Tin KHCN trong tỉnh
Nhiều giải pháp KH-CN được ứng dụng trong lĩnh vực y tế (27/04/2017)
-   +   A-   A+   In  

Để giảm chi phí điều trị, nâng cao hiệu quả thực tiễn trong quá trình khám chữa bệnh, những năm gần đây nhiều đề tài, dự án KH-CN về lĩnh vực y tế đã được ứng dụng rộng rãi tại các bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh. Các giải pháp này chủ yếu được phát triển từ các cuộc thi do Sở KH-CN tổ chức.

Khoa Chấn thương - Chỉnh hình Bệnh viện đa khoa Bà Rịa chỉ có một bác sĩ và một kỹ thuật viên nhưng mỗi năm phải phẫu thuật gần 400 ca bệnh. Trong số đó, rất nhiều bệnh nhân bị tai nạn nặng, gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Việc sử dụng garrote hơi trong mổ chấn thương chỉnh hình là rất cần thiết nhưng chi phí để mua dụng cụ này ở nước ngoài rất cao (khoảng 100 triệu đồng/cái). Để tiết kiệm chi phí và điều trị hiệu quả cho người bệnh, năm 2013, bác sĩ Nguyễn Phương Nam, Trưởng khoa Chấn thương - Chỉnh hình Bệnh viện đa khoa Bà Rịa đã tự thiết kế ra garrote hơi tự chế. Giải pháp garrote hơi tự chế hoạt động dựa trên nguyên tắc: bơm hơi căng vào túi cao su đặt trong giá garrote quấn quanh gốc chi, tạo áp lực ép vào mạch máu vừa đủ để làm ngưng sự lưu thông máu trong lòng mạch từ cơ thể đến ngón chi. “Giải pháp này đáp ứng các tiêu chí giá thành thấp (khoảng 440.000 đồng/cái) vừa kiểm soát được áp lực garrote, dễ sử dụng, thỏa mãn các tính năng như dụng cụ nhập ngoại” - bác sĩ Nguyễn Phương Nam cho biết. Giải pháp “Garrote hơi tự chế” đã đạt giải nhất Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật tỉnh BR-VT năm 2012-2013. Đến nay, garrote hơi tự chế của bác sĩ Nguyễn Phương Nam đang được áp dụng tại Bệnh viện đa khoa Bà Rịa, mang lại hiệu quả cao trong chữa bệnh.

Theo nhận xét của Sở KH-CN, trong những năm gần đây, tại các cuộc thi Sáng tạo KH-KT và các cuộc thi ý tưởng KH-CN do Sở tổ chức, có nhiều đề tài, dự án, ý tưởng thuộc lĩnh vực y tế đạt giải cao. Hầu hết, các đề tài này đều được áp dụng vào thực tiễn và mang lại hiệu quả thiết thực, giúp giảm chi phí điều trị cho bệnh nhân. Sáng kiến “Giường - nôi sơ sinh” của chị Châu Thị Ngọc Hương - Điều dưỡng trưởng làm việc tại Khoa nhi Bệnh viện Lê Lợi, đoạt giải nhất Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật tỉnh BR-VT năm 2014-2015 là ví dụ. Chị Châu Thị Ngọc Hương, tác giả của giải pháp “Giường - nôi sơ sinh” (giải nhất) cho biết, trước đây tại phòng Bệnh lý sơ sinh của bệnh viện Lê Lợi, mẹ và bé thường phải nằm chung một giường nên mức độ an toàn cho bé không cao; bé ngủ không ngon giấc, mẹ cũng không thoải mái. Do đó, chị đã chế tạo ra “Giường - Nôi sơ sinh” nhằm khắc phục những hạn chế nêu trên mà vẫn bảo đảm yêu cầu chăm sóc, điều trị cho trẻ. “Giường - nôi sơ sinh” được làm từ chất liệu inox có ngăn chứa tã, quần áo, khăn… cho bé. Hai vách bên có thể hạ xuống khi bác sĩ thăm khám, thực hiện kỹ thuật, chăm sóc. Nôi em bé được kết nối với giường của mẹ nhưng cũng có thể tháo rời ra khỏi giường khi cần thiết. Hiện Bệnh viện Lê Lợi đã lắp đặt 3 chiếc giường - nôi để đáp ứng nhu cầu cho bệnh nhân điều trị tại bệnh viện.

Mới đây nhất, trong 18 dự án của tỉnh BR-VT tham gia cuộc thi KHKT cấp quốc gia dành cho học sinh trung học năm 2017, có 1 dự án về lĩnh vực y tế. Đó là dự án “Giường bán tự động thay drap có tính năng massage cho người nằm liệt” của hai em Trần Thị Thanh Vi và Lê Lại Tuyết Trân (học sinh lớp 11/A12 trường THPT Vũng Tàu). Dự án giúp tiết kiệm thời gian, tiết kiệm sức người khi chăm sóc người già, người mất khả năng di chuyển; đồng thời giúp người già, người bị liệt, bị thương được dễ chịu và chống hoại tử khi phải nằm một chỗ trong thời gian dài. Dự án “Giường bán tự động thay Drap có tính năng massage cho người nằm liệt” được đánh giá cao, có khả năng ứng dụng nhiều tại các bệnh viện, trung tâm y tế và tại gia đình.

MỘT SỐ SÁNG KIẾN TIÊU BIỂU

“Chiếc vó an toàn” thu gom chất thải lây nhiễm

Theo quy trình phân loại và thu gom, xử lý chất thải thì chất thải lây nhiễm trong ngành y tế phải được khử khuẩn trước khi đưa ra môi trường. Để khử khuẩn, toàn bộ chất thải phải bỏ vào thùng có chứa dung dịch khử khuẩn. Đây là công việc tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm cao do tiếp xúc trực tiếp với các loại bông băng, gạc, các vật tư y tế đã qua sử dụng… Trong một chuyến đi tham quan ở miền Tây, anh Tạ Duy Hảo (công tác tại Khoa Chẩn đoán hình ảnh, Trung tâm Y tế huyện Xuyên Mộc), thấy người dân nơi đây dùng vó để đánh bắt tôm, cá. Từ đó, anh Hảo đã sáng tạo ra một cái vó nhỏ hơn, vừa với thùng đựng chất thải lây nhiễm, khi thu gom chất thải chỉ cần nhấc chiếc vó lên, nước dung dịch sẽ chảy hết xuống thùng và người hộ lý dễ dàng lấy rác thải đưa đến nơi xử lý. Như vậy, vừa an toàn, vừa tiết kiệm thời gian”. Chỉ với khoảng 50 nghìn đồng để làm nhưng “chiếc vó an toàn” có tính ứng dụng cao, áp dụng được tại tất cả các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh. 

Ý tưởng “Bàn cố định trẻ em để thực hiện một số phẫu thuật và thủ thuật chuyên khoa mắt”

Trong phẫu thuật mắt, trẻ được gây tê tại chỗ nên vẫn tỉnh táo. Do vậy, không tránh khỏi việc trẻ sợ hãi, giẫy giụa khiến bác sĩ khó khăn khi thực hiện phẫu thuật. Tại Bệnh viện Mắt tỉnh, bác sĩ Nguyễn Viết Giáp, Giám đốc Bệnh viện đã có sáng kiến “Bàn cố định” giúp các bác sĩ thực hiện phẫu thuật, thủ thuật ở trẻ em an toàn hơn. Thiết bị gồm thân bàn, phần mặt nạ khoét rỗng, phần cố định thân với 3 đai simili ở mặt dưới bàn để quấn và cố định bệnh nhi, hệ thống ốc vít điều chỉnh độ cao mặt nạ và độ dài mặt - cằm để giúp cố định đầu tốt hơn khi tiến hành phẫu thuật... Hiện bàn này đã được sử dụng cho hàng ngàn lượt bệnh nhi có chỉ định phẫu thuật và thủ thuật mắt.

 

Nguồn: baobariavungtau.com.vn

Số lượt đọc: 6124

Về trang trước Về đầu trang