Tin KHCN trong nước
Tăng hệ miễn dịch cho tôm bằng chế phẩm từ hạt bơ (18/01/2022)
-   +   A-   A+   In  
Tận dụng nguồn phế phẩm hạt bơ, nhóm tác giả Trường Đại học Sư phạm TPHCM đã tạo ra chế phẩm polyphenol dạng bột, có thể sử dụng làm thức ăn nhằm năng tăng cường hệ miễn dịch cho tôm thẻ chân trắng.

Vi khuẩn Vibrio parahaematolycus được xem là một trong những nguyên nhân chính gây nên hiện tượng bệnh dẫn đến tôm nuôi chết hàng loạt. Những năm gần đây, xu hướng bổ sung các chất giàu polyphenol (chống viêm, chống ô xy hóa tốt) có nguồn gốc tự nhiên nhằm cải thiện tăng trưởng, sức khỏe và phòng chống bệnh cho vật nuôi, thủy sản được chú trọng. Trong đó, các chất chống oxy hóa có nguồn gốc từ thực vật, không chỉ có khả năng ngăn chặn quá trình oxy hóa chất béo, protein trong thức ăn thủy sản, mà còn có thêm nhiều khả năng như kháng khuẩn, tăng cường hệ miễn dịch, kích thích tăng trưởng, tỷ lệ sống ở vật nuôi, thủy sản.
 
Trong hạt bơ có nguồn polyphenol cao, với các nhóm hợp chất đa dạng, nhiều hoạt tính sinh học, có thể sử dụng như các phụ gia thực phẩm, thức ăn chăn nuôi. Tuy nhiên, ở Việt Nam, phụ phẩm hạt bơ còn chưa được tận dụng.
 
Hạt bơ
Hạt bơ chứa hàm lượng polyphenol cao Ảnh: NNC
Trong đề tài “Nghiên cứu điều chế sản phẩm polyphenol từ hạt bơ (Persea americana Mill) nhằm nâng cao hiệu quả nuôi tôm thẻ chân trắng (Litopenaeus Vannamei)”, nhóm tác giả của Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM đã thu thập hạt bơ tại Đắc Nông, đem rửa sạch, sấy khô, sau đó chiết xuất polyphenol. Để điều chế sản phẩm polyphenol dạng bột, ngoài polyphenol được trích lý từ hạt bơ, nhóm phối trộn thêm bột bắp, bột mỳ.
 
Chế phẩm polyphenol từ hạt bơ có những ưu điểm như tổng hàm lượng polyphenol cao (TPC >2.000 mgGAE/100 g DW), có hoạt tính sinh học như ức chế gốc tự do DPPH (IC50 <30 µg/mL), ức chế Vibrio parahaematolycus (MIC, <150 µg/mL), đạt chỉ tiêu kim loại nặng và vi sinh (QCVN 02-31-2:2019/BNNPTNT, theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia thức ăn thủy sản).
 
Thử nghiệm trên các mô hình nuôi tôm trong bể composite, bể kính trong 2 tháng cho thấy, tôm ăn thức ăn phối trộn chế phẩm polyphenol có tỷ lệ sống cao hơn 20% so với tôm đối chứng (sử dụng thức ăn thông thường) và có hiệu quả tương đương với sản phẩm BM, khi tôm nhiễm vi khuẩn Vibrio parahaematolycus.
 
c
Chế phẩm polyphenol từ hạt bơ. Ảnh: NNC
Kết quả phân tích thành phần hóa học của tôm nấu chín cho thấy, không có sự thay đổi lớn ở các thành phần như độ ẩm, protein, lipid, tro và canxi khi tôm nuôi được cho ăn các thức ăn có hoặc không có thành phần polyphenol. Các thuộc tính màu, mùi, vị của tôm trong thí nghiệm này hầu như không có sự khác biệt thống kê giữa các nghiệm thức - TS Phan Thị Anh Đào, Chủ nhiệm đề tài, cho biết. Điều này chứng tỏ, khi bổ sung chế phẩm polyphenol hoặc chế phẩm BM hoặc không bổ sung bất kỳ chế phẩm nào đều không làm biến đổi đến thuộc tính cảm quan cũng như thay đổi cấu trúc cơ thịt tôm.
 
Theo TS Phan Thị Anh Đào, chế phẩm polyphenol từ hạt bơ có thành phần polyphenol tổng cao, chứa nhiều các hoạt chất có hoạt tính sinh học tốt. Vì vậy, nên mở rộng ứng dụng của chế phẩm này như phối trộn trong thức ăn cho gia cầm, gia súc, nghiên cứu các hoạt tính sinh học khác như ung thư. Đồng thời, cần tiếp tục thử nghiệm trên ao, đầm nuôi tôm.
 
Đề tài nghiên cứu của nhóm tác giả đã được Sở KH&CN TPHCM nghiệm thu.

Nguồn: khoahocphattrien.vn

Số lượt đọc: 4525

Về trang trước Về đầu trang