Tin KHCN trong tỉnh
Kinh tế tuần hoàn giải pháp tương lai cho Côn Đảo (08/05/2023)
-   +   A-   A+   In  
Kinh tế tuần hoàn (KTTH) được xem là một trong những giải pháp chiến lược nhằm tạo bước đột phá  giúp Côn Đảo phát triển kinh tế xã hội bền vững, nâng cao đời sống người dân. Báo Bà Rịa - Vũng Tàu đã có cuộc trò chuyện cùng ông Phạm Quang Nhật, Giám đốc Sở KH-CN về vấn đề này.

Ông Phạm Quang Nhật, Giám đốc Sở KHCN (thứ hai từ trái qua) tham quan gian hàng của các đơn vị tại Lễ phát động đề án  “Nghiên cứu và ứng dụng mô hình KTTH phục vụ phát triển kinh tế - xã hội bền vững huyện Côn Đảo giai đoạn 2022-2026, định hướng đến 2030” tổ chức ngày 29/4.
Ông Phạm Quang Nhật, Giám đốc Sở KHCN (thứ hai từ trái qua) tham quan gian hàng của các đơn vị tại Lễ phát động đề án “Nghiên cứu và ứng dụng mô hình KTTH phục vụ phát triển kinh tế - xã hội bền vững huyện Côn Đảo giai đoạn 2022-2026, định hướng đến 2030” tổ chức ngày 29/4.

* Phóng viên: Thưa ông, những thách thức nào buộc Côn Đảo phải áp dụng mô hình KTTT nhằm tạo sự đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội? 

- Ông Phạm Quang Nhật: Ô nhiễm môi trường là một trong những thách thức lớn của huyện Côn Đảo trong thời gian gần đây, đặc biệt vấn đề xử lý rác thải. Theo một nghiên cứu chi tiết của tổ chức WWF vào năm 2020 thì trung bình hàng ngày lượng rác phát sinh từ sinh hoạt tại Côn Đảo là hơn 10 tấn, trong đó lượng rác nhựa chiếm gần 2 tấn.

Ngoài ra, Côn Đảo đang đối mặt với những khó khăn, thách thức khác trong phát triển kinh tế - xã hội. Đó là tình trạng thiếu điện, nước sinh hoạt trong mùa cao điểm du lịch. Côn Đảo đang phụ thuộc vào lượng nước được tích tụ chủ yếu vào mùa mưa ở các hồ chứa hiện nay. Lượng du khách đến đảo gia tăng nhanh, kéo theo sự gia tăng về nhu cầu sử dụng nước.

Bên cạnh đó, hệ sinh thái quanh đảo đang có nguy cơ bị suy thoái. Các tác động của hoạt động kinh tế và biến đổi khí hậu đã ảnh hưởng các hệ sinh thái và đa dạng sinh học trên đảo. Hiện trạng thiếu đất cho canh tác và sản xuất, các nguồn vật liệu, nguyên liệu đầu vào phải nhập khẩu nên chi phí cao, thiếu lực lượng lao động có trình độ chuyên môn cũng gây khó khăn trong phát triển ngành nông nghiệp và công nghiệp tại địa phương.

* Vì sao chọn KTTH là giải pháp cho huyện Côn Đảo, thưa ông?

Du khách tham quan Côn Đảo bằng xe buýt điện.
Du khách tham quan Côn Đảo bằng xe buýt điện.

- KTTH đang được xem là giải pháp tối ưu để phát huy các thế mạnh cũng như giải quyết các thách thức của Côn Đảo, đặt trọng tâm vào mối quan hệ hài hòa giữa môi trường sinh thái, công bằng xã hội và phát triển kinh tế. Việc nghiên cứu ứng dụng mô hình KTTH nhằm tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế xã hội của địa phương là yêu cầu mang tính cấp thiết và cũng là xu hướng tất yếu hiện nay trên thế giới, được Đảng và Nhà nước quan tâm, thúc đẩy triển khai.

Chính vì thế, trong tháng 4 và 5 năm 2021, Tỉnh ủy và UBND tỉnh đã ban hành Thông báo triển khai dự án nhà máy nước sinh hoạt và phát triển mô hình KTTH trên địa bàn huyện Côn Đảo. Trên cơ sở đó, Sở KH-CN được UBND tỉnh giao nhiệm vụ xây dựng đề án Nghiên cứu và ứng dụng mô hình KTTH phục vụ phát triển kinh tế - xã hội bền vững huyện Côn Đảo giai đoạn 2021-2026, định hướng đến 2030. Ngày 16/03/2023, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 495/QĐ-UBND phê duyệt đề án trên. 

*  Đề án KTTH phục vụ phát triển KT-XH bền vững huyện Côn Đảo giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030 có điểm gì nổi bật?

Việc nghiên cứu ứng dụng mô hình KTTH nhằm tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế xã hội huyện Côn Đảo. Trong ảnh: Đón khách tại Cảng Bến Đầm Côn Đảo.
Việc nghiên cứu ứng dụng mô hình KTTH nhằm tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế xã hội huyện Côn Đảo. Trong ảnh: Đón khách tại Cảng Bến Đầm Côn Đảo.

- Đề án đã đặt ra 3 mục tiêu tổng quát bao gồm giải quyết các tồn tại và thách thức về vấn đề môi trường, năng lượng tại Côn Đảo; nâng cao năng lực cạnh tranh cụm ngành kinh tế chủ lực, thúc đẩy phát triển du lịch chất lượng cao, thu hút đa dạng nguồn du khách và tái tạo nguồn vốn tự nhiên - con người và xã hội dựa trên cách tiếp cận theo mô hình kinh tế tuần hoàn. Bên cạnh đó, đề án cũng xác định các chỉ số đánh giá theo một số tiêu chí KTTH và các chỉ tiêu cụ thể trong các lĩnh vực về môi trường, kinh tế, xã hội, văn hóa lịch sử qua 2 giai đoạn 2023-2025 và 2026-2030.

Việc thực hiện đề án sẽ tạo ra nhiều chuyển biến tích cực trong việc phục vụ thúc đẩy tăng trưởng bền vững của huyện đảo, một mặt có thể đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Mặt khác giữ gìn vệ sinh môi trường, hạn chế các vấn đề ô nhiễm môi trường, phát huy các giá trị văn hóa, sinh thái, chủ động ứng phó với những thay đổi môi trường để đáp ứng các yêu cầu, chủ trương phát triển bền vững, tăng trưởng xanh mà Đảng và Nhà nước đề ra, trở thành huyện đảo tiên phong và hình mẫu điển hình trong áp dụng KTTH trong tỉnh và cả nước.

*  Các giải pháp nào sẽ được triển khai để đạt được thành quả mong muốn?

Rừng ngập mặn Hòn Bảy Cạnh, Côn Đảo.
Rừng ngập mặn Hòn Bảy Cạnh, Côn Đảo.

- Thứ nhất, giáo dục nhận thức về KTTH với mục tiêu nhằm góp phần nâng cao nhận thức của địa phương về các nguyên tắc KTTH và bảo tồn thiên nhiên. Chiến lược trên được triển khai thực hiện thông qua các giải pháp tuyên truyền, lồng ghép vào chương trình giáo dục, truyền thông của địa phương.

Thứ hai, giảm thiểu rác thải, không rác thải nhựa với mục tiêu thay đổi nhận thức và hành vi của cộng đồng, cải tiến hệ thống thu gom chất thải, chấm dứt sử dụng túi ni lông truyền thống vào năm 2024 và giảm sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần khác, tăng tỷ lệ tái chế chất thải rắn sinh hoạt.

Thứ ba, tuần hoàn nước với mục tiêu cung cấp bổ sung nước sạch từ hệ thống cấp nước liên kết hiện hữu, tăng tỷ lệ thu gom, xử lý và tái sử dụng nước thải và xây dựng lộ trình chấm dứt tình trạng các cơ sở kinh doanh xả thải trực tiếp ra môi trường năm 2025.

Thứ tư, phát triển giao thông xanh và sử dụng hiệu quả năng lượng nhằm tăng tỷ lệ sử dụng năng lượng tái tạo và phát triển xe gắn động cơ dùng năng lượng/nhiên liệu xanh phục vụ giao thông, sử dụng hiệu quả năng lượng. Phấn đấu đạt 80% xe vận tải hành khách thay thế, đầu tư mới sử dụng điện, năng lượng xanh giai đoạn 2022-2025 và 100% giai đoạn 2026-2030. Tỷ lệ phương tiện sử dụng điện, năng lượng xanh đạt tối thiểu 10% giai đoạn 2022-2025 và 30% giai đoạn 2026-2030.

Thứ năm, bảo tồn đa dạng sinh học với mục tiêu nhằm bảo vệ và phục hồi các hệ sinh thái rừng, đất ngập nước và hệ sinh thái biển (san hô và cỏ biển) bị ảnh hưởng do các thiên tai và tác động của con người, tăng khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu. Đồng thời tăng cường quản lý tài nguyên và xây dựng các chương trình đồng quản lý hoặc quản lý các hệ sinh thái rừng và biển dựa vào cộng đồng tại Vườn Quốc gia Côn Đảo, giúp cải thiện sinh kế người dân và góp phần tái tạo các loài sinh vật quý hiếm và đang bị đe doạ. Chuyển đổi số trong quản lý đa dạng sinh học và phân bố các hệ sinh thái rừng và biển trong khu vực bảo tồn.

Cuối cùng, du lịch bền vững gắn với áp dụng KTTH với mục tiêu phát triển các hoạt động du lịch theo hướng bền vững, ứng dụng mô hình KTTH. Cụ thể là xây dựng các điểm đến bền vững dựa trên các tiêu chí về KTTH, phát triển nguồn cung lương thực thực phẩm tại chỗ bằng các giải pháp nông nghiệp tuần hoàn và nguồn tài chính xanh hỗ trợ du lịch bền vững.

Việc thực hiện các chiến lược được cụ thể hóa qua các nhiệm vụ được phân công cho các cơ quan đơn vị có liên quan chủ trì và phối hợp triển khai thực hiện trong 2 giai đoạn 2022-2025 và 2026-2030.

* Xin cảm ơn ông!

Nguồn: baobariavungtau.com.vn

Số lượt đọc: 2273

Về trang trước Về đầu trang