Mới đây, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH-CN (Sở KH-CN) đã triển khai dự án “Xây dựng mô hình khảo nghiệm trồng hành lá và rau cải cục kết hợp phân bón khoáng chất nano công nghệ Đức, hệ thống lưới ngăn côn trùng gây hại và công nghệ tưới nhỏ giọt Isarel theo hướng VietGap” tại huyện Tân Thành. Dự án chọn hộ ông Nguyễn Văn Thanh, ấp Láng Cát, xã Tân Hải làm mô hình khảo nghiệm. Mô hình bao gồm lưới ngăn côn trùng gây hại 1.000m2 và hệ thống tưới nhỏ giọt theo công nghệ Isarel 1.000m2 trồng hành lá và rau cải cục. Sản phẩm hành lá và rau cải đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm của Bộ Y tế. Quy trình kỹ thuật trồng hành lá và rau cải cục theo hướng bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, làm cơ sở cho việc đăng ký chứng nhận mô hình trồng rau an toàn VietGap. Đây là mô hình phù hợp với chi phí đầu tư của nông dân và khí hậu tại BR-VT; đồng thời đáp ứng nhu cầu rau sạch của người tiêu dùng trong tỉnh. Người trồng rau được Nhà nước hỗ trợ 50% vốn. Do được đầu tư màng chắn hạn chế sâu bọ gây hại nên đã giảm hẳn việc phun thuốc trừ sâu. Ngoài ra, nhờ áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt Israel theo hướng VietGap nên sản phẩm sạch và an toàn hơn. Ông Nguyễn Văn Thanh cho biết: “Tôi thấy mô hình trồng rau trong nhà lưới hiệu quả hơn, không phải xịt thuốc và đỡ tốn phân hóa học, có lợi cho sức khỏe người trồng và người sử dụng sản phẩm”.
Cũng trong năm 2015, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH-CN còn triển khai mô hình nuôi hàu sữa Thái Bình Dương tại xã Long Sơn (TP.Vũng Tàu). Mô hình này được nuôi thử nghiệm tại 4 hộ, với tổng diện tích khoảng 4ha mặt nước, sản lượng dự kiến sau thu hoạch khoảng 400 tấn. Ưu điểm của loại hàu này là sản lượng gấp đôi và thời gian nuôi ngắn hơn (chỉ khoảng 7 tháng) so với loại hàu lá tự nhiên (khoảng 16 tháng). Đặc biệt, hàu sữa Thái Bình Dương dễ thích nghi với môi trường nên hạn chế được rủi ro. Bà Trần Mai Duyên, một trong 4 hộ được triển khai mô hình này cho hay: “Khi nước bị ô nhiễm, hàu thường sẽ chết nhưng hàu Thái Bình Dương sẽ ngậm miệng lại, nên rất sạch, sản lượng cao và chất lượng tốt. Hàu này ruột to, còn hàu thường vỏ rất dày và ruột nhỏ hơn”.
Theo Sở KH-CN, thời gian qua, việc ứng dụng tiến bộ KH-CN đã được đẩy mạnh. Trong 5 năm (từ 2011-2015), Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH-CN đã thực hiện tổng cộng 19 đề tài, dự án và mô hình ứng dụng, chuyển giao công nghệ có hiệu quả về kinh tế - xã hội phục vụ phát triển cộng đồng. Bên cạnh đó, đơn vị thực hiện 17 lớp truyền thông về bảo vệ môi trường, xây dựng hơn 60 mô hình túi Biogas và hàng trăm hố xí hợp vệ sinh nông thôn; tổ chức 15 lớp truyền thông về phòng chống giông sét cho 5 huyện: Xuyên Mộc, Đất Đỏ, Châu Đức, Tân Thành và Long Điền; triển khai 9 lớp tập huấn đầu bờ, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cây, con giống cho các HTX, xây dựng 6 phần mềm ứng dụng theo đơn đặt hàng, trong đó có một phần mềm đạt giải nhì hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh BR-VT.
Tuy nhiên, theo ông Đỗ Hữu Hiền, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH-CN, việc đưa các mô hình, dự án ứng dụng tiến bộ KH-CN áp dụng vào sản xuất và đời sống còn gặp nhiều khó khăn do thiếu trang thiết bị, phòng thí nghiệm, nhân lực. Theo quy định hiện hành, mô hình, dự án sản xuất thử nghiệm được Nhà nước hỗ trợ tối đa 50% cho lĩnh vực nông nghiệp và tối đa 30% cho các lĩnh vực khác, kinh phí còn lại là đối ứng, trong khi không phải đơn vị hay hộ gia đình nào cũng có đủ điều kiện. Bên cạnh đó, công nghệ mới chưa tạo được lòng tin đối với người sản xuất và tiêu dùng cũng là nguyên nhân khiến việc ứng dụng tiến bộ KH-CN vào đời sống thực tiễn còn chậm.
“Trong thời gian tới, Trung tâm sẽ đẩy mạnh việc nghiên cứu lựa chọn, tiếp nhận, chuyển giao các mô hình ứng dụng KH-CN hiệu quả xuống địa bàn các huyện, xã, nhất là các xã xây dựng nông thôn mới của tỉnh” - ông Hiền cho biết.