Tin KHCN trong nước
Hệ thống nhà nuôi yến thông minh (11/10/2021)
-   +   A-   A+   In  

Ứng dụng công nghệ AI và IoT, nhóm sinh viên Trường Đại học Khoa học tự nhiên TPHCM đã xây dựng hệ thống nhà nuôi yến tự động, giúp theo dõi các thông số từ xa, phát hiện những thiết bị hỏng và thiên địch làm hại chim yến.

Hiện nay, ngành nuôi yến đang phát triển mạnh và chủ yếu ở quy mô gia đình.
 
Bùi Duy Bảo, thành viên nhóm nghiên cứu cho biết, một bất tiện lớn cho các chủ hộ nuôi yến là phải đến trực tiếp nhà yến mới có thể kiểm tra được độ ẩm, nhiệt độ, ánh sáng nhà yến để điều chỉnh các thông số cho phù hợp. Trong khi đó, người nuôi nên hạn chế vào nhà yến do chim yến khá sợ hãi khi gặp người. Bởi vậy, công việc này không chỉ tốn khá nhiều thời gian và công sức, mà còn ảnh hưởng đến năng suất làm tổ của yến.
 
“Trước thực tế đó, nhóm chúng em muốn xây dựng một giải pháp ứng dụng AI và IoT để người nuôi yến có thể trực tiếp xem các nhu cầu của chim yến cũng như thay đổi các thông số nói trên từ xa”, Bảo nói.
 
b
Hệ thống theo dõi số lượng, tập tính chim yến và phát hiện thiên địch Ảnh: NNC
 
Hệ thống nhà nuôi yến do nhóm phát triển gồm 4 phần: các thiết bị cảm biết và điều chỉnh; Gateway; nền tảng đám mây WISE-PaaS; và ứng dụng hiển thị dữ liệu cho người dùng. Theo đó, các cảm biến được lắp đặt tại nhiều vị trí trong nhà yến có nhiệm vụ gửi dữ liệu lên nền tảng đám mây WISE-PassS thông qua các Gateway, và dữ liệusẽ hiển thị trên ứng dụng máy tính hay điện thoại để người nuôi yến có thể xem.
 
Dữ liệu thu được từ cảm biến gồm nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng, số lượng chim yến, số lượng thiên địch (chuột, rắn, tắc kè...); nếu các thông số này vượt ngưỡng cho phép, hệ thống sẽ tự động gửi tin nhắn cảnh báo. Dựa vào đó, người nuôi yến có thể kịp thời điều chỉnh các điều kiện cho phù hợp để cho ra chất lượng tổ yến tốt nhất.
 

Ngoài ra, hệ thống còn có thể gửi cảnh về báo các thiết bị bị hỏng ở nhà yến.

 
c
Các thông số được hiển thị và cảnh báo cho người dùng để xử lý kịp thời Ảnh: NNC
 
Theo Duy Bảo, hệ thống này được phát triển độc lập, có thể lắp đặt mà không ảnh hưởng tới các thiết bị đang vận hành trong nhà yến.
 
Thiết bị của nhóm đã được thử nghiệm trên thực tế tại TPHCM và mới đây đoạt giải Ba cuộc thi “Phát triển ứng dụng AIoT Developer InnoWorks 2021”. Hiện nhóm sẵn sàng chuyển giao hệ thống cho các hộ nuôi yến có nhu cầu.

 

Nguồn: khoahocphattrien.vn

Số lượt đọc: 3119

Về trang trước Về đầu trang