Tin KHCN trong tỉnh
30% giá trị nông sản tăng thêm nhờ khoa học - công nghệ (09/05/2014)
-   +   A-   A+   In  

Theo đánh giá của Sở KH-CN và Sở NN-PTNT, các yếu tố khoa học - công nghệ (KH-CN) chiếm khoảng 30% giá trị sản lượng nông sản tăng thêm. Tỷ lệ này còn tăng nếu địa phương chú trọng hơn nữa việc đầu tư ứng dụng KH-CN vào sản xuất nông nghiệp.

                                                 

Bưởi da xanh được Trung tâm giống cây ăn quả miền Đông Nam bộ tuyển chọn trồng thử nghiệm và trở thành một trong 10 giống cây ăn quả thế mạnh của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

 

Theo thống kê của Sở KH-CN, hàng năm có gần 10 đề tài, dự án nghiên cứu KH-CN được triển khai và ứng dụng, trong đó có đến 80% thuộc lĩnh vực nông nghiệp (NN). Đến nay, 86 đề tài, dự án thuộc lĩnh vực: trồng trọt, chăn nuôi, bảo vệ thực vật, thú y, nuôi trồng thủy sản, chế biến sau thu hoạch... đã được tỉnh cấp kinh phí thực hiện. Các đề tài, dự án KH-CN đã góp phần thúc đẩy sản xuất phát triển; nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi, góp phần nâng mức tăng trưởng ngành NN bình quân hàng năm 6%-7%. Một số đề tài, ứng dụng trong quản lý sản xuất, quản lý dịch bệnh động vật đã phát huy hiệu quả, phù hợp với xu thế phát triển và được ứng dụng rộng rãi ở nhiều lĩnh vực như: Xây dụng quy trình sản xuất, nhà lưới, nhà màng, sử dụng công nghệ tưới nước tiết kiệm trong sản xuất rau, nghiên cứu quy trình thực hành NN tốt (GAP) cho một số loại cây trồng, bảo tồn gen một số giống trái cây như nhãn xuồng cơm vàng, mãng cầu ta...

Tỉnh BR-VT có 106.097ha đất NN, chiếm 53,38 tổng diện tích đất tự nhiên. Trước đây, nông dân chỉ sản xuất bằng các phương pháp thủ công, truyền thống thì hiện nay hầu hết đều áp dụng KHCN vào sản xuất NN như: sản xuất rau an toàn; tuyển chọn các giống tiêu tốt và xây dựng quy trình phòng trừ sâu bệnh hại tiêu trên địa bàn tỉnh; sử dụng giống ưu thế lai, giống tốt; chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi; ứng dụng, chuyển giao khoa học kỹ thuật trong nuôi trồng thủy sản... giúp ngành NN nâng cao năng suất, chất lượng, góp phần tăng hiệu quả kinh tế, nâng cao thu nhập cho nông dân.

Ông Nguyễn Tấn Lộc (ấp Láng Dài, xã Láng Dài, huyện Đất Đỏ) cho biết, việc nuôi gà của ông trước kia hoàn toàn tự phát, chủ yếu con giống được lấy từ gà mẹ ấp tự nhiên. Hiện nay, gia đình ông đã “sáng chế” được 2 máy ấp, gồm 1 máy ấp 800 trứng và 1 máy úm 300 gà con). Nhờ sáng chế này, mỗi tuần ông Lộc cung ứng cho thị trường 300 con gà giống với doanh thu hơn 3 triệu đồng. Do giá thành rẻ, lại tiện dụng nên nhiều nông dân đã đặt mua máy của ông, hiệu quả kinh tế nâng lên rõ rệt so với cách ấp trứng bằng phương pháp tự nhiên.

Hiện nay sản lượng rau an toàn cung cấp trên địa bàn tỉnh trung bình khoảng 14.000 tấn/năm. Giá trị sản xuất rau an toàn bình quân đạt 130 triệu đồng/ha/năm. Một số mô hình đầu tư khoa học kỹ thuật còn cho giá trị sản xuất lớn từ 370 đến 410 triệu đồng/ha/năm. Theo HTX rau an toàn Thắng Lợi (xã Phước Hưng, huyện Long Điền), thời gian qua, HTX đã tích cực vận động các hộ dân chuyển đổi diện tích cây trồng các loại rau, củ, quả bảo đảm an toàn, tăng thu nhập, tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật trồng trọt, quy trình sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn quy định. Hiện HTX có 3,62ha đất canh tác với 81 lao động trực tiếp, thu nhập bình quân của mỗi lao động khoảng từ 2,2-2,8 triệu đồng/tháng. Sau khi trừ các khoản chi phí, lợi nhuận của xã viên đạt khoảng 50-60%/1kg.

Bên cạnh đó, các ngành chức năng còn xây dựng nhiều mô hình ứng dụng KH-CN, hướng dẫn nông dân áp dụng vào thực tiễn sản xuất, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế. Ông Nguyễn Văn Trung, nông dân xã Bông Trang (huyện Xuyên Mộc) cho biết, nhờ áp dụng biện pháp chong đèn cho cây ra hoa trái vụ, mấy năm gần đây năng suất cây thanh long đạt từ 20-25 tấn/ha, cao gấp đôi so với trước. Giá bán thanh long trái vụ cũng cao gấp 3-4 lần, giúp nhiều hộ nông dân có “của ăn của để”. Trong chăn nuôi, nhiều công thức lai giống heo được công nhận đưa vào nghiên cứu và sản xuất đại trà, điển hình là giống heo thương phẩm lai hướng nạc đạt tỷ lệ hơn 95%. Thực hiện dự án phát triển giống bò thịt, đến nay ngành NN đã nâng tỷ lệ bò lai Sind toàn tỉnh lên khoảng 70% tổng đàn.

Những minh chứng trên cho thấy, các đề tài, dự án KH-CN trong lĩnh vực NN đã giúp cải thiện đời sống người dân, nhất là đồng bào dân tộc, vùng sâu, vùng xa. Điều quan trọng nữa là việc làm này đã giúp nông dân thay đổi nhận thức trong sản xuất NN, hướng đến nền NN sạch, hiện đại.

Nguồn: baobariavungtau

Số lượt đọc: 7798

Về trang trước Về đầu trang