Tiêu chuẩn ĐLCL
Hoạt động đo lường mang đậm dấu ấn hơi thở cuộc sống (20/01/2016)
-   +   A-   A+   In  

Các hoạt động về đo lường đang ngày càng gần gũi với cuộc sống, đem lại sự chuẩn xác, góp phần hạn chế gian lận hướng vào văn minh thương mại.

Hệ thống kiểm định rộng khắp trong cả nước

Hoạt động đo lường và quản lý đo lường gần đây đã ghi nhận nhiều dấu ẩn nổi bật, với một hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và quy định kỹ thuật về đo lường tương đối hoàn chỉnh.

Theo ông Trần Văn Vinh, Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, sau khi Luật Đo lường có hiệu lực, hàng loạt các văn bản dưới luật đã được ban hành nhằm thực hiện hoạt động và quản lý đo lường có hiệu quả.

Vị trí gắn IC đo đếm trên bo mạch điện tử của trụ bơm xăng dầu được doanh nghiệp làm ăn chân chính sẵn sàng kiểm tra. (Ảnh: Công Nghĩa)Vị trí gắn IC đo đếm trên bo mạch điện tử của trụ bơm xăng dầu được doanh nghiệp làm ăn chân chính sẵn sàng kiểm tra. (Ảnh: Công Nghĩa)

Tổng cục trưởng Trần Văn Vinh cho biết, để đáp ứng nhu cầu của các tổ chức, cá nhân trong hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm về đo lường, trong năm 2015 vừa qua, Tổng cục đã ban hành, soát xét, sửa đổi được 30 các văn bản kỹ thuật đo lường Việt Nam (ĐLVN) về quy trình thử nghiệm, quy trình kiểm định, hiệu chuẩn phương tiện đo và chuẩn đo lường và nâng tổng số ĐLVN hiện nay là 275.

"Các văn bản quy phạm pháp luật và quy định kỹ thuật đo lường đang là cơ sở để hướng dẫn chi tiết thi hành Luật Đo lường, Nghị định số 86/2012/NĐ-CP và sẽ đáp ứng được nhiều hơn nhu cầu về đo lường của các tổ chức kiểm định, thử nghiệm, hiệu chuẩn phương tiện đo, của doanh nghiêp, của người dân và đồng thời đáp ứng yêu cầu của quản lý nhà nước trong tình hình mới’, ông Vinh nói.

Theo thống kê, từ 2004 đến nay Việt Nam mới phê duyệt được 13 chuẩn đo lường quốc gia và trong năm tới trình Bộ Khoa học và Công nghệ xem xét phê duyệt 11 chuẩn đo lường quốc gia, nâng tổng số chuẩn đo lường quốc gia lên con số 24. Tuy nhiên, theo lãnh đạo Tổng cục thì đây là một trong những nội dung công tác cần tăng cường thực hiện trong năm 2016 và các năm tiếp theo.

Hệ thống kiểm định, hiệu chuẩn phương tiện đo cũng gặt hái nhiều kết quả đáng ghi nhận, đến nay Việt Nam đã xây dựng được mạng lưới kiểm định gồm 68 tổ chức kiểm định thuộc hệ thống Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng và 236 tổ chức kiểm định thuộc các Bộ, ngành, các thành phần kinh tế khác.

"Trong năm 2015, Tổng cục đã thực hiện cấp, cấp lại đăng ký dịch vụ kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm cho 200 lượt tổ chức, chứng nhận lại, chứng nhận bổ sung và cấp thẻ kiểm định viên đo lường cho 1 837 cá nhân thuộc các tổ chức kiểm định. Các đơn vị sự nghiệp thuộc Tổng cục đã hiệu chuẩn được 145.479 phương tiện đo và kiểm định được 31.332 phương tiện đo. Để đảm bảo tính chính xác, thống nhất trong đo lường, phương tiện đo ngoài việc phải thực hiện kiểm định còn phải thực hiện phê duyệt mẫu theo quy định. Tính đến 31/12/2015, đã có thêm 2.221 mẫu phương tiện đo được phê duyệt", ông Vinh cho biết.

Trong lĩnh vực quản lý hàng đóng gói sẵn theo định lượng, ông Nguyễn Hùng Điệp, Vụ trưởng Vụ Đo lường cho biết, đây là lĩnh vực cụ thể của đo lường pháp định gắn liền với quyền lợi của đông đảo người dân. Trong năm qua, Tổng cục và các Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã triển khai nhiều hoạt động cụ thể nhằm bảo vệ người tiêu dùng, đảm bảo công bằng, khách quan trong mua bán, thúc đẩy văn minh thương mại. Thông qua hoạt động này, vai trò đảm bảo đo lường trong hàng đóng gói sẵn của các Chi cục địa phương ngày càng được khẳng định, doanh nghiệp thì kiểm soát được hàng hóa đóng gói, lợi ích  của người tiêu dùng được bảo vệ.

Kiểm tra đặc thù trong đo lường phát huy hiệu quả

Một trong những dấu ấn đặc biệt gây được sự chú ý của dư luận trong thời gian qua, đó là công tác kiểm tra nhà nước về đo lường. Theo Tổng cục trưởng Trần Văn Vinh, liên quan đến công tác tăng cường thanh tra, kiểm tra nhà nước về đo lường trong kinh doanh xăng dầu trong năm 2015, Bộ KHCN và Tổng cục đã có nhiều văn bản chỉ đạo các địa phương chủ động phối hợp với Công an, Quản lý thị trường triển khai thanh tra, kiểm tra, phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về đo lường, chất lượng trong kinh doanh xăng dầu, chú trọng kiểm tra đặc thù.

Hoạt động thanh tra, kiểm tra về đo lường, chất lượng trong kinh doanh xăng dầu đã được tăng cường và có hiệu quả hơn rất nhiều so với thời gian trước đây. Tỷ lệ mẫu thử nghiệm vi phạm chất lượng trong lưu thông trên thị trường qua các năm như sau: năm 2010 là 16,7 %, năm 2011: 11,5 %, năm 2012: 11,3 %; năm 2013: 8,4 %, năm 2014: 7,2 %, năm 2015 là 6,1 % số mẫu được lấy thử nghiệm.

Cơ quan chức năng phát hiện nhiều sai phạm về đo lường ở các cơ sở sản xuất, kinh doanhCơ quan chức năng phát hiện nhiều sai phạm về đo lường ở các cơ sở sản xuất, kinh doanh

Qua kiểm tra đã thực hiện xử lý tạm dừng lưu thông các lô xăng dầu không đạt chất lượng, chuyển hồ sơ để xử phạt vi phạm hành chính, theo quy định của pháp luật. Qua công tác kiểm tra cho thấy tình hình vi phạm chất lượng xăng dầu có giảm, góp phần đảm bảo chất lượng xăng dầu trong lưu thông.

Hai tỉnh Đồng Nai và Nghệ An là những địa phương đi đầu, tiêu biểu trong việc chủ động, tích cực triển khai thực hiện thanh kiểm tra đo lường chất lượng tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu.

Theo Tổng cục trưởng Trần Văn Vinh, thời gian qua, Tổng cục TCĐLCL đã tham mưu cho Bộ Khoa học và Công nghệ chỉ đạo Sở Khoa học và Công nghệ các địa phương học tập kinh nghiệm của Đồng Nai, Nghệ An, đồng thời báo cáo Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyên Xuân Phúc, Trưởng Ban chỉ đạo 389 quốc gia có văn bản chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan và UBND các địa phương chủ động, phối hợp tăng cường thanh tra, kiểm tra đột xuất, kiểm tra đặc thù để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm theo thẩm quyền các hành vi vi phạm về đo lường, chất lượng trong kinh doanh xăng dầu.

“Tổng cục chủ trì, phối hợp với Cục Cảnh sát Điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng (C46 - Bộ Công an) đã tiến hành kiểm tra đặc thù 13 cột đo xăng dầu của 13 cơ sở tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Phú Thọ và Vĩnh Phúc, đã phát hiện tại cả 13 cột đo xăng dầu (100% số cột đo xăng dầu được kiểm tra) đều có sai số đo lường vượt quá quy định (đến 3 %).

Mới đây, tại địa bàn Hà Nội, đã phát hiện 2 trạm xăng có gắn mạch tăng xung thông qua điều khiển từ xa, lãnh đạo Tổng cục cho biết.

Tính đến cuối năm 2015, cả nước đã thực hiện thanh tra, kiểm tra 1.498 cơ sở kinh doanh xăng dầu với 3.885 cột đo xăng dầu. Tổng số cơ sở bị xử lý vi phạm hành chính là 232 cơ sở với số tiền phạt xấp xỉ 8,4 tỷ đồng. 

Theo đánh giá, hình thức kiểm tra đặc thù trong đo lường đã và đang phát huy tác dụng góp phần vào việc hạn chế gian lận về đo lường và mang lại niềm tin của dân chúng khi đi mua xăng dầu và hoạt động mua bán trong các chợ dân sinh.

Nguồn: vietq.vn

Số lượt đọc: 4446

Về trang trước Về đầu trang