Tiêu chuẩn ĐLCL
Sửa đổi, bổ sung quy định về kiểm soát viên chất lượng (30/05/2023)
-   +   A-   A+   In  

Bộ KH&CN đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định về kiểm soát viên chất lượng trong dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

Xác định vấn đề bất cập

Theo Bộ KH&CN, mặc dù ngạch kiểm soát viên chất lượng đã được quy định rất cụ thể trong Điều 50 Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa, đồng thời Bộ Nội vụ quy định chức danh, mã số ngạch và tiêu chuẩn nghiệp vụ các ngạch công chức chuyên ngành kiểm soát chất lượng theo Thông tư số 10/2009/TT-BNV.

Tuy nhiên, cho đến nay việc triển khai ngạch công chức này rất hạn chế. Cụ thể, chỉ có Bộ KH&CN mới triển khai việc đào tạo và xây dựng đội ngũ kiểm soát viên chất lượng, các bộ ngành khác hầu như không xây dựng đội ngũ kiểm soát viên chất lượng; tại địa phương chỉ có Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng thuộc Sở KH&CN mới có ngạch này. Việc này dẫn đến sự không thống nhất về đội ngũ trong công tác kiểm soát chất lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường, dẫn đến quyền hạn và nghĩa vụ không được thực hiện một cách đầy đủ.

Bên cạnh đó, chỉ đạo từ Bộ Nội vụ đối với cơ quan tham mưu quản lý về công chức tại Bộ, ngành, địa phương chưa cụ thể; công tác phối hợp trong việc bổ nhiệm chưa thực hiện được; việc bố trí vị trí việc làm, chuyển xếp lương còn nhiều vướng mắc hoặc chưa có hướng dẫn cụ thể, ví dụ theo quy định tại điểm a, khoản 4, Điều 5; điểm a, khoản 4, Điều 6, Thông tư số 10/2009/TT-BNV thì yêu cầu trình độ của công chức chuyên ngành kiểm soát viên chất lượng là “có bằng tốt nghiệp đại học trở lên thuộc các chuyên ngành phù hợp với việc kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa” nhưng ở đây là không quy định rõ chuyên ngành phù hợp là ngành gì. Ngoài ra, các ngành có quy định riêng đối công chức thực hiện công tác kiểm tra, thanh tra nên chưa quan tâm đến việc bổ nhiệm kiểm soát viên chất lượng.

Đội ngũ công chức kiểm soát viên chất lượng còn mỏng, hàng năm số lượng không được tăng thêm, dẫn đến hiệu quả hoạt động của lực lượng này chưa được phát huy đầy đủ. Nguyên nhân chủ yếu là do chưa được đào tạo, cấp chứng chỉ để đủ điều kiện chuyển ngạch kiểm soát viên chất lượng.

Việc mở các lớp nghiệp vụ đào tạo kiểm soát viên chất lượng chưa được tổ chức thường xuyên, do đó, gây khó khăn trong việc cân đối, sắp xếp lịch công tác để cử công chức tham dự. Kinh phí hỗ trợ cho công chức tham dự các lớp nghiệp vụ đào tạo kiểm soát viên chất lượng rất hạn hẹp, cũng là nguyên nhân gây khó khăn trong việc cử công chức tham gia đào tạo. Đồng thời, đã có quy định về trang phục của kiểm soát viên chất lượng tuy nhiên chưa có đơn vị thực hiện việc may mặc (như đối với trang phục thanh tra chuyên ngành); chưa có chế độ đặc thù đối với đội ngũ kiểm soát viên chất lượng và trong quá trình thực thi công vụ còn bị hạn chế về quyền hạn nhằm thực hiện có hiệu quả, kịp thời như không có quyền xử lý vi phạm hành chính.

Điều 48, Điều 50 Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa quy định về Đoàn kiểm tra và Kiểm soát viên chất lượng gây khó khăn cho các cơ quan kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa của các lực lượng chức năng do quy định ít nhất 50% số thành viên tham gia Đoàn kiểm tra là kiểm soát viên chất lượng (được bổ nhiệm vào ngạch kiểm soát viên chất lượng). Nguyên nhân, đa số cơ quan kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa chưa có công chức chuyên ngành kiểm soát viên chất lượng.

Do việc kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa vô cùng phức tạp và liên quan đến trách nhiệm bản thân kiểm soát viên chất lượng nên thực tế cho thấy có rất ít kiểm soát viên thực hiện độc lập việc kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Kiểm soát viên chất lượng hoạt động hiệu quả khi ở đơn vị độc lập như Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng. Tuy nhiên, hiện nay nhiều tỉnh, thành phố đã không còn tồn tại Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng.

 Ảnh minh hoạ

Mục tiêu giải quyết vấn đề

Để hình thành lực lượng kiểm soát viên chất lượng chính quy, chuyên nghiệp, nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, ngoài các nhiệm vụ, quyền hạn được quy định tại Điều 51 của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa, đề nghị bổ sung thêm vị trí, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức cho lực lượng kiểm soát viên chất lượng, đặc biệt là chế độ, chính sách cho lực lượng này và thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính.

Giải pháp giải quyết vấn đề

Có hai phương án giải quyết các bất cập nêu trên. Theo đó, phương án 1 là giữ nguyên quy định như hiện nay. Phương án 2 là chỉnh sửa, bổ sung quy định tại Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

Bộ KH&CN cho biết, nếu triển khai theo phương án 1, về mặt tích cực, đối với Nhà nước: không tốn kém thời gian, chi phí sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật và nguồn lực để bổ sung chế độ, chính sách của lực lượng kiểm soát viên chất lượng. Chính sách không ảnh hưởng đến cơ hội, điều kiện và thụ hưởng các quyền, lợi ích của mỗi giới do chính sách được áp dụng chung, không mang tính phân biệt, không làm phát sinh thủ tục hành chính mới do vẫn giữ các quy định hiện hành, không có tác động đối với hệ thống pháp luật do quy định không thay đổi. Tuy nhiên, giải pháp này chưa phù hợp hoàn toàn với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của nước ta hiện nay.

Về mặt tiêu cực, đối với Nhà nước, chưa thống nhất được về đội ngũ trong công tác kiểm soát chất lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường, dẫn đến quyền hạn và nghĩa vụ không được thực hiện một cách đầy đủ; chưa đẩy mạnh được lực lượng kiểm soát viên chất lượng do các ngành có quy định riêng đối với công chức thực hiện công tác kiểm tra, thanh tra nên chưa quan tâm đến việc bổ nhiệm kiểm soát viên chất lượng, đồng thời chưa có chế độ đặc thù đối với đội ngũ kiểm soát viên chất lượng và trong quá trình thực thi công vụ còn bị hạn chế về quyền hạn nhằm thực hiện có hiệu quả, kịp thời như không có quyền xử lý vi phạm hành chính, ngoài ra kinh phí để đào tạo, cấp chứng chỉ để đủ điều kiện chuyển ngạch kiểm soát viên chất lượng còn hạn chế.

Đối với tổ chức, cá nhân, do lực lượng kiểm soát viên còn mỏng, chưa có quyền xử lý vi phạm hành chính nên dẫn đến hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra còn hạn chế, chưa đủ sức nặng để răn đe, chấn chỉnh các tổ chức, doanh nghiệp vi phạm về chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

Nếu triển khai theo phương án 2, về mặt tích cực, đối với Nhà nước, thống nhất được về đội ngũ trong công tác kiểm soát chất lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường, do đó quyền hạn và nghĩa vụ được thực hiện một cách đầy đủ; đẩy mạnh được lực lượng kiểm soát viên chất lượng do thống nhất được đối với công chức thực hiện công tác kiểm tra, thanh tra của các Bộ, ngành, đồng thời có chế độ đặc thù đối với đội ngũ kiểm soát viên chất lượng và được bổ sung quyền xử lý vi phạm hành chính, ngoài ra kinh phí để đào tạo, cấp chứng chỉ để đủ điều kiện chuyển ngạch kiểm soát viên chất lượng được bố trí đầy đủ.

Đối với tổ chức, cá nhân, lực lượng kiểm soát viên chất lượng được tăng cường và có quyền xử lý vi phạm hành chính nên hiệu lực, hiệu quả của công tác kiểm tra được nâng cao, đủ sức răn đe, chấn chỉnh các tổ chức, doanh nghiệp vi phạm về chất lượng sản phẩm, hàng hóa, góp phần nâng cao trách nhiệm của tổ chức, doanh nghiệp đối với chất lượng sản phẩm, hàng hóa của mình sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh.

Chính sách không ảnh hưởng đến cơ hội, điều kiện và thụ hưởng các quyền, lợi ích của mỗi giới do chính sách được áp dụng chung, không mang tính phân biệt. Việc áp dụng các quy định không làm phát sinh thủ tục hành chính mới. Chính sách này cũng không có tác động tới bộ máy nhà nước, không cần bổ sung điều kiện thi hành, không tác động tới các quyền cơ bản của công dân, phù hợp với hệ thống pháp luật hiện hành và tình hình phát triển kinh tế - xã hội của nước ta hiện nay. Đồng thời, phù hợp với nghĩa vụ của các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Về mặt tiêu cực, đối với Nhà nước sẽ gây tốn kém thời gian, chi phí sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật và nguồn lực để bổ sung chế độ, chính sách của lực lượng kiểm soát viên chất lượng.

Từ những phân tích nêu trên, Bộ KH&CN kiến nghị lựa chọn phương án 2 là phương án đem lại nhiều tác động tích cực, đáp ứng yêu cầu đòi hỏi của thực tiễn quản lý, phù hợp với thông lệ quốc tế, góp phần hình thành lực lượng kiểm soát viên chất lượng chính quy, chuyên nghiệp, nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra.

 

Nguồn: vietq.vn

Số lượt đọc: 1688

Về trang trước Về đầu trang