Tin KHCN trong nước
Truyền cảm hứng phát triển đất nước dựa vào KH&CN và đổi mới sáng tạo (25/10/2021)
-   +   A-   A+   In  

Hơn 10 năm gần đây, có thể nói, chưa khi nào truyền thông KH&CN lại được nhấn mạnh trong các văn bản, chính sách phát triển KH&CN và đổi mới sáng tạo (ĐMST) ở nước ta như hiện nay.

Phát triển để thích ứng với bối cảnh mới

KH&CN và ĐMST đã trở thành động lực trực tiếp, là nhân tố quyết định sự tăng trưởng, phát triển của kinh tế-xã hội. Qua 35 năm đổi mới đất nước, KH&CN đã từng bước khẳng định vai trò, động lực quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội và bảo vệ Tổ quốc.

Trong xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, những thay đổi và thành tựu của KH&CN đã tác động đến sự chuyển đổi của toàn bộ hệ thống sản xuất, quản lý và quản trị, tạo ra đột phá rõ rệt trong mọi lĩnh vực của cuộc sống; đồng thời, cũng tác động lớn đến cách giao tiếp, trao đổi và tiếp cận thông tin, tri thức. Trong bối cảnh đó, truyền thông KH&CN có sứ mệnh quan trọng, là một trong những yếu tố quyết định cho sự phát triển của các quốc gia cũng như sự tiến bộ của xã hội.

KH&CN ngày càng khẳng định được vai trò, vị trí là quốc sách hàng đầu

Ở các nước có nền KH&CN phát triển, ngoài việc xây dựng hành lang pháp lý, đầu tư và phát triển các nguồn lực, công tác truyền thông KH&CN rất được chú trọng. Ví dụ, tại Nhật Bản, Trung tâm Truyền thông Khoa học Nhật Bản (SMC) trực thuộc Cơ quan KH&CN Nhật Bản (JST) được thành lập với mục tiêu làm cầu nối giữa các kênh truyền thông khác nhau về khoa học, phát triển mối liên kết giữa cộng đồng khoa học và xã hội, kết nối nhà khoa học với phóng viên báo chí. Hoạt động truyền thông, quảng bá các sản phẩm công nghệ mới, tài trợ cho các khóa truyền thông về khoa học tại một số trường đại học được chú trọng.

Còn với Australia, Chính phủ nước này đã xây dựng những trung tâm truyền thông khoa học để các nhà khoa học giao lưu, trao đổi học thuật, tập huấn về công tác truyền thông, kết nối với giới truyền thông, trong đó cơ quan đầu mối trung ương là Trung tâm KH&CN Quốc gia (Questacon) thuộc Bộ Giáo dục, Khoa học, Sáng chế và Ngành nghề. Các hoạt động truyền thông KH&CN được triển khai phong phú, đa dạng, tập trung hướng đến mục đích chủ yếu của "Sáng kiến khơi dậy Australia" - chiến lược quốc gia về truyền thông KH&CN.

Tại Hàn Quốc, nội dung về nhận thức của công chúng về KH&CN được đưa vào Điều 30 trong Luật khung về KH&CN (Framework Act on Science and Technology) năm 2008. Chính phủ Hàn Quốc đã hỗ trợ xây dựng bảo tàng khoa học, thành lập Quỹ vì sự tiến bộ của khoa học và sáng tạo (KOFAC), đồng thời hỗ trợ các hoạt động thúc đẩy văn hóa KH&CN tại các cơ quan, tổ chức. Hiện nay, Quỹ KOFAC là cơ quan chuyên trách của Chính phủ có chức năng nâng cao nhận thức của công chúng về KH&CN để xây dựng nền tảng văn hóa khoa học lớn nhất của Hàn Quốc. Kinh phí đầu tư của Chính phủ cho các nhiệm vụ của KOFAC lên đến hàng tỷ USD.

Đặt truyền thông KH&CN vào đúng vị trí

Trong thập kỷ vừa qua, Việt Nam đã nỗ lực nâng cao năng lực nghiên cứu, phát triển và cơ sở hạ tầng KH&CN, đồng thời tăng cường hiểu biết, nâng cao nhận thức và sự quan tâm của công chúng đối với KH&CN và ĐMST.

Lãnh đạo Bộ KH&CN qua các thời kỳ đã sớm có chủ trương phát triển hoạt động truyền thông KH&CN, trong đó có việc thành lập Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN (STC) vào năm 2008. Đây được coi là điểm mốc quan trọng đánh dấu bước phát triển của hoạt động truyền thông KH&CN ở Việt Nam.

Lực lượng các nhà báo, phóng viên đã đóng góp lớn trong việc chuyển tải thông tin, tri thức KH&CN đến với công chúng

Công tác truyền thông KH&CN và ĐMST đã có những bước chuyển biến lớn, ngày càng khẳng định được vai trò quan trọng góp phần giới thiệu những thành tựu nổi bật của KH&CN trong nước và thế giới; tham mưu, tư vấn, phản biện cho các chủ trương, chính sách góp phần bảo đảm sự phát triển bền vững của đất nước; tuyên truyền chủ trương, đường lối, chính sách, các quy định của pháp luật về KH&CN đến với nhân dân, phổ biến tri thức, nâng cao nhận thức của xã hội về vai trò, vị trí của KH&CN trong phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng; cầu nối kết nối giữa cung-cầu công nghệ; góp phần đẩy mạnh ứng dụng KH&CN vào sản xuất và đời sống. Đặc biệt, đã hướng đến việc mở rộng văn hóa khoa học, đó là cung cấp các kiến thức và cơ hội trải nghiệm khoa học, kĩ thuật tiên tiến; truyền cảm hứng, chắp cánh, kết nối tình yêu khoa học giữa các nhà nghiên cứu với thế hệ trẻ.

Chiến lược phát triển KH&CN Việt Nam giai đoạn 2016-2020 đã xác định hoạt động tuyên truyền, phổ biến KH&CN là một trong 6 giải pháp chủ yếu. Luật KH&CN năm 2013 đã dành riêng một điều (Điều 48) về truyền thông, phổ biến kiến thức KH&CN. Tại buổi làm việc với Bộ KH&CN mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chỉ đạo nhiều nội dung quan trọng ngành KH&CN cần thực hiện, trong đó có nhiệm vụ đẩy mạnh công tác tuyên truyền chính sách liên quan đến KH&CN, truyền cảm hứng, tôn vinh trí thức, nhà khoa học…

Trong thư chúc mừng Ngày KH&CN Việt Nam (18/5/2021), Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt khẳng định: “Công tác truyền thông KH&CN cần trở thành cầu nối hữu dụng hơn nữa, đưa tri thức và tiến bộ KH&CN đến nhanh hơn với quảng đại quần chúng và đời sống sản xuất, xã hội; khơi dậy, truyền cảm hứng và khát vọng sáng tạo trong cộng đồng; góp phần hình thành văn hóa ĐMST và nuôi dưỡng tình yêu khoa học trong giới trẻ, giúp tạo ra một xã hội tôn trọng khoa học và có tư duy sáng tạo vì đây là nhân tố quan trọng để duy trì một xã hội phát triển bền vững”.

Có thể nói, trong hơn 10 năm gần đây, hoạt động truyền thông KH&CN được nhấn mạnh sâu sắc trong các văn bản, chỉ đạo điều hành và các diễn đàn KH&CN. Đây là kết quả của sự nỗ lực đưa truyền thông KH&CN vào đúng vị trí để thực hiện sứ mệnh cầu nối thông tin của nhiều thế hệ lãnh đạo Bộ KH&CN qua các thời kỳ; đồng thời, khẳng định hướng đi tất yếu, phù hợp với xu thế phát triển của xã hội hiện nay:

Không thể phủ nhận vai trò của báo chí là cánh tay nối dài đưa khoa KH&CN đến với công chúng. Tuy nhiên, con đường đưa báo chí, truyền thông trở thành cầu nối không dễ dàng bởi khi tiếp cận lĩnh vực này, đòi hỏi các nhà báo cần có hiểu biết chuyên sâu về KH&CN để chuyển tải những nội dung vốn khô khan trở nên dễ hiểu, hấp dẫn với độc giả.

Hơn nữa, mạng lưới truyền thông KH&CN còn mỏng, chưa có sự kết nối giữa các tổ chức, địa phương, tiềm lực, nhân lực, nội dung, hình thức truyền thông... Đây là một trong những thách thức của truyền thông KH&CN trên con đường thực hiện sứ mệnh của mình.

Vì lẽ đó, ngành KH&CN cần có một kế hoạch lâu dài cho hoạt động truyền thông KH&CN để truyền thông KH&CN phát huy vai trò quan trọng trong việc công bố kiến thức mới, truyền bá tri thức, phổ biến ra xã hội.

 

Nguồn: Vietq.vn

Số lượt đọc: 3745

Về trang trước Về đầu trang