Tin KHCN trong nước
Hoàn thiện thiết kế và chế tạo các hệ thống thiết bị phục vụ cho xưởng chế biến sấy sắn băm quy mô công nghiệp sử dụng nhiên liệu đốt từ sinh khối (16/08/2021)
-   +   A-   A+   In  
Khi ngành chế biến thức ăn chăn nuôi phát triển, nhu cầu sử dụng nguyên liệu cho quá trình sản xuất cũng tăng lên, trong đó có sắn lát, sắn chặt khúc sấy khô. Tuy nhiên, các dây chuyền chế biến sắn lát, sắn khúc của Việt Nam còn lạc hậu nên sử dụng nhiều nhân công. Hơn nữa, sản phẩm có năng suất và chất lượng thấp, chi phí sản xuất cao nên giảm khả năng cạnh tranh trên thị trường.

Để khắc phục, cần phải đầu tư thêm trang thiết bị, dây chuyền chế biến sản phẩm. Nhận thấy nhu cầu cấp thiết từ khu vực sản xuất này, từ năm 2017 đến năm 2018, ThS. Nguyễn Văn Thành cùng các cộng sự tại Viện nghiên cứu thiết kế chế tạo máy nông nghiệp, đã thực hiện đề tài: “Hoàn thiện thiết kế và chế tạo các hệ thống thiết bị phục vụ cho xưởng chế biến sấy sắn băm quy mô công nghiệp sử dụng nhiên liệu đốt từ sinh khối”.

Đề tài nhằm mục tiêu đánh giá thực trạng công nghệ chế biến sắn lát hiện nay và xây dựng quy trình công nghệ, thiết kế, chế tạo hệ thống chế biến sắn lát có sự cải tiến về mặt kỹ thuật giúp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm cho các cơ sở chế biến sắn lát hiện nay.

Dự án nghiên cứu đã lựa chọn được quy trình công nghệ, hệ thống thiết bị phục vụ cho các xưởng chế biến sắn sấy khô quy mô công nghiệp sử dụng nhiên liệu đốt từ sinh khối. Từ quy trình công nghệ, đề tài đã xây dựng lựa chọn được dây chuyền thiết bị để thực hiện quy trình công nghệ đã lựa chọn.

Nghiên cứu cơ sở lý thuyết, tính toán và thiết kế các thiết bị công nghệ chính trong dây chuyền thiết bị, tập trung vào:

- Phễu cấp liệu;

- Thiết bị làm sạch;

- Thiết bị dải liệu và phân phối liệu;

- Lò đốt sinh khối.

Bên cạnh đó, đề tài đã chế tạo được hệ thống dây chuyền thiết bị nêu trên và lắp đặt căn chỉnh tại cơ sở sản xuất. Ngoài ra, nhóm nghiên cứu đã tiến hành khảo nghiệm dây chuyền thiết bị và đưa ra được một số kết luận như: Năng suất dây chuyền thiết bị đạt 10 tấn/giờ, hệ thống lò đốt sinh khối hiệu chỉnh được nhiệt độ  60-100oC, phù hợp với hệ thống sấy năng suất 65-70 tấn nguyên liệu/mẻ; Chi phí sản xuất giảm khoảng 56% so với công nghệ thiết bị cũ mà doanh nghiệp đã sử dụng, tiết kiệm được khoảng 4 tỷ đồng/vụ sản xuất.

Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 16266/2019) tại Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.

Nguồn: NASATI

Số lượt đọc: 2029

Về trang trước Về đầu trang