NHIỀU MÔ HÌNH SẢN XUẤT MỚI
Đến cuối năm 2015, BR-VT đã kết thúc giai đoạn 2 thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM với 15 xã đạt 19/19 tiêu chí NTM. Ông Nguyễn Kim Trường, Phó Giám đốc Sở KH-CN cho biết, để đạt kết quả trên có thể kể đến vai trò không nhỏ trong việc áp dụng KHCN vào sản xuất ở các xã NTM. Qua đó góp phần nâng cao năng suất sản phẩm nông nghiệp, tăng thu nhập bền vững cho người dân. Trong 5 năm (2010-2015), thông qua 35 trạm thông tin KHCN của tỉnh, nhiều giải pháp đã được ngành KHCN thực hiện nhằm chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi sang loại hình có năng suất, giá trị kinh tế cao hơn. Đã có hàng trăm mô hình sản xuất hiệu quả, giúp nâng cao thu nhập cho người dân như 206 mô hình trồng trọt chăn nuôi, thủy sản tại huyện Xuyên Mộc; 220 mô hình trồng trọt, chăn nuôi tại huyện Đất Đỏ…
Trang trại của anh Vũ Ngọc Bích (xã Xuyên Mộc, huyện Xuyên Mộc) áp dụng thành công mô hình heo nái nuôi con trên đệm lót sinh học do Sở KH-CN triển khai. Anh Vũ Ngọc Bích cho biết, với mô hình này chuồng nuôi heo luôn khô ráo, sạch sẽ và hoàn toàn không mùi hôi; heo giảm dịch bệnh: tỷ lệ heo con bị tiêu chảy giảm từ 70% (nuôi theo phương pháp cũ) xuống còn 10% khi nuôi trên đệm lót sinh học; bệnh viêm phổi và viêm khớp hầu như không có; heo nái nuôi con mau lên giống... Đặc biệt, heo nái trong chuồng không còn hiện tượng bị chết đột ngột do phải thường xuyên tiếp xúc với thuốc sát trùng định kỳ. Mặt khác, đệm lót sinh học còn giúp anh tiết kiệm chi phí điện, nước, công nhân, hạn chế tối đa ruồi và ô nhiễm môi trường. Một ưu điểm nổi bật của mô hình này là tỷ lệ heo con cai sữa lúc 21 ngày tăng 10% so với cách nuôi cũ. Với hiệu quả của mô hình, trong thời gian tới, trang trại của anh dự kiến sẽ cải tạo chuồng nuôi cho heo nái nuôi con trên đệm lót với đàn heo 3.000 con.
TĂNG SỨC CẠNH TRANH CHO SẢN PHẨM
Trước đây tình trạng tổn thất về sản lượng trong và sau thu hoạch là một trong những nguyên nhân làm giảm năng suất. Chẳng hạn tổn thất sản lượng sau thu hoạch đối với lúa 11-13%; các loại bắp, màu, trái cây từ 13-15%. Ông Phạm Ngọc Vũ, Giám đốc Trung tâm Thông tin và Thống kê KHCN tỉnh cho biết, việc đầu tư ứng dụng KHCN sau thu hoạch những năm qua tại một số địa phương đã hạn chế tối đa tổn thất, nâng cao hiệu quả của sản xuất, ổn định đời sống, thu nhập của người dân.
Theo ông Đỗ Hữu Hiền, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KHCN, thời gian tới, để phát huy vai trò của KHCN trong xây dựng NTM, tỉnh cần hỗ trợ đẩy nhanh tốc độ đổi mới công nghệ trong các ngành, các lĩnh vực then chốt như công nghệ sinh học, công nghệ bảo quản và chế biến nông lâm thủy sản, công nghệ môi trường… Trong đó, công nghệ sinh học phải là khâu đột phá, thông qua hoạt động lai tạo, sản xuất giống cây trồng, vật nuôi có chất lượng tốt, hiệu quả kinh tế cao đáp ứng yêu cầu thị trường và phục vụ nhu cầu xuất khẩu, từng bước tiến lên công nghệ cao trên cơ sở nâng cao hàm lượng chất xám trong sản phẩm. “Việc nghiên cứu và áp dụng những tiến bộ KHCN, trong đó việc ứng dụng có hiệu quả công nghệ sinh học sẽ làm thay đổi mạnh mẽ năng suất và chất lượng sản phẩm cây trồng, vật nuôi, góp phần tích cực vào việc chuyển dịch cơ cấu sản xuất theo hướng tăng hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích sản xuất”, ông Hiền cho biết thêm.
Còn theo ông Võ Minh Giang, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, trong thời gian tới, khi hiệp định TPP có hiệu lực, một trong những giải pháp quan trọng để hội nhập là đẩy nhanh tiến trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát huy cao hơn những lợi thế của tỉnh BR-VT. Đồng thời kết hợp với việc ứng dụng KHCN, tổ chức lại sản xuất để các sản phẩm của tỉnh có khả năng cạnh tranh cao hơn, chiếm lĩnh thị trường không bị thua ngay trên sân nhà. “Như vậy, việc ứng dụng KHCN vào sản xuất nông nghiệp giúp nông dân giải quyết vấn đề giá thành, nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo đảm vệ sinh ATTP, nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập của hộ nông dân, giảm thiểu ô nhiễm môi trường …, đồng thời góp phần hoàn thành các mục tiêu chương trình xây dựng NTM”, ông Giang nói.