Tin KHCN nước ngoài
Vật thể bay nhân tạo nhỏ nhất thế giới giúp theo dõi bệnh lây nhiễm qua không khí (27/09/2021)
-   +   A-   A+   In  

Nhóm kỹ sư tại Đại học Northwestern (Mỹ) vừa chế tạo thành công vi mạch nhỏ bằng hạt cát. Đây là vật thể bay nhân tạo nhỏ nhất trên thế giới có thể giúp theo dõi bệnh lây nhiễm qua không khí.

Các nhà khoa học cho biết, ngoài việc theo dõi bệnh lây nhiễm, vật thể bay siêu nhỏ (còn được gọi với tên "vi mạch bay") này có thể ứng dụng trong giám sát ô nhiễm không khí và nồng độ độc tố trong môi trường ở quy mô chưa từng có. Về cơ chế hoạt động, vi mạch bay hoạt động giống như những hạt hình cánh quạt của cây phong. Chúng đón gió để làm chậm quá trình rơi khi lướt về phía mặt đất.

Vật thể bay gồm hai phần chính gồm những linh kiện điện tử nhỏ (chỉ vài mm) và các cánh. Trọng lượng của thiết bị điện tử được phân bổ thấp ở trung tâm của bộ vi xử lý để ngăn nó rơi xuống đất một cách hỗn loạn. Ngoài bộ phận cảm biến, chúng còn được trang bị nguồn điện, ăng-ten liên lạc không dây và bộ nhớ để lưu trữ dữ liệu. Những dữ liệu này sau đó được chuyển đến điện thoại thông minh hoặc máy tính.

Giáo sư John Rogers, người đứng đầu nhóm nghiên cứu cho biết mục đích chế tạo các vi mạch bay là để giám sát ô nhiễm, giám sát dân số hoặc theo dõi dịch bệnh. Qua nghiên cứu cách các loại hạt phân tán trong gió, nhóm nhà phát triển tại Đại học Northwestern đã tối ưu hóa khí động học của vi mạch bay để đảm bảo rằng khi rơi từ tên cao, nó sẽ rơi với vận tốc chậm có kiểm soát.

Vi mạch có khả năng bay và giám sát những bệnh lây truyền trong không khí (ảnh đã được phóng to). Ảnh: Daily Mail

Điều này cho phép chúng phân tán trên một khu vực rộng lớn đồng thời tăng thời gian lưu lại trong không khí, tương tác với những phân tử ô nhiễm và mầm bệnh trên đường rơi xuống đất. Cho đến nay, các phiên bản của thiết bị nhỏ bé này đã được gắn cảm biến ô nhiễm không khí, công cụ nghiên cứu bức xạ Mặt Trời và cảm biến độ chua PH để theo dõi chất lượng nước.

Liên quan tới việc ứng dụng vi mạch điện tử vào đời sống, trước đó, các nhà khoa học tại Bộ Quốc phòng Mỹ cũng đã chế tạo thành công vi mạch có thể nhận diện các virus, kể cả virus SARS-CoV-2 gây nên dịch COVID-19.

Theo tiến sĩ Matt Hepburn, vi mạch kể trên hoạt động giống như một đèn "check engine" (đèn báo động cơ lỗi) đối với con người, nhưng không theo dõi mọi chuyển động của họ. Công nghệ này được Cơ quan Dự án Nghiên cứu Tiên tiến Quốc phòng (DARPA) của Lầu Năm góc phát triển.

Vi mạch này được cấy dưới da trong một loại gel giống như mô và liên tục kiểm tra máu của người nhận để tìm bằng chứng về virus (trong đó có SARS-CoV-2). Sau khi phát hiện, nó sẽ cảnh báo cho người được cấy vi mạch để xét nghiệm máu ngay lập tức.

“Đó là một cảm biến. Thứ màu xanh lá cây nhỏ bé đó, bạn đặt nó dưới da và nó cho bạn biết có những phản ứng hóa học đang diễn ra bên trong cơ thể, và nếu nó phát tín hiệu có nghĩa là bạn sẽ có các triệu chứng vào ngày mai. Công nghệ phát hiện sớm có thể ngăn chặn sự lây nhiễm bệnh", ông Hepburn nói.

Nguồn: Vietq.vn

Số lượt đọc: 3392

Về trang trước Về đầu trang