Tin KHCN trong nước
Công nghệ xử lý quả vải không xông SO2 cho năng suất cao (15/09/2014)
-   +   A-   A+   In  

Đây là hệ thống xử lý giữ nguyên màu đỏ tự nhiên của vỏ quả, hương vị thơm ngon của cùi vải. Quả vải có thể giữ màu đỏ tươi trong 4-5 tuần, kéo dài thời gian cho sản phẩm.

 Vải là một loại quả đặc sản có diện tích trồng và sản luợng lớn ở các tỉnh: Bắc Giang, Hải Dương, Quảng Ninh… mang lại giá trị kinh tế cao cho bà con nông dân. Tuy nhiên, loại quả này rất nhanh chóng bị hư hỏng, làm giảm giá trị sản phẩm, vì vậy đòi hỏi phải có biện pháp bảo quản để kéo dài thời hạn sử dụng, dễ dàng vận chuyển đi xa nhằm đạt hiệu quả kinh tế cao.

 Nhằm giảm bớt thiệt hại cho bà con nông dân, kéo dài thời gian bảo quản vải tươi để có thể vận chuyển đi xa tiêu thụ, mới đây Công ty Juran Technology (Israel) đã tổ chức Hội thảo giới thiệu các công nghệ tiên tiến mới của Juran - Isarel về dây chuyền bảo quản sau thu hoạch cho các loại quả như vải thiều, dâu tây, bơ, lựu… đặc biệt là dây chuyền xử lý quả vải không xông SO2 và phân loại theo kích thước của quả vải.

 Với thiết kể đơn giản, quy trình xử lý gồm 4 bước cơ bản: Xử lý nước lạnh, xử lý nước nóng, xử lý bằng HCL loãng và làm khô. Đây là hệ thống xử lý giữ nguyên màu đỏ tự nhiên của vỏ quả, hương vị thơm ngon của cùi vải. Công nghệ Juran giữ màu đỏ “ruby”, loại bỏ hiện tượng nâu hóa sau ba ngày, quả vải có thể giữ màu đỏ tươi trong 4-5 tuần, kéo dài thời gian cho sản phẩm.

 Dây chuyền bảo quản được thiết kế linh hoạt, công suất 1- 70 tấn/giờ, hệ thống phân loại kích thước quả tự động phân chia làm 5 nhóm kích thước. Dây chuyền đạt hiệu quả cao trong phân loại và sàng lọc đáp ứng được tiêu chuẩn xuất khẩu sang các nước trong khu vực và trên thế giới.

 Công nghệ này đã được chế tạo, thử nghiệm, kiểm chứng của Bộ Nông nghiệp Isarel và được cấp bằng sáng chế tại Hoa Kỳ năm 2000. Quả vải sau khi xử lý bằng công nghệ này có đủ điều kiện xuất khẩu vào thị trường châu Âu, Hoa Kỳ và Nhật Bản. Hiện nay hãng Juran đã lắp đặt dây chuyền xử lý quả vải cho Trung Quốc, Thái Lan và Úc.

 Trước mắt, dễ nhận thấy, công nghệ này có tính khả thi cao trong việc áp dụng vào địa bàn các tỉnh có diện tích trồng vải lớn. Tuy nhiên cũng cần quan tâm nghiên cứu, tính toán chi phí, giá thành sao cho phù hợp. Bên cạnh đó, cần phải tìm hiểu, kết nối, có chính sách hỗ trợ phù hợp cho các doanh nghiệp khi đầu tư công nghệ.

 TS. Trần Lệ Thu (Sở KH&CN Bắc Giang) cho biết nếu dây chuyền công nghệ này được áp dụng sẽ góp phần giảm tổn thất cho quá trình bảo quản sau thu hoạch và giảm sức lao động cho người nông dân, nâng hiệu quả sản xuất quả vải và tăng thu nhập cho người dân tại vùng trồng vải.

Nguồn: vista

Số lượt đọc: 15635

Về trang trước Về đầu trang