Tiêu chuẩn ĐLCL
Đề xuất sửa đổi nội dung về tiêu chuẩn, quy chuẩn trong nông nghiệp (24/01/2024)
-   +   A-   A+   In  

Bộ NN&PTNT vừa có buổi làm việc với đoàn công tác Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội về dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật.

Theo Bộ NN&PTNT, thực hiện Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật năm 2006, đến nay, ngành nông lâm ngư nghiệp đã có 1.359 tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) và 114 quy chuẩn quốc gia. Trong đó, tất cả nhóm sản phẩm hàng hoá thuộc “Danh mục sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn” và 11 nhóm hàng hoá thuộc “Danh mục hàng hoá nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành” thuộc trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đều đã có quy chuẩn quốc gia và TCVN để quản lý.

Tuy nhiên, sau 17 năm ra đời, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đánh giá Luật Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật đang gây ra một số khó khăn vướng mắc. Ví dụ, trong xây dựng, công bố tiêu chuẩn quốc gia quy định: “Tiêu chuẩn dùng để chứng nhận hợp chuẩn là tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực hoặc tiêu chuẩn nước ngoài” và “Tổ chức, cá nhân công bố sản phẩm, hàng hoá,... dựa trên kết quả chứng nhận hợp chuẩn do tổ chức chứng nhận sự phù hợp thực hiện hoặc kết quả tự đánh giá sự phù hợp của mình” tại Điều 44, 45 là chưa phù hợp với thực tế. Nguyên nhân là hầu hết vật tư nông nghiệp chỉ có tiêu chuẩn cơ sở, nếu quy định như trên sẽ không đủ điều kiện để công bố hợp chuẩn. Ngoài ra, trong xây dựng, ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, việc Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức thẩm định dự thảo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia cũng không còn phù hợp.

Đồng thời do “sự phù hợp của quy chuẩn kỹ thuật với quy định của pháp luật và cam kết quốc tế có liên quan” và “việc tuân thủ các yêu cầu nghiệp vụ, trình tự, thủ tục xây dựng quy chuẩn kỹ thuật” thuộc trách nhiệm của các Bộ, ngành phải thực hiện trong quá trình xây dựng quy chuẩn quốc gia. Và trong quá trình xây dựng quy chuẩn quốc gia, các cơ quan quản lý chuyên ngành đã tổ chức đánh giá, nghiệm thu dự thảo quy chuẩn quốc gia và chịu trách nhiệm về nội dung quy định của quy chuẩn quốc gia khi ban hành.

 Ảnh minh hoạ

Bên cạnh đó, còn những vướng mắc liên quan sự thống nhất giữa Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật với Luật Đầu tư năm 2020 và sự thống nhất giữa Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật với Luật An toàn thực phẩm. Trong lĩnh vực chăn nuôi thú y, Luật Thú y được Quốc hội ban hành năm 2015, có hiệu lực thi hành từ 1/7/2016, trong đó Điều 78 yêu cầu mọi sản phẩm thuộc thú y sản xuất lưu thông trên thị trường phải được hợp quy.

Tuy nhiên, Cục Thú y ghi nhận từ phản ánh của các doanh nghiệp sản xuất thuốc thú y thì quy định này có phần chưa hợp lý vì sản phẩm thuốc thú y được quản lý bằng đăng ký lưu hành và quy trình sản xuất GMP. Ngay cả quy định về thuốc dành cho người trong Luật Dược cũng chỉ cần đăng ký lưu hành và GMP, không cần hợp quy.

Trước nhiều ý kiến của các doanh nghiệp sản xuất thuốc thú y, Bộ NN&PTNT đã nhiều lần hoãn thi hành việc hợp quy đối với sản xuất thuốc thú y. Trong lần gần nhất, Bộ NN&PTNT thông báo thời hạn áp dụng thủ tục chứng nhận hợp quy là tháng 4/2024 nhằm đợi sửa Luật Thú y. Tuy nhiên vào cuối năm 2023, Uỷ ban Pháp luật đưa ra kết luận rằng việc Bộ NN&PTNT lùi thời hạn áp dụng một số quy định trong các Luật đã ban hành là không đúng thẩm quyền. Các Luật đều do Quốc hội thông qua nên việc lùi thời hạn thực thi phải trình lên Quốc hội xem xét. Hiện các doanh nghiệp đang rất lo lắng vì chỉ còn chưa đầy một tháng nữa, chắc chắn không thể hoàn thành được thủ tục hợp quy cho hàng ngàn sản phẩm thuốc thú y. Trong khi cả nước hiện chỉ có 3 cơ sở được chỉ định kiểm nghiệm thuốc thú y.

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, tiêu chuẩn địa phương, tiêu chuẩn cơ sở là những tiêu chuẩn mà cả cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp cùng xây dựng. Bên cạnh đó, ông cũng đề cập đến việc nghiên cứu, đưa ra các giải pháp cắt giảm thủ tục hành chính với sự tham gia của nhiều bên.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nêu lên một số đề xuất với đoàn công tác Ủy ban Khoa học công nghệ và Môi trường của Quốc hội, trong đó Quốc hội cần tạo điều kiện để ứng dụng thí điểm những quy định mới, để việc sửa đổi, bổ sung các Luật. Để không bị chậm trễ so với thực tiễn, đề nghị cho phép Bộ được quyền chủ động lùi thời hạn các quy định có trong Luật, nhưng thấy bất hợp lý khi thực thi trong thực tiễn. Cần đưa Bộ KH&CN tham gia vào khâu hậu kiểm với những cơ chế, phương án phối hợp hợp lý.

Nguồn: vietq.vn

Số lượt đọc: 916

Về trang trước Về đầu trang