Chuyển đổi số
35 nền tảng chuyển đổi số quốc gia vừa được công bố có gì đặc biệt? (13/12/2021)
-   +   A-   A+   In  
Bộ Thông tin và Truyền thông vừa công bố 35 nền tảng chuyển đổi số quốc gia giao cho các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam chủ trì, nghiên cứu, phát triển và triển khai.

Bộ thông tin và Truyền thông vừa công bố 35 nền tảng chuyển đổi số quốc gia giao cho các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam chủ trì, nghiên cứu, phát triển và triển khai, được chia thành 6 nhóm, từ hạ tầng số, chính phủ số, công nghệ số cốt lõi, cho đến các nền tảng phục vụ các lĩnh vực...

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng cho biết, nền tảng số là hệ thống thông tin trực tuyến hoạt động theo mô hình sử dụng công nghệ số để tạo môi trường mạng cho phép nhiều bên cùng tham gia để cung cấp dịch vụ cho các tổ chức, cá nhân, có thể sử dụng ngay, đơn giản, thuận tiện, linh hoạt theo yêu cầu, dễ dàng phổ biến trên diện rộng, các bên tham gia không cần tự đầu tư, quản lý, vận hành, duy trì.

Bộ Thông tin và Truyền thông đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số, trong đó giải pháp đột phá là phát triển các nền tảng số quốc gia Việt nam.

Tại Phiên họp lần thứ nhất của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, Thủ tướng Chính phủ - Chủ tịch Ủy ban đã giao Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, các bộ, ngành phối hợp, có chương trình hành động thúc đẩy phát triển và sử dụng nền tảng số quốc gia, trong đó giao nhiệm vụ cụ thể cho các doanh nghiệp công nghệ số chủ chốt của Việt Nam nghiên cứu, phát triển, làm chủ công nghệ lõi để phát triển nền tảng số quốc gia

Tại Diễn đàn doanh nghiệp công nghệ số lần thứ ba năm 2021, các doanh nghiệp công nghệ số sẽ nhận trách nhiệm phát triển các nền tảng chuyển đổi số quốc gia. 35 nền tảng số được chia thành 6 nhóm.

Ảnh minh hoạ

Nhóm thứ nhất là nền tảng hạ tầng số gồm: Nền tảng điện toán đám mây doanh nghiệp; Nền tảng điện toán đám mây Chính phủ; Nền tảng địa chỉ số; Nền tảng bản đồ số. Nhóm thứ hai là nền tảng công nghệ số cốt lõi gồm: Nền tảng trí tuệ nhân tạo; Nền tảng thiết bị IoT; Nền tảng giám sát, điều hành an toàn, an ninh mạng; Nền tảng trợ lý ảo; Nền tảng trung tâm giám sát, điều hành thông minh.

Nhóm thứ ba là các nền tảng chính phủ số: Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu; Nền tảng tổng hợp, phân tích dữ liệu; Nền tảng định danh người dân; Nền tảng khảo sát, thu thập ý kiến người dân

Nhóm thứ tư là các nền tảng chuyển đổi số cho lĩnh vực y tế - giáo dục - văn hóa - xã hội: Nền tảng họp trực tuyến thế hệ mới phục vụ Chính phủ; Nền tảng họp trực tuyến thế hệ mới phục vụ cộng đồng; Nền tảng dạy học trực tuyến; Nền tảng học trực tuyến mở; Nền tảng Đại học số; Nền tảng hỗ trợ tư vấn khám chữa bệnh từ xa; Nền tảng quản lý tiêm chủng; Nền tảng hồ sơ sức khoẻ điện tử; Nền tảng quản lý trạm y tế; Nền tảng phát thanh số (trực tuyến); Nền tảng truyền hình số; Nền tảng bảo tàng số; Nền tảng quản trị và kinh doanh du lịch; Nền tảng mạng xã hội thế hệ mới.

Nhóm thứ năm là nền tảng liên quan đến tài chính - ngân hàng - kinh doanh: Nền tảng hóa đơn điện tử; Nền tảng quản trị tổng thể; Nền tảng kế toán dịch vụ. 

Nhóm thứ sáu là nền tảng nông nghiệp - giao thông - kho vận - công thương: Nền tảng dữ liệu số nông nghiệp; Nền tảng truy xuất nguồn gốc nông sản; Nền tảng sàn thương mại điện tử; Nền tảng tối ưu hóa chuỗi cung ứng; Nền tảng quản trị và kinh doanh vận tải.

Trong số 35 nền tảng có những nền tảng số đã cung cấp dịch vụ nhưng chưa chiếm được thị phần đáng kể, có những nền tảng số đang nghiên cứu, phát triển, chuẩn bị triển khai. Tuy nhiên, mốc thời gian chung để công bố, phổ biến sử dụng nền tảng số quốc gia là tháng 6/2022.

Trong tháng 12/2021, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ ban hành Chương trình hành động thúc đẩy phát triển và sử dụng nền tảng số quốc gia, có mục tiêu, chỉ số đánh giá đo lường theo từng tháng, có kế hoạch ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ thúc đẩy cụ thể. Bộ sẽ tiếp tục định kỳ cập nhật, bổ sung, điều chỉnh danh sách nền tảng số quốc gia và tiếp tục công bố trong thời gian tới.

Liên quan tới vấn đề trên, trong giai đoạn 4 năm (từ 2021 đến 2025), Chính phủ đã xác định quan điểm kinh tế số, chuyển đổi số là khâu đột phá nhằm cơ cấu lại nền kinh tế. Mô hình tăng trưởng theo hướng tăng năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh và hiệu quả sử dụng nguồn lực; từng bước hướng tới nền kinh tế dựa vào khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo. Đây không chỉ là động lực tăng trưởng mới mà còn thể hiện ý chí khát vọng phát triển đất nước.

Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025 cũng đặt ra mục tiêu kinh tế số chiếm 20% GDP, tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành đạt tối thiểu 10% và 100% doanh nghiệp được nâng cao nhận thức về chuyển đổi số.

Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam ông Phạm Tấn Công nhấn mạnh, chuyển đổi số giúp doanh nghiệp có sức đề kháng tốt hơn trước dịch bệnh. Các doanh nghiệp cũng cần tính đến tái cấu trúc lại lao động. Bên cạnh đó, chuyển đổi số sẽ thay đổi hàng loạt các phương thức truyền thống, từ tiếp cận trực tiếp sang môi trường trực tuyến một cách công khai, tiết giảm chí phí; tạo hệ sinh thái xuyên suốt giữa nhà nước, người dân và doanh nghiệp, giúp nền kinh tế năng động.

Chủ tịch, Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel Lê Đăng Dũng cho hay, ví dụ như Mobile Money cho thanh toán số hiện chỉ thí điểm thôi nhưng mất đến 3 năm chưa cấp phép được. Tương tự, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Trần Thị Hồng Minh chia sẻ, mọi người phải xây dựng càng nhanh càng tốt cơ sở pháp lý dưới dạng luật và nghị định. Bộ Kế hoạch và Đầu tư và cơ quan liên quan cũng nghiên cứu thử nghiệm chính sách để chúng ta thực hiện các nội dung về chuyển đổi số có hiệu quả nhất.

Thực tế cho thấy, dịch bệnh đã thúc đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số. Hàng loạt các hoạt động điều hành, giao dịch kinh tế đã thích ứng với chuyển đổi số. Các bộ ngành cũng tích hợp dữ liệu ngành vào dữ liệu chung quốc gia và đây là những yếu tố thuận lợi cho công cuộc chuyển đổi số tại Việt Nam.

Nguồn: vietQ.vn

Số lượt đọc: 1075

Về trang trước Về đầu trang