Tiêu chuẩn ĐLCL
Yêu cầu đối với hệ thống truy xuất nguồn gốc theo TCVN 12850:2019 (19/12/2024)
-   +   A-   A+   In  

TCVN 12850:2019 nêu rõ yêu cầu đối với hệ thống truy xuất nguồn gốc, gồm các nội dung sau: yêu cầu về khả năng tương tác, yêu cầu về tính đa dạng, yêu cầu về định danh, yêu cầu về phạm vi hệ thống truy xuất nguồn gốc và yêu cầu về quản lý hệ thống

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, truy xuất nguồn gốc ngày càng khẳng định vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, truy xuất nguồn gốc là khả năng xác định được một đơn vị sản phẩm qua từng công đoạn theo thời gian trong toàn bộ chuỗi cung ứng.

Hệ thống truy xuất nguồn gốc bao gồm hoạt động định danh sản phẩm, thu thập và lưu trữ thông tin về trạng thái của sản phẩm theo thời gian, địa điểm nhằm quản lý thông tin về chất lượng và an toàn thực phẩm. Việc xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc hiệu quả là biện pháp hữu hiệu giúp doanh nghiệp, tổ chức quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh, quản lý chất lượng và an toàn sản phẩm; quản lý mối quan hệ tương tác trong nội bộ cũng như với các bên tham gia trong chuỗi cung ứng, minh bạch thông tin và nâng cao uy tín doanh nghiệp.

Truy xuất nguồn gốc giúp minh bạch thông tin sản phẩm, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Ảnh minh họa.

Theo đó, tiêu chuẩn quốc gia TCVN 12850:2019 về Truy xuất nguồn gốc - Yêu cầu chung đối với hệ thống truy xuất nguồn gốc, được xây dựng dựa trên cơ sở tham khảo Tiêu chuẩn truy xuất nguồn gốc GS1 (GS1 Global traceability Standard (Ver 2.0)). TCVN 12850:2019 do nhóm công tác về Truy xuất nguồn gốc biên soạn, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đề nghị, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố.

TCVN 12850:2019 nêu rõ yêu cầu đối với hệ thống truy xuất nguồn gốc, gồm các nội dung sau: yêu cầu về khả năng tương tác; yêu cầu về tính đa dạng; yêu cầu về định danh; yêu cầu về phạm vi hệ thống truy xuất nguồn gốc; và yêu cầu về quản lý hệ thống.

Thứ nhất, đối với yêu cầu về khả năng tương tác, doanh nghiệp, tổ chức phải định danh sản phẩm bằng mã truy vết sản phẩm và địa điểm truy xuất nguồn gốc bằng mã truy vết địa điểm theo một chuẩn thống nhất; Chuẩn định danh của tổ chức phải nhất quán với yêu cầu định danh của các bên tham gia truy xuất trong chuỗi cung ứng; Các bên tham gia truy xuất của tổ chức phải thu thập, cập nhật, lữu trữ thông tin định danh và các thuộc tính liên quan của một đối tượng đã được mã hóa theo phương thức chuẩn trong vật mang dữ liệu; Các bên tham gia truy xuất phải chia sẻ dữ liệu thu thập theo một chuẩn chung, sử dụng ngữ nghĩa và định danh được chuẩn hóa và các giao thức trao đổi chuẩn.

Thứ hai, đối với yêu cầu về tính đa dang, tổ chức phải xác định đầy đủ các nhu cầu, mục tiêu khi thiếp lập hệ thống truy xuất nguồn gốc. Các mục tiêu và nhu cầu của tổ chức có thể bao gồm thông tin về chất lượng, an toàn của sản phẩm, vai trò trong chuỗi cung ứng, môi trường pháp lý và kinh doanh, chiến lược giá, lợi nhuận và các công nghệ cho phép có sẵn.

Thứ ba, đối với yêu cầu về định danh, tổ chức phải định danh đơn nhất các đối tượng truy xuất. Việc định danh các đối tượng truy xuất có thể theo 3 mức định danh chính: Định danh loại sản phẩm: Đối tượng được định danh bằng mã định danh sản phẩm và bộ phận, cho phép phân biệt đối tượng với các sản phẩm hoặc bộ phận khác; Định danh lô, mẻ: Mã định danh sản phẩm hoặc cấu phần kết hợp với số lô hoặc mẻ để giới hạn số lượng đối tượng có thể truy xuất có cùng mã định danh thành một nhóm cụ thể nhỏ hơn; Định danh đơn vị: Đối tượng truy xuất được xác định bằng mã định danh kèm số seri để giới hạn số lượng đối tượng truy xuất có cùng mã định danh thành một đơn vị đơn nhất.

Thứ tư, đối với yêu cầu về phạm vi truy xuất nguồn gốc, tổ chức phải xác định phạm vi của hệ thống truy xuất nguồn gốc, bao gồm: Số bước trước – sau mà chuỗi cung ứng của tổ chức cần phải chia sẻ dữ liệu; Số các bên truy xuất nguồn gốc tham gia trong tổ chức hoặc chuỗi cung ứng mà tổ chức cần tương tác trực tiếp; Các thành phần chính, bao bì và các nguyên liệu gián tiếp mà tổ chức cần theo dõi; Nhu cầu tích hợp chia sẻ dữ liệu với người dùng cuối của hệ thống.

Thứ năm, đối với yêu cầu về quản lý hệ thống, doanh nghiệp, tổ chức phải đảm bảo rằng hệ thống truy xuất nguồn gốc được xây dựng và kiểm soát phù hợp, hiệu quả thông qua các hoạt động: Thực hành diễn tập truy xuất trước khi áp dụng chính thức cũng như thực hiện diễn tập truy xuất định kỳ hàng năm; Thực hiện các biện pháp kiểm tra, giám sát định kỳ nhằm xác nhận mức độ hiệu lực của hệ thống truy xuất nguồn gốc; Kịp thời thay đổi, nâng cấp hệ thống khi có sự thay đổi quá trình cũng như yêu cầu của các bên tham gia; Thực hiện phân tích nguyên nhân và tiến hành kịp thời các hành động khắc phục khi phát hiện những nội dung không phù hợp trong hệ thống truy xuất nguồn gốc.

 

Nguồn: vietq.vn

Số lượt đọc: 107

Về trang trước Về đầu trang