Cũng theo ông Hải, nhiều doanh nghiệp đã nhận thức được điều này và đang có sự thay đổi mạnh mẽ, nhưng vẫn còn nhiều doanh nghiệp chưa bắt đầu hành trình chuyển đổi số của mình, đặc biệt là những doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Hiện nay, về thuận lợi, đã có sự quyết tâm, chủ động của Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương sẵn sàng tạo điều kiện cho doanh nghiệp trên hành trình chuyển đổi số. Tuy nhiên, cần đầu tư cho nguồn lực phục vụ chuyển đổi số hay cung cấp nền tảng huy động vốn, hệ sinh thái đầy đủ mới có thể hi vọng các doanh nghiệp bước vững chắc trong xu thế mới toàn cầu.
"Điều quan trọng là cần đầu tư cho nền tảng kỹ thuật số dựa trên 3 cấu phần, gồm: Hạ tầng cơ sở kỹ thuật số; cơ chế, quy trình để vận hành các cơ sở đó; mô hình kinh doanh dựa trên nền tảng kỹ thuật số, thương mại điện tử. Ngoài ra, doanh nghiệp cần nắm bắt được quy mô, hạ tầng cơ sở của chính mình, mô hình kinh doanh để có thể định vị, từ đó đưa ra chiến lược đầu tư và chuyển đổi", ông Lê Trí Hải nói.
Chuyển đổi số là vấn đề cấp thiết giúp doanh nghiệp thay đổi mô hình kinh doanh, nhằm tăng tính cạnh tranh, thúc đẩy phát triển. Ảnh minh hoạ
Để chuyển đổi số, việc phân bổ nguồn lực đang là thách thức lớn với doanh nghiệp và cũng mang tính quyết định cho việc có hay không chuyển đổi số ở doanh nghiệp. Việc sử dụng nguồn vốn với tỷ lệ bao nhiêu được coi là hợp lý, kế hoạch và công nghệ ra sao... Đây là bài toán khó với doanh nghiệp lần đầu tiên bước vào quá trình chuyển đổi số.
Nhiều ý kiến cho rằng, chuyển đổi số đang hiện hữu và bắt đầu từ ngay từng người dân, trong những hoạt động nhỏ nhất hàng ngày. Đơn cử như, người lái xe máy, ô tô dịch vụ chở khách, chở hàng, đang dùng ứng dụng zalo để tạo những nhóm làm việc nhỏ của mình. Quan trọng là nhà nước, các cơ quan chức năng nhìn nhận vấn đề chuyển đổi số ra sao, để từ đó có được hướng đi phù hợp cho doanh nghiệp, nền kinh tế bứt phá...
Cùng chia sẻ về vấn đề trên, Viện trưởng Viện Chiến lược Chuyển đổi số Lê Nguyễn Trường Giang nhận định, thay vì chịu tác động trực tiếp, thụ động trước thách thức đặt ra, doanh nghiệp thay đổi cách thức vận hành để tạo ra giá trị đột phá, từ đó tăng năng suất. Nhiều doanh nghiệp đang nhầm lẫn việc ứng dụng công nghệ, dữ liệu hiện nay vào hoạt động và coi đó là chuyển đổi số. Thực tế, chuyển đổi số là cách thức sử dụng công nghệ để tạo sự chuyển đổi trong hoạt động doanh nghiệp. Nếu chỉ áp dụng công nghệ, mà kết quả năng suất vẫn thấp, không tạo đột phá thì chưa thể coi là chuyển mình.
Để làm được điều đó, bản thân doanh nghiệp cần nhìn nhận chính mình, định hình lại, với nguồn lực và điều kiện của mình, từ đó lựa chọn cách tiếp cận cả về tài chính, quản lý nhân sự, marketing, mô hình thứ bậc sang mô hình nền tảng...; làm sao tối ưu được nguồn lực, công cụ doanh nghiệp đang có.
"Chúng ta hay nói chuyển đổi số là thách thức với doanh nghiệp nhỏ và vừa bởi yếu tố nhân lực, công nghệ... Nhưng quan trọng là doanh nghiệp đó có biết các ứng dụng, thích ứng với công nghệ họ đang có, lựa chọn công nghệ, ứng dụng một cách hợp lý và hiệu quả", ông Lê Nguyễn Trường Giang cho hay.