Tiêu chuẩn ĐLCL
Chương trình đảm bảo đo lường: Nâng tầm doanh nghiệp (04/01/2025)
-   +   A-   A+   In  
Ngày 3/1/2025 tại thành phố Đà Nẵng, Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia đã tổ chức Hội thảo khoa học “Kết quả triển khai xây dựng và áp dụng Chương trình đảm bảo đo lường tại các tổ chức, doanh nghiệp”.

Hội thảo nhằm trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm triển khai chương trình đảm bảo đo lường thuộc một trong các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Đề án “Tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” được phê duyệt tại Quyết định số 996/QĐ-TTg ngày 10/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ.

Tham dự hội thảo có ông Hà Minh Hiệp - Quyền Chủ tịch Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia, ông Trần Hậu Ngọc, Phó chủ tịch Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia, ông Trần Quý Giầu - Trưởng ban Đo lường Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia, ông Tạ Ngọc Tú – Phó giám đốc phụ trách Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng 2, lãnh đạo Viện Đo lường Việt Nam, Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng 1, 2, 3, 4  cùng hơn 70  đại biểu là lãnh đạo, đại diện các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh liên quan, hơn 50 điểm cầu đại diện Sở KH&CN, Chi cục TCĐLCL và Trung tâm kỹ thuật các tỉnh, thành phố tham dự trực tuyến.

Ông Trần Hậu Ngọc, Phó chủ tịch Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia phát biểu khai mạc hội thảo.

Trình bày báo cáo đề dẫn Hội thảo khoa học, ông Trần Quý Giầu, Trưởng ban Ban Đo lường cho biết, đến nay đã có 91 tổ chức, doanh nghiệp công bố triển khai và được các địa phương tiếp nhận Chương trình đảm bảo đo lường, 111 chuyên gia tư vấn được cấp mã. Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành 05 quyết định để điều hành, triển khai Đề án 996.

Báo cáo tham luận cũng gợi mở định hướng thảo luận như Hoàn thiện mô hình điểm Chương trình đảm bảo đo lường (CTĐBĐL), cách thức xây dựng và triển khai hiệu quả CTĐBĐ…

Tại hội thảo, các đại biểu đã được cung cấp, chia sẻ thông tin kết quả thực hiện Chương trình đảm bảo đo lường trong sản xuất kinh doanh nước sạch, sản xuất phương tiện đo thông qua 05 tham luận từ đại diện Trung tâm Kỹ thuật TCĐLCL 1, 2, Công ty TNHH KT Nam Dương, Sở KH&CN tỉnh Thừa Thiên Huế, Trung tâm Đào tạo Nghiệp vụ TCĐLCL… những khó khăn, hạn chế, cũng như cách thức triển khai thực hiện Đề án 996 trong thời gian tới.

Ông Hà Minh Hiệp - Quyền Chủ tịch Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia phát biểu tại hội thảo.

Nhận xét về lợi ích khi thực hiện Chương trình đảm bảo đo lường, đại diện Công ty TNHH Kỹ thuật Nam Dương cho biết, doanh nghiệp được tăng cường năng lực cốt lõi như nâng cao nhận thức, kỹ năng của nhân sự, tăng cường hiệu quả quản lý nội bộ và giảm chi phí vận hành.

Phát biểu tham luận của đại diện Sở KH&CN Thừa Thiên Huế nhận định, đối với các doanh nghiệp có trình độ, công nghệ sản xuất còn giản đơn, quy mô doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã thì việc quan tâm đầu tư công nghệ, đào tạo con người, đầu tư trang thiết bị đo lường còn hạn chế; ngược lại, các doanh nghiệp lớn, có nhiều phép đo thì đã chủ động thực hiện. Đặc biệt là quyền lợi và trách nhiệm của doanh nghiệp khi tham gia Chương trình đảm bảo đo lường; nhu cầu hỗ trợ của doanh nghiệp và nội dung hỗ trợ của đề án.

Ông Trần Quý Giầu, Trưởng ban Ban Đo lường báo cáo đề dẫn tại Hội thảo.

Đại diện Sở KH&CN Thừa Thiên Huế trình bày tham luận tại Hội Thảo.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Đặng Xuân Tùng, đại diện Trung tâm Đào tạo nghiệp vụ TCĐLCL cũng cho biết những khó khăn khi triển khai chương trình đảm bảo đo lường, hạn chế về chuyên gia tư vấn…, quy trình tư vấn.

Trong phần thảo luận dưới sự chủ trì của ông Trần Hậu Ngọc - Phó Chủ tịch Uỷ ban, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận, trả lời 5 ý kiến chính về các vấn đề liên quan đến Chương trình đảm bảo đo lường, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đào tạo kiến thức về đo lường cho sinh viên....

Phát biểu ý kiến chỉ đạo tại hội thảo, ông Hà Minh Hiệp, Quyền Chủ tịch Ủy ban TCĐLCL Quốc gia nhấn mạnh: "Khâu quan trọng nhất là đánh giá thực trạng để chỉ ra cho doanh nghiệp thấy hiện trạng đo lường của mình; gắn với yêu cầu quản lý nhà nước chúng ta phải có lộ trình để các đơn vị tham gia thấy được lợi ích khi tham gia chương trình đảm bảo đo lường”.

Kết luận hội thảo, ông Trần Hậu Ngọc đánh giá cao hàm lượng khoa học của các báo cáo tham luận, đồng thời ghi nhận ý kiến trao đổi để tiếp tục hoàn thiện các mô hình điểm về chương trình đảm bảo đo lường, thúc đẩy triển khai có hiệu quả chương trình đảm bảo đo lường tại doanh nghiệp trong thời gian tới.

 

Nguồn: vietq.vn

Số lượt đọc: 100

Về trang trước Về đầu trang