Tin KHCN trong nước
Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo và thử nghiệm hệ thống máy, thiết bị phục vụ cơ giới hóa đồng bộ các khâu canh tác cây đậu tương (26/07/2021)
-   +   A-   A+   In  
Tình hình cơ giới hóa sản xuất cây đậu tương ở các nước đứng đầu về sản xuất đậu tương trên thế giới được kể đến là Mỹ, Braxin, Achentina, Trung Quốc, Ấn Độ.., từ khâu làm đất, gieo trồng, chăm sóc đến khâu thu hoạch được thực hiện khá đồng bộ. Máy móc, thiết bị phục vụ cho cơ giới hóa các khâu rất hoàn thiện. 

Ở Việt Nam, mặc dù tiềm năng rất lớn, nhưng hiện nay diện tích, sản lượng đậu tương không phát triển được trong những năm gần đây do việc cơ giới hóa cây đậu tương còn yếu kém. Phần lớn các công đoạn từ làm đất, lên luống, gieo trồng, chăm sóc và thu hoạch chủ yếu thực hiện bằng thủ công, vừa nặng nhọc lại hiệu quả kinh tế thấp. Chính vì vậy, Chính phủ cũng như Bộ Nông nghiệp và PTNT đang có những ưu tiên cho nghiên cứu và phát triển cây trồng này thông qua chiến lược quốc gia sau thu hoạch lúa gạo, ngô, đậu tương và lạc đến năm 2020. Tuy nhiên tập quán canh tác của người dân chủ yếu theo hướng truyền thống, thủ công, theo kinh nghiệm, ít đầu tư thâm canh, áp dụng các biện pháp kỹ thuật tiên tiến trong sản xuất dẫn đến năng suất hiệu quả trồng thấp.

Hiện nay mô hình canh tác này có thể thấy ở nhiều tỉnh thành như: Hà Nội, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hải Dương, Thái Bình, Tiền Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp, An Giang, Cần Thơ, Sóc Trăng... Việc khai thác tốt tiềm năng sản xuất cây đậu tương cần thiết phải đưa cơ giới hóa vào các khâu trong sản xuất nhưng để cơ giới hóa đồng bộ cây đậu tương còn đang gặp phải nhiều những khó khăn do (i) máy móc phức tạp, có bề rộng làm việc lớn, không phù hợp với nguồn động lực phổ biến ở Việt Nam hiện nay, giá thành cao hoặc rẻ tiền thì lại nhanh hỏng, khó khăn trong quá trình khải thác sử dụng và sửa chữa thay thế; (ii) điều kiện làm việc ở Việt Nam khó khăn do diện tích vùng thửa nhỏ, nền đất yếu không phù hợp với máy lớn; (iii) điều kiện khí hậu ở Việt Nam thường có nắng, mưa thất thường vào mùa thu hoạch vì vậy việc thu hoạch đậu tương phải tiến hành ngay khi quả đậu vùa chín tới nên các máy thu hoạch liên hoàn (thu hoạch một giai đoạn) áp dụng không phù hợp. Điều này đặt ra nhiều nội dung nghiên cứu về máy thu hoạch cỡ nhỏ (cắt cây và xếp dãy trên đồng), máy thu gom cỡ lớn (cắt và gom cây vào túi chứa lớn), máy đập và tách hạt.Việc canh tác cây đậu tương luân canh trên đất lúa với mục đích tận dụng mùa vụ và cải tạo đất, ngăn chặn nguồn bệnh cho lúa vụ sau đã đặt ra một yêu cầu khá đặc thù ở Việt Nam về vấn đề xử lý gốc rạ sau thu hoạch, vấn đề làm đất và gieo hạt đậu tương mà đề tài cần phải có nhiều nghiên cứu mới (về máy cắt và băm gốc rạ) và cải tiến (máy làm đất và gieo hạt) cho phù hợp với điều kiện canh tác của Việt Nam.

Để khai thác tốt tiềm năng sản xuất đậu tương ở Việt Nam, cần thiết phải tiến hành cơ giới hóa trong sản xuất cho cả hai hình thức canh tác chuyên canh và luân canh. Vấn đề đặt ra khi cơ giới hóa sản xuất một loại cây trồng cho hiệu quả là phải tiến hành cơ giới hóa đồng bộ các khâu. Từng khâu trong sản xuất được cơ giới hóa, cơ giới hóa khâu trước tạo thuận lợi cho cơ giới hóa khâu sau và cuối cùng là nâng cao được hiệu quả trong sản xuất. Từ thực tế những vấn đề còn tồn tại trong cơ giới hóa sản xuất cây đậu tương ở Việt Nam hiện nay như đã trình bày ở trên, nhóm nghiên cứu Học viện Nông nghiệp Việt Nam, do PGS. TS. Lê Minh Lư làm chủ nhiệm đã đề xuất đề tài: “Nghiên cứu thiết kế, chế tạo và thử nghiệm hệ thống máy, thiết bị phục vụ cơ giới hóa đồng bộ các khâu canh tác cây đậu tương”.

Sau một thời gian triển khai, đề tài thu được các kết quả như sau:

1. Đã xây dựng được Quy trình canh tác cây đậu tương tạo thuận lợi cho quá trình cơ giới hóa các khâu trong sản xuất.

2. Đã xây dựng Quy trình cơ giới hóa canh tác cây đậu tương phù hợp với điều kiện sản xuất ở Việt Nam:

- Quy trình canh tác cây đậu tương vùng đất màu và đất chuyên canh;

- Quy trình canh tác cây đậu tương vùng đất màu luân canh lúa- đậu tương.

3. Đã thiết kế và chế tạo được 06 mẫu máy sau:

- Máy cắt băm gốc rạ, máy được liên hợp với máy kéo ở dạng treo ở phía trước và có những đặc tính công nghệ và kỹ thuật sau: Thực hiện liên hoàn công việc cắt, băm ngắn gốc rạ và tung phủ trên đồng; Chiều cao gốc rạ còn lại: 5-10 cm; Chiều dài đoạn cắt: 5-15 cm - Năng suất: 0.3-0.5 ha/h; Nguồn động lực: Máy kéo có công suất 40 ÷ 50 HP.

- Máy lên luống tạo rãnh, máy được liên hợp với máy kéo ở dạng treo ở phía sau và có những đặc tính công nghệ và kỹ thuật sau: Năng suất: 0.3-0.5 ha/h; Bề rộng luống: 90-120 cm; Độ rộng rãnh: 20-30 cm; Độ sâu rãnh: 20-30 cm; Nguồn động lực: Máy kéo có công suất 30-50 HP.

-  Máy gieo đậu tương kết hợp với bón phân, máy được liên hợp với máy kéo ở dạng treo ở phía sau và có những đặc tính công nghệ và kỹ thuật sau: Năng suất: 0.3-0.5 ha/h; Số hàng gieo: 2-4 hàng; Nguồn động lực: Máy kéo có công suất 30-50 HP.

- Máy xới vun và làm cỏ chăm sóc cây đậu tương, máy được liên hợp với máy kéo ở dạng treo ở phía sau và có những đặc tính công nghệ và kỹ thuật sau: Thực hiện công việc xới, vun và làm cỏ với độ xới sâu và khoảng cách vun có thể điều chỉnh; Năng suất máy: 0.3-0.5 ha/h; Nguồn động lực: Máy kéo có công suất 30-50 HP.

- Máy thu hoạch đậu tương với các đặc tính công nghệ và kỹ thuật sau: Thực hiện liên hoàn các công việc cắt, gom cây, rải hàng trên ruộng; Độ sót: < 5%; Năng suất: 0.3-0.5 ha/h; Máy tự hành sử dụng động cơ Diezeel 6 Hp.

-  Máy đập tách hạt đậu tương với các đặc tính công nghệ và kỹ thuật sau: Thực hiện liên hoàn các công việc đập, tách và làm sạch hạt; Độ hư hỏng hạt: < 5%; Độ sạch lá: 80-95 %; Năng suất: 0.5- 1.0 tấn/h; Máy tĩnh tại, công suất động cơ 18 ÷ 20 HP.

4. Đã xây dựng được 2 mô hình canh tác cây đậu tương ứng dụng hệ thống cơ giới hóa canh tác và thu hoạch:

- 01 mô hình canh tác cây đậu tương trên đất chuyên canh 05 ha tại Sơn Đông, thị xã Sơn Tây, Hà Nội;

- 01 mô hình canh tác cây đậu tương trên đất luân canh 10 ha tại thị xã Sơn Tây, Hà Nội và Thường Tín, Hà Nội.

Việc triển khai ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất cây đậu tương đã đem lại nhiều lợi ích kinh tế, giải phóng sức lao động, cải tạo và chống hoang hóa đất, tranh thủ được vụ đông ngắn ngày để nâng cao hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích đất canh tác. Mặt khác, luân canh một vụ đậu tương sẽ cắt đứt được nguồn lây lan dịch bệnh từ vụ lúa trước tới vụ lúa sau đồng thời với tác dụng cải tạo đất của cây đậu tương giúp cho việc phát triển nông nghiệp bền vững hơn. Mô hình triển khai đã bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế, xã hội rõ rệt từ việc triển khai mô hình ứng dụng cơ giới hóa.

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 16362/2019) tại Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.

Nguồn: NASATI

Số lượt đọc: 2122

Về trang trước Về đầu trang