song phương (17/08/2023)
-   +   A-   A+   In  
Trong khuôn khổ Kỳ họp lần thứ 3 Uỷ ban liên Chính phủ Việt Nam – Israel về hợp tác kinh tế, khoa học-công nghệ và các lĩnh vực khác, các lãnh đạo của Việt Nam và Israel đã có những cam kết hợp tác nhằm thúc đẩy phát triển khởi nghiệp và đổi mới sáng tại tại 2 quốc gia.

Ngày 16/8, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ KH&CN Việt Nam Huỳnh Thành Đạt và Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Công nghiệp Israel Nir Barkat đã đồng chủ trì Kỳ họp lần thứ 3 Uỷ ban liên Chính phủ Việt Nam – Israel về hợp tác kinh tế, khoa học-công nghệ và các lĩnh vực khác.

Kỳ họp tổ chức sau 6 năm tạm thời bị ngắt quãng, đồng thời, diễn ra vào đúng dịp kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giao Việt Nam - Israel (12/7/1993-12/7/2023), đặc biệt với dấu mốc chuyến thăm của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang tới Israel trong tháng 7 vừa qua và ký kết Hiệp định thương mại tự do Việt Nam- Israel (VIFTA) sau 12 vòng đàm phán kéo dài suốt 7 năm nên được đánh giá là hoạt động có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong quan hệ song phương giữa hai nước.

c0e315ba88ae5af003bf-16921833132861985812552

 Kỳ họp lần thứ 3 Uỷ ban liên Chính phủ Việt Nam – Israel - Ảnh: VGP/Hoàng Giang

 

VIFTA - Chương mới trong mối quan hệ hợp tác, phát triển Việt Nam - Israel

Phát biểu tại Kỳ họp lần thứ 3 Uỷ ban liên Chính phủ Việt Nam – Israel về hợp tác kinh tế, khoa học-công nghệ và các lĩnh vực khác, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho biết, Việt Nam và Isarel có nhiều điểm tương đồng nhưng có một điểm tương đồng đáng nói là sự vượt khó vươn lên của hai dân tộc. Việt Nam ấn tượng trước sự phát triển nhanh chóng của Israel với tinh thần "khởi nghiệp" mạnh mẽ, góp phần đưa Israel trở thành một quốc gia có nền kinh tế vững mạnh với nền KHCN phát triển cao trên thế giới.

Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cũng đánh giá cao nỗ lực của hai bên trong việc triển khai nội dung Biên bản Kỳ họp lần thứ 2 Ủy ban liên Chính phủ hai nước ký năm 2017.

Trong 6 tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với Israel đạt xấp xỉ 1,4 tỷ USD, tăng 21% so với cùng kỳ năm 2022.

"Đặc biệt Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Israel (VIFTA) được ký kết mở ra một chương mới, một bước tiến xa hơn trong quan hệ hai nước. Đây là một dấu mốc quan trọng góp phần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, tạo đột phá cho hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa hai nước trong thời gian tới", Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt nói.

Đồng thời Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Israel cũng là điều kiện để hai bên gia tăng kim ngạch thương mại song phương trong năm 2023 lên khoảng 10-15% và hướng tới mục tiêu 3 tỷ USD trong thời gian tiếp theo.

Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Công nghiệp Israel Nir Barkat bày tỏ vui mừng khi chứng kiến những bước tiến lớn trong quan hệ hợp tác giữa hai nước. Điển hình như sắp tới sẽ có đường bay thẳng Việt Nam - Israel, đây có thể là điểm nhấn tạo nên xung lực mới trong quan hệ giữa hai nước, giúp hai nước vượt qua khoảng cách về địa lý, xích lại gần nhau hơn, từ đó sẽ thúc đẩy du lịch, giao thương...

"Khi chúng ta có những dòng chảy suôn sẻ về giao thông như vậy sẽ là động lực mạnh mẽ để kéo cả đoàn tàu chạy trơn tru", ông Nir Barkat nói.

Theo ông Nir Barkat, đất nước Israel là đất nước của khởi nghiệp với khoảng 10.000 doanh nghiệp khởi nghiệp. Những doanh nghiệp này đang muốn vươn ra toàn cầu và tăng trưởng quy mô. Vì vậy, Việt Nam và Israel cần tăng cường hợp tác để giúp các doanh nghiệp này hiểu hơn về Việt Nam, quan tâm tới Việt Nam và lựa chọn Việt Nam, không phải chỉ với tư cách một quốc gia riêng lẻ mà còn là cửa ngõ vào ASEAN. Đây sẽ là một trọng tâm quan trọng trong hợp tác giữa hai Chính phủ.

Ông Nir Barkat cũng nhấn mạnh vai trò của Chính phủ và các cơ quan của Chính phủ trong hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp, tạo dựng một hệ sinh thái tốt.

Israel thường xuyên tổ chức các cuộc gặp gỡ với khu vực tư nhân, lắng nghe ý kiến của họ, xem họ cần gì và đó cũng là cách mà Việt Nam - Israel tiếp tục hợp tác để tìm hiểu về doanh nghiệp Việt Nam có nhu cầu gì, cạnh tranh như thế nào với các doanh nghiệp khởi nghiệp của Ấn Độ, của các nước ASEAN, Trung Quốc… cũng như xem xét việc thành lập một quỹ hợp tác để hỗ trợ cho những doanh nghiệp Israel đầu tiên đến Việt Nam được phát triển thành công.

"Bởi thành công của những người đi đầu sẽ tạo động lực rất lớn, lôi cuốn những người khác đi theo", ông Nir Barkat nói.

Việt Nam - Israel coi KHCN là ưu tiên trọng tâm hợp tác song phương

Tại Kỳ họp, hai bên đã thảo luận, đánh giá kết quả thực hiện biên bản của Kỳ họp lần 2, thảo luận phương hướng và những biện pháp cụ thể để đẩy mạnh sự hợp tác có hiệu quả giữa hai nước trong thời gian tới. Qua đó, khẳng định tiềm năng hợp tác giữa hai nước còn rất lớn trong tất cả các lĩnh vực. Hai nước có nhiều lợi thế riêng để có thể bổ trợ cho nhau trong hợp tác.

Đặc biệt, về thương mại, Israel hiện là thị trường xuất khẩu đứng thứ 3, là đối tác thương mại lớn thứ 5 của Việt Nam, được đánh giá là thị trường tiềm năng đối với hàng hóa Việt Nam tại khu vực Tây Á. 

Do đó, hai bên cần sớm hoàn tất thủ tục phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Israel và thông tin cho cộng đồng doanh nghiệp về tiềm năng, cơ hội do Hiệp định này mang lại. Chính phủ hai bên cần hỗ trợ doanh nghiệp về thông tin, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, khuyến khích đầu tư, mở rộng hợp tác giữa các doanh nghiệp.

Về lao động, hai bên nhất trí nối lại đàm phán Hiệp định hợp tác về lao động giữa hai nước. Hai bên đẩy nhanh tiến trình đàm phán để sớm ký kết hai văn bản này vì lợi ích của mỗi bên. 

Về đầu tư, Israel là quốc gia có nền kinh tế phát triển với tiềm năng KHCN tiên tiến. Con số đầu tư hiện tại của hai nước (Israel có tổng số vốn đầu tư đăng ký đạt trên 140,65 triệu USD; Việt Nam có 4 dự án tại Israel, tổng vốn đăng ký đạt 82,7 triệu USD), là khiêm tốn so với tiềm năng hợp tác còn rất lớn của hai bên. Việt Nam mong muốn hai cơ quan hữu quan về đầu tư hai nước sớm thúc đẩy hoạt động xúc tiến đầu tư, trước mắt là tổ chức diễn đàn đầu tư kinh doanh, tổ chức các đoàn sang tìm hiểu cơ hội đầu tư tại hai nước.

876b09f694e246bc1ff3-16921832635511367609623

Bộ trưởng Bộ KH&CN Việt Nam Huỳnh Thành Đạt và Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Công nghiệp Israel Nir Barkat ký kết Biên bản Kỳ họp lần 3 của Uỷ ban liên Chính phủ Việt Nam - Israel - Ảnh: VGP/Hoàng Giang 

Về KHCN, hai bên sẽ phối hợp triển khai có hiệu quả những thỏa thuận đã ký, thúc đẩy hợp tác khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, coi KHCN là ưu tiên trọng tâm trong hợp tác song phương và là một trong các trụ cột trong hợp tác giữa hai nước, đặc biệt trong các lĩnh vực liên quan đến các xu thế kinh tế mới nổi và tương thích với chiến lược phát triển của Việt Nam bao gồm phát triển bền vững, chuyển đổi số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và các lĩnh vực khác.

Về hợp tác trong các lĩnh vực khác, hai bên tiếp tục đẩy mạnh hợp tác trên các lĩnh vực nông nghiệp, môi trường, năng lượng, hải quan, công nghệ thông tin, tiêu chuẩn chất lượng, hợp tác phát triển, giáo dục, du lịch, tư pháp...

Tại Kỳ họp, Bộ trưởng Bộ KH&CN Việt Nam Huỳnh Thành Đạt và Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Công nghiệp Israel Nir Barkat đã ký kết Biên bản Kỳ họp lần 3 của Uỷ ban liên Chính phủ Việt Nam - Israel; chứng kiến lễ ký Thoả thuận hợp tác giữa Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin truyền thông Việt Nam) và Cục An toàn thông tin Israel. Hai bên cũng nhất trí tổ chức Kỳ họp lần 4 của Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam - Israel vào năm 2025 tại Israel.

 

Nguồn: sohuutritue.net.vn

Số lượt đọc: 1415

Về trang trước Về đầu trang