Tiêu chuẩn ĐLCL
QCVN 74:2024/BGTVT quy định hệ thống chống hà tàu biển (22/06/2024)
-   +   A-   A+   In  
Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 74:2024/BGTVT quy định hệ thống chống hà tàu biển phải được kiểm soát để hạn chế bất cứ chất nào có hại đối với môi trường biển.

Trong môi trường biển, có rất nhiều tác nhân gây hại đến kết cấu phương tiện hàng hải. Bao gồm cả những nhân tố từ thời tiết, nồng độ muối và cả những ký sinh dưới biển. Đặc biệt là những sinh vật tồn tại dưới mặt nước biển tác động trực tiếp đến phần đáy tàu. Nhất là loài hà biển - động vật chân khớp siêu ăn bám sinh sống trong môi trường nước biển. Độ bám dính của loài hà biển bền vững và chắc chắn. Chúng bám vào bề mặt kim loại và tiết ra chất kết dính chặt khiến lớp sơn bị ăn mòn. Thậm chí, khi lượng hà bám vào đáy tàu ngày một tăng, tốc lực di chuyển của con tàu sẽ bị giảm đi 50%.

Có thể thấy, tác hại của hà biển đối với tàu thuyền là vô cùng lớn. Chủ tàu bắt buộc phải sử dụng hệ thống chống hà biển- nghĩa là lớp phủ, sơn, biện pháp xử lý bề mặt, bề mặt hoặc thiết bị được sử dụng trên tàu nhằm hạn chế hoặc ngăn chặn các sinh vật không mong muốn bám vào tàu. Việc sơn chống hà đúng quy chuẩn quy định sẽ giúp bảo vệ con tàu dài lâu trong môi trường nước biển.

Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 74:2024/BGTVT do Bộ Khoa học và Công nghệ thẩm định, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành theo Thông tư số 22 /2024/TT-BGTVT ngày 10 tháng 06 năm 2024. QCVN 74:2024/BGTVT thay thế QCVN 74:2014/BGTVT áp dụng cho các hệ thống được sử dụng trên tàu biển Việt Nam, tàu lặn, giàn cố định hoặc di động, kho chứa nổi và kho chứa nổi dùng để sản xuất, chứa và xuất dầu nhằm kiểm soát và ngăn ngừa các sinh vật không mong muốn bám vào tàu. Quy chuẩn này không áp dụng cho các hệ thống chống hà trên các tàu có chiều dài nhỏ hơn 24 m.

Quy chuẩn này áp dụng đối với các tổ chức và cá nhân có hoạt động liên quan đến hệ thống chống hà trên tàu biển thuộc phạm vi điều chỉnh là Cục Đăng kiểm Việt Nam; các chủ tàu; cơ sở đóng mới, hoán cải, phục hồi, sửa chữa và khai thác tàu.

Theo đó Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 74:2024/BGTVT quy định hệ thống chống hà trên tàu phải được kiểm soát để hạn chế bất cứ chất nào có hại đối với môi trường biển được sử dụng trong hệ thống chống hà theo các quy định tại Quy chuẩn này. 

Về kiểm soát hợp chất hữu cơ có chứa thiếc thì tàu không được sử dụng mới hoặc sử dụng lại hệ thống chống hà có chứa hợp chất hữu cơ chứa thiếc kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2003. Hệ thống chống hà được phép chứa một lượng nhỏ hợp chất hữu cơ chứa thiếc với điều kiện hàm lượng thiếc không được vượt quá 2.500 mg trong 1 kg sơn khô.

Yêu cầu trong việc kiểm soát chất Cybutryne (là một chất ức chế quang hợp đặc hiệu và hiệu quả cao) thì tàu không được sử dụng mới hoặc sử dụng lại hệ thống chống hà có chứa chất Cybutryne kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2023.

 Hệ thống chống hà tàu biển phải đáp ứng những yêu cầu tại QCVN 74:2024/BGTVT. Ảnh minh họa

Lưu ý đối với hệ thống chống hà được phép chứa một lượng nhỏ Cybutryne với điều kiện hàm lượng Cybutryne không vượt quá các giá trị 1.000 mg trong 1 kg sơn khô nếu mẫu sơn được lấy trực tiếp từ thân tàu; hoặc 200 mg trong 1 kg sơn khô nếu mẫu sơn được lấy từ thùng sơn ướt.

Trong trường hợp hệ thống chống hà không tuân thủ yêu cầu đã được áp dụng trên tàu trước ngày 01 tháng 01 năm 2023 thì tàu phải loại bỏ hệ thống chống hà đó hoặc phải được phủ bằng lớp bọc tuân thủ yêu cầu lớp bọc phải là loại sơn được nhà sản xuất khuyến cáo nhằm tạo thành lớp chắn ngăn không cho các chất quy định. Màu của lớp bọc phải có thể phân biệt được so với màu của hệ thống chống hà bên dưới và màu của hệ thống chống hà được áp dụng mới lên trên lớp bọc đó.

Trường hợp hệ thống chống hà hiện có của tàu có chứa hợp chất hữu cơ chứa thiếc thì giàn cố định hoặc di động, kho chứa nổi và kho chứa nổi dùng để sản xuất, chứa và xuất dầu được đóng trước ngày 01 tháng 01 năm 2003 và chưa được đưa lên ụ khô vào hoặc sau ngày 01 tháng 01 năm 2003.

Hệ thống chống hà trên tàu phải chịu các hình thức kiểm tra lần đầu hệ thống chống hà. Kiểm tra lần đầu được tiến hành trong quá trình kiểm tra phân cấp tàu trong đóng mới, dựa trên đề nghị kiểm tra được đưa ra trước khi áp dụng bất kỳ hệ thống chống hà nào lên tàu. Kiểm tra lần đầu đối với tàu không có kiểm tra của đăng kiểm trong đóng mới. Kiểm tra trong quá trình tàu hoạt động. Kiểm tra chu kỳ; Kiểm tra bất thường.

Tàu ngừng hoạt động không phải kiểm tra chu kỳ. Tuy nhiên, tàu có thể thực hiện kiểm tra bất thường nếu chủ tàu yêu cầu. Khi tàu ngừng hoạt động chuẩn bị được đưa vào khai thác thì phải thực hiện các loại hình kiểm tra sau đây và thực hiện cả việc kiểm tra liên quan tới các vấn đề cụ thể mà bị hoãn lại do tàu ngừng hoạt động, nếu có.

Chủ tàu hoặc đại diện của chủ tàu phải có trách nhiệm thực hiện việc chuẩn bị cho quá trình kiểm tra lần đầu, kiểm tra chu kỳ và các hình thức kiểm tra khác quy định. Chủ tàu phải bố trí một người hỗ trợ nắm vững các hạng mục kiểm tra để chuẩn bị tốt công việc phục vụ kiểm tra và giúp đỡ đăng kiểm viên khi có yêu cầu trong suốt quá trình kiểm tra.

Kiểm tra có thể bị hoãn trong trường hợp không có đầy đủ sự chuẩn bị cần thiết, không có mặt của người hỗ trợ phù hợp với yêu cầu  hoặc đăng kiểm viên thấy rằng việc kiểm tra không được đảm bảo an toàn.

Dựa trên kết quả kiểm tra, nếu thấy cần thiết phải sửa chữa, đăng kiểm viên phải thông báo kết quả kiểm tra của mình cho chủ tàu. Sau khi nhận được thông báo này, chủ tàu phải tiến hành công việc sửa chữa cần thiết và kết quả sửa chữa phải được đăng kiểm viên kiểm tra xác nhận.

Về kiểm tra chu kỳ phải kiểm tra tình trạng quản lý các bản vẽ và hồ sơ tùy thuộc trường hợp nào được áp dụng. Đăng kiểm có thể yêu cầu lấy mẫu lớp sơn của hệ thống chống hà để kiểm tra lại sự phù hợp trong các trường hợp các bản vẽ và hồ sơ quy định không còn lưu đầy đủ; hoặc có bằng chứng về thực hiện công việc sơn đáng kể trên thân tàu làm thay đổi hệ thống chống hà vượt quá 25% về mặt diện tích sau đợt kiểm tra trước đó.

Trong bất kỳ đợt kiểm tra chu kỳ nào mà được tiến hành vào thời gian kiểm tra trên đà trong ụ khô hoặc trên triền phải kiểm tra tình trạng của lớp chắn che phủ hệ thống chống hà hiện có. Trong trường hợp đăng kiểm thấy rõ ràng là lớp chắn hoặc hệ thống chống hà được áp dụng lên lớp chắn không còn duy trì ở trên thân tàu thì có thể yêu cầu lấy mẫu lớp sơn của hệ thống chống hà để kiểm tra lại sự phù hợp đó.

Về kiểm tra bất thường Quy chuẩn cũng quy định trong trường hợp mà hệ thống chống hà được sửa đổi hoặc thay thế, thì phải tiến hành kiểm tra bất thường và hệ thống chống hà trên tàu đó phải được xác nhận là tuân thủ các yêu cầu của Quy chuẩn này và các yêu cầu theo quy định.

Trong các trường hợp mà hệ thống chống hà không bị sửa đổi và tất cả các bản vẽ và hồ sơ được trình đăng kiểm và thông qua các bản vẽ, hồ sơ đó có thể xác nhận được việc hệ thống chống hà đó có phù hợp với Quy chuẩn hay không thì có thể bỏ qua việc kiểm tra tại hiện trường của đăng kiểm viên. Để thực hiện kiểm tra, thay cho cách kiểm tra thông thường mà cần có mặt của đăng kiểm viên, thì đăng kiểm có thể chấp nhận các phương pháp kiểm tra khác với điều kiện việc kiểm tra đó có thể mang lại các thông tin tương đương.

Yêu cầu về chứng nhận, Quy chuẩn quy định việc cấp giấy chứng nhận cho tàu áp dụng đối với các tàu hoạt động tuyến quốc tế có tổng dung tích (GT) ≥ 400, trừ giàn cố định hoặc di động, kho chứa nổi và kho chứa nổi dùng để sản xuất, chứa và xuất dầu.

Tàu có hệ thống chống hà tuân thủ các yêu cầu của Quy chuẩn này sẽ được cấp "Giấy chứng nhận quốc tế về hệ thống chống hà của tàu" cùng với “Bản ghi hệ thống chống hà” theo mẫu quy định của Công ước. Các tàu có hệ thống chống hà phù hợp được áp dụng lên tàu trước ngày 01 tháng 01 năm 2023 phải được cấp lại giấy chứng nhận theo mẫu vừa nêu không muộn hơn ngày 01 tháng 01 năm 2025.

Các tàu đã áp dụng hệ thống chống hà có chứa chất Cybutryne không tuân thủ quy định trước ngày 01 tháng 01 năm 2023 mà chưa được loại bỏ hoặc áp dụng lớp chắn phù hợp với quy định hoặc trước ngày 01 tháng 01 năm 2025 thì phải được cấp lại Giấy chứng nhận theo mẫu không muộn hơn ngày 01 tháng 01 năm 2025.

Trừ trường hợp Giấy chứng nhận quốc tế về hệ thống chống hà của tàu không có thời hạn với điều kiện hệ thống chống hà của tàu được duy trì phù hợp với các yêu cầu của Quy chuẩn này và tự mất hiệu lực nếu hệ thống chống hà của tàu không được duy trì phù hợp với Quy chuẩn này hoặc bị thay đổi, thay thế mà không được kiểm tra, xác nhận phù hợp.

 

Nguồn: vietq.vn

Số lượt đọc: 555

Về trang trước Về đầu trang