Tin KHCN trong nước
Tái cơ cấu nông nghiệp: Khoa học công nghệ là chìa khóa đưa nông sản Việt vươn xa (29/08/2024)
-   +   A-   A+   In  

Việc tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ và phát triển chuỗi giá trị nông sản bền vững là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, được xem là "chìa khóa" thành công của ngành nông nghiệp trong thời gian tới.

Ứng dụng khoa học công nghệ trong canh tác nông nghiệp. Ảnh minh họa

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan nhấn mạnh, khoa học công nghệ trong nông nghiệp không chỉ đơn thuần tập trung vào việc tăng năng suất và sản lượng, mà còn hướng đến việc tạo ra giá trị gia tăng bằng cách tích hợp các giá trị đa chiều trong từng sản phẩm. Ví dụ như: nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp hữu cơ, và nông nghiệp xanh với mục tiêu giảm chi phí và tạo dựng thương hiệu cho nông sản Việt Nam.

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp là một giải pháp quan trọng nhằm nâng cao hiệu quả và tính bền vững của chuỗi giá trị nông sản. Các công nghệ tiên tiến như công nghệ sinh học, công nghệ thông tin, và tự động hóa không chỉ giúp tăng năng suất mà còn giảm thiểu chi phí sản xuất và bảo vệ môi trường.

Cả nước đã chứng kiến sự ra đời của nhiều mô hình sản xuất có giá trị kinh tế cao, như các mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất lúa, trái cây, hoa, chăn nuôi, thủy sản và lâm sản. Điển hình là mô hình cánh đồng lớn và mô hình chuyên canh tại Cần Thơ với doanh thu bình quân 500 triệu đồng/ha/năm, hay mô hình nuôi tôm thẻ siêu thâm canh tại Bạc Liêu với năng suất 80 tấn/ha và doanh thu lên đến 9,2 tỷ đồng/ha. Những mô hình này đã góp phần quan trọng vào việc chuyển mạnh xuất khẩu nông sản từ tiểu ngạch sang chính ngạch, với tổng kim ngạch xuất khẩu giai đoạn 2021-2023 đạt trên 155,2 tỷ USD, và dự kiến năm 2024 đạt 55-56 tỷ USD.

Chủ tịch kiêm Giám đốc Hợp tác xã chuối Viba (tỉnh Hòa Bình) Trần Trung Đức cho biết, hiện nay Hợp tác xã chuối Viba là đơn vị sản xuất chuối uy tín, lớn nhất ở miền Bắc, nhãn hiệu Viba (Vietnam banana) đã được đăng ký bảo hộ độc quyền với Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ).

Để cạnh tranh và “sống” được, Hợp tác xã áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, toàn bộ chuối tiêu hồng được trồng, chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGAP; sơ chế, tuyển chọn, đóng gói theo tiêu chuẩn, bảo quản bằng hệ thống kho lạnh, đặc biệt là giấm bằng khí ethylene an toàn...

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội Nguyễn Xuân Đại, đến nay, toàn thành phố có 285 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trong đó, 185 mô hình thuộc lĩnh vực trồng trọt, 45 mô hình ở lĩnh vực chăn nuôi, 54 mô hình thuộc lĩnh vực thủy sản, 1 mô hình kết hợp trồng trọt - chăn nuôi.

GS. TS Trần Đức Viên - Chủ tịch Hội đồng khoa học và đào tạo của Học viện Nông nghiệp Việt Nam, khẳng định rằng ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại vào sản xuất nông nghiệp đang là xu hướng chủ đạo và là chìa khóa thành công của các quốc gia có nền nông nghiệp phát triển. Tuy nhiên, ông cũng thẳng thắn chỉ ra rằng nền nông nghiệp Việt Nam vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức do sản xuất nhỏ lẻ, manh mún và chuỗi giá trị nông sản chưa được phát triển bền vững.

Trong 10 năm tới, các công nghệ có khả năng tác động lớn đến năng suất nông nghiệp sẽ bao gồm cây trồng biến đổi gen, quản lý đất và nước, kiểm soát dịch hại, chế biến sau thu hoạch và ứng dụng sinh học phân tử vào vật nuôi và cây trồng. Những công nghệ này sẽ định hướng cho sự phát triển của ngành nông nghiệp Việt Nam trong thập kỷ tới.

Bà Cao Xuân Thu Vân - Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam cho biết, tái cơ cấu nông nghiệp đang đi đúng quỹ đạo nhờ vào sự đóng góp quan trọng của hơn 20.000 hợp tác xã nông nghiệp và hàng chục ngàn tổ hợp tác nông nghiệp. Trong thời gian tới, việc nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của hợp tác xã theo định hướng phát triển bền vững, ứng dụng khoa học công nghệ, và chuyển đổi số là hết sức cần thiết.

Cũng theo bà Cao Xuân Thu Vân, về mặt chính sách, Việt Nam đã có nhiều biện pháp hỗ trợ thúc đẩy chuỗi giá trị nông sản, bao gồm chính sách về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, hỗ trợ giống, liên kết sản xuất, chuyển đổi số, phát triển chế biến sâu, và thuế tín dụng. Tuy nhiên, vấn đề còn lại là khả năng tiếp cận và triển khai của các tác nhân trong chuỗi giá trị, cũng như việc điều chỉnh các chính sách sao cho phù hợp với tình hình thực tế của tái cơ cấu nông nghiệp.

Ngành nông nghiệp Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội cũng như thách thức trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng. Việc đổi mới cơ cấu cây trồng, ứng dụng công nghệ cao, liên kết chuỗi giá trị, mở rộng thị trường và phát triển nông nghiệp bền vững sẽ là những bước đi quan trọng để đưa nông sản Việt Nam vươn tầm thế giới.

Nguồn: vietq.vn

Số lượt đọc: 184

Về trang trước Về đầu trang