Bộ TT&TT đã tổng hợp và cung cấp thông tin công khai cho các bộ, ngành, địa phương danh mục các nền tảng số phục vụ phát triển Chính phủ số, chính quyền số như điện toán đám mây; tích hợp, chia sẻ dữ liệu (LGSP); trung tâm giám sát điều hành an toàn thông tin mạng (SOC); hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính; trợ lý ảo; bản đồ số; họp trực tuyến thế hệ mới... cùng danh sách các doanh nghiệp công nghệ có cung cấp giải pháp. Hay về xã hội số, danh sách các nền tảng được Bộ TT&TT chọn giới thiệu trên trang congdanso.mic.gov.vn gồm có VTVgo, Voso.vn, Postmart.vn, Be, Zalo, VOVBacsi24, Cốc Cốc, Map4D, Agribank E-mobile Banking, BIDV iBank...
Việc phát triển các nền tảng số được coi là giải pháp đột phá để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số tại Việt Nam. Để hình thành nên một hệ sinh thái nền tảng số Việt Nam đáp ứng cơ bản yêu cầu chuyển đổi số, được sử dụng sâu rộng để tạo hạ tầng mềm phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số quốc gia và trong từng ngành, lĩnh vực, địa bàn, từ tháng 2/2022, Bộ TT&TT đã ban hành Chương trình thúc đẩy phát triển và sử dụng các nền tảng số quốc gia phục vụ chuyển đổi số, phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số.
Bộ TT&TT công bố lần thứ nhất danh mục 35 nền tảng quốc gia phục vụ chuyển đổi số, Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số. Trong đó, có 20 nền tảng do cơ quan nhà nước chủ quản, doanh nghiệp Việt Nam phát triển, làm chủ công nghệ lõi, sử dụng thống nhất trên toàn quốc, phục vụ hoạt động quản lý nhà nước hoặc cung cấp dịch vụ công phục vụ xã hội; và 15 nền tảng số quốc gia do doanh nghiệp làm chủ quản, làm chủ công nghệ lõi, cung cấp dịch vụ phục vụ nhu cầu của cơ quan, doanh nghiệp và xã hội. Ngay sau đó, Chiến lược phát triển kinh tế số và xã hội số được phê duyệt cuối tháng 3/2022, đã nêu tên 54 nền tảng số cụ thể, trong đó có 35 nền tảng ưu tiên triển khai trước trong năm nay.
Giao diện Cổng thông tin chuyển đổi số quốc gia.
Bộ TT&TT cũng nêu rõ, nền tảng số là "hạ tầng mềm" của không gian số, giải quyết các bài toán cụ thể của chuyển đổi số, tạo lập và lưu trữ dữ liệu người dùng; càng có nhiều người sử dụng thì dữ liệu càng nhiều, chi phí càng rẻ, giá trị tạo ra càng lớn. Điểm đột phá là nắm bắt cơ hội phát triển và phổ cập thật nhanh các nền tảng số quốc gia phục vụ nhu cầu riêng, đặc thù của người Việt Nam, trên cơ sở phân loại và thấu hiểu nhu cầu sử dụng của từng ngành, nghề, lĩnh vực.
Để hỗ trợ các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân trong hành trình chuyển đổi số, Bộ TT&TT đã thiết lập và đưa vào hoạt động Cổng chuyển đổi số quốc gia tại địa chỉ dx.gov.vn kể từ tháng 10/2022. Tại Cổng thông tin này, cơ quan nhà nước có thể tìm thấy thông tin hữu ích dành cho mình tại chuyên trang về Chính phủ số tech.mic.gov. Chuyên trang giới thiệu về công nghệ mở, các nền tảng phục vụ phát triển chính phủ số do Bộ TT&TT đánh giá và công bố, những câu chuyện, mô hình hay về phát triển Chính phủ số.
Các doanh nghiệp có thể tìm thấy thông tin hữu ích dành cho mình ở chuyên trang SMEdx - Chuyên trang giới thiệu về các nền tảng phục vụ chuyển đổi số doanh nghiệp nhỏ và vừa do Bộ TT&TT đánh giá và công bố, cũng như những câu chuyện, mô hình hay về chuyển đổi số doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Người dân có thể tìm thấy thông tin hữu ích dành cho mình tại chuyên trang về xã hội số (congdanso.mic.gov.vn). Chuyên trang giới thiệu các nền tảng phục vụ nhu cầu hàng ngày của người dân do Bộ TT&TT đánh giá và công bố, cùng những câu chuyện, hướng dẫn kỹ năng sử dụng sản phẩm, dịch vụ số cho mọi người. Bộ TT&TT cũng cho biết, thời gian tới Bộ sẽ định kỳ cập nhật và công bố các nền tảng số quốc gia trên Cổng thông tin chuyển đổi số quốc gia.