Tin KHCN trong nước
Đổi mới sáng tạo - động lực chính tạo bứt phá về năng suất, chất lượng (20/05/2023)
-   +   A-   A+   In  
Theo Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Giang, giai đoạn phát triển 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045, Đảng và Nhà nước đặt nhiều kỳ vọng vào vai trò nền tảng của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, xem đây là "đột phá chiến lược", "động lực chính" để tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Tạo điều kiện cho nhà khoa học phát huy năng lực sáng tạo

Theo Thứ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Hoàng Giang, thời gian qua, nền KH&CN và đổi mới sáng tạo nước nhà đã đạt được nhiều tiến bộ. Việt Nam tiếp tục duy trì thứ hạng cao trong bảng xếp hạng Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII), thuộc nhóm quốc gia đạt được những tiến bộ lớn nhất trong thập kỷ qua.

Ngoài ra, cũng theo đánh giá của Tổ chức Năng suất châu Á (APO), trong giai đoạn 10 năm trở lại đây, nền kinh tế châu Á tăng trưởng ổn định với tốc độ tăng của năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP) vào khoảng 1%/năm. Trong đó, Việt Nam được ghi nhận là một trong những nước có tốc độ tăng TFP dương và thuộc nhóm các nước tăng TFP cao nhất với bình quân 1,4%/năm. Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) năm 2022 do Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) Việt Nam xếp vị trí 48/132 quốc gia, nền kinh tế.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Giang, giai đoạn phát triển 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045, Đảng và Nhà nước đặt nhiều kỳ vọng vào vai trò nền tảng của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, xem đây là "đột phá chiến lược", "động lực chính" để tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Việt Nam phấn đấu đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, đến 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Định hướng và kỳ vọng đó đặt lực lượng KH&CN trước những cơ hội và thách thức phải đổi mới, để không tụt hậu, phát triển nhanh hơn, thực chất và bền vững hơn. Qua đó, đóng góp hiệu quả hơn cho các mục tiêu phát triển quốc gia trong trung, dài hạn.

Thứ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Hoàng Giang.

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Giang cho biết, thời gian qua, Bộ KH&CN đã triển khai nhiều chương trình, xây dựng, sửa đổi các chính sách nhằm tạo điều kiện thuận lợi để các nhà khoa học phát huy năng lực sáng tạo. Đồng thời, kích cầu công nghệ từ khu vực doanh nghiệp, cũng như tăng cường năng lực hấp thụ công nghệ của doanh nghiệp thông qua tiếp tục khuyến khích doanh nghiệp đầu tư lập quỹ phát triển khoa học công nghệ, thành lập cơ sở R&D, doanh nghiệp khoa học công nghệ và khởi nghiệp sáng tạo.

Hiện, Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ quốc gia (NAFOSTED) có nhiều thay đổi, tạo thuận lợi hơn để các nhà khoa học trẻ có cơ hội làm chủ nhiệm đề tài, tham gia các hội nghị hội thảo quốc tế. "Tôi hy vọng những nỗ lực đó sẽ được chuyển hóa trong thực tế, Việt Nam sẽ có nhiều nhà khoa học trẻ thành công", Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Giang cho hay.

Các nhà khoa học cần đưa ra sáng kiến thực tế

TS. Lương Quang Huy, Trưởng Phòng Giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ôzôn, Cục Biến đổi khí hậu (Bộ TN&MT) đã nhấn mạnh vai trò, trách nhiệm của các nhà khoa học và doanh nghiệp Việt Nam trước các mục tiêu phát triển bền vững hiện nay.

Ông Lương Quang Huy cho biết, nhiều mô hình thích ứng với biến đổi khí hậu của các nhà khoa học trẻ đang được áp dụng hiệu quả trên thế giới; đồng thời chỉ ra các thách thức về KH&CN tại Việt Nam hiện nay như toàn cầu hóa khiến thị trường sản phẩm KH&CN Việt Nam bị cạnh tranh gay gắt, công nghệ trong nước còn chậm, khung pháp lý, thể chế, hệ thống chính sách vẫn còn nhiều bất cập...

Tuy nhiên, tiến trình hội nhập quốc tế cũng tạo ra các áp lực buộc phải chuyển đổi số, một số thị trường mới đang hình thành như thị trường carbon, thị trường các sản phẩm thân thiện môi trường... Do đó, các khoa học trẻ nên tiếp cận xu thế thế giới. Các nhà khoa học cần đưa ra các sáng kiến thực tế, gắn với lợi ích của cộng đồng và kinh tế, mang tính ứng dụng cao.

Còn theo ông Vũ Chí Công, Giám đốc ESG (Environmental – Social – Governance), Quỹ đầu tư VinaCapital, trước đây, các quỹ đầu tư lựa chọn doanh nghiệp chỉ nhìn vào các yếu tố như lợi nhuận doanh nghiệp, dòng tiền... nhưng hiện nay, các quỹ đầu tư đánh giá thêm tiêu chí ESG, xem hoạt động của doanh nghiệp có thể gây ra những rủi ro với môi trường như thế nào, doanh nghiệp chú trọng phát triển bền vững ra sao.

"Điều này phù hợp với xu hướng phát triển của thế giới. Dòng vốn FDI từ các quốc gia phát triển đến quốc gia đang phát triển vận hành theo xu hướng này", ông Vũ Chí Công cho hay.

Nói về giải pháp giúp phát triển bền vững, ở góc độ nhà khoa học, TS. Ngô Thị Thuý Hường, Giảng viên Khoa Công nghệ sinh học, Hóa học và Kỹ thuật môi trường, Trưởng nhóm Nghiên cứu hoá môi trường và độc học sinh thái, Trường Đại học Phenikaa cho rằng nếu doanh nghiệp cam kết sản xuất và làm theo 17 mục tiêu phát triển bền vững thì doanh nghiệp sẽ được lợi nhiều nhất. Bởi khi sản phẩm của doanh nghiệp được gắn mác bền vững thì sẽ được người dân đón nhận, từ đó giúp doanh nghiệp tiêu thụ được nhiều.

Theo TS. Ngô Thị Thúy Hường, doanh nghiệp cần đồng hành với đội ngũ các nhà khoa học, đảm bảo cho sản phẩm đạt mục tiêu bền vững. Khi thực hiện dự án, các nhà khoa học cần tìm hiểu nhu cầu của xã hội, nhu cầu của doanh nghiệp chứ không chỉ chờ doanh nghiệp đưa ra bài toán cho mình để tư vấn và gợi ý.

Chia sẻ với các bạn trẻ có ước mơ trở thành nhà khoa học, TS. Ngô Thị Thuý Hường cũng cho rằng đam mê là điều cần thiết nhất đối với các bạn trẻ, sẽ giúp các bạn tìm được đích đến. Bên cạnh đó, các bạn sinh viên có mong muốn trở thành nhà khoa học cũng cần một người thầy để giữ lửa đam mê.

 

Nguồn: vietQ.vn

Số lượt đọc: 4929

Về trang trước Về đầu trang