Tiêu chuẩn ĐLCL
Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về hệ thống chống hà tàu biển (14/06/2024)
-   +   A-   A+   In  
Bộ Giao thông Vận tải vừa ban hành Thông tư 22/2024/TT-BGTVT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về hệ thống chống hà tàu biển.

Thông tư này bãi bỏ khoản 1 Điều 1 Thông tư số 24/2014/TT-BGTVT ngày 30 tháng 6 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về hệ thống chống hà tàu biển, Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về hoạt động kéo trên biển, Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phân cấp và chế tạo phao neo, phao tín hiệu và Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về các hệ thống ngăn ngừa ô nhiễm biển của tàu. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 12 năm 2024.

Ban hành kèm theo Thông tư là Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về hệ thống chống hà tàu biển QCVN 74:2024/BGTVT. QCVN 74:2024/BGTVT áp dụng cho các hệ thống được sử dụng trên tàu biển Việt Nam, tàu lặn, giàn cố định hoặc di động, kho chứa nổi (FSU) và kho chứa nổi dùng để sản xuất, chứa và xuất dầu (FPSO) nhằm kiểm soát và ngăn ngừa các sinh vật không mong muốn bám vào tàu. Quy chuẩn này không áp dụng cho các hệ thống chống hà trên tàu có chiều dài nhỏ hơn 24 m.

Về quy định chung về kỹ thuật, Quy chuẩn đưa ra các quy định kỹ thuật đối với hệ thống chống hà của tàu nhằm kiểm soát các chất có hại cho môi trường biển. Việc kiểm tra của đăng kiểm đối với hệ thống chống hà được quy định ở 1.2 Mục III của Quy chuẩn.

Trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân tại Quy chuẩn: Đối với các chủ tàu, công ty khai thác tàu, cơ sở đóng mới, hoán cải, phục hồi và sửa chữa tàu thực hiện đầy đủ quy định nêu trong Quy chuẩn này khi hệ thống chống hà được áp dụng mới, thay đổi hoặc thay thế nhằm đảm bảo hệ thống chống hà tuân thủ quy định kỹ thuật liên quan nêu trong Quy chuẩn này;

Đối với Cục Đăng kiểm Việt Nam: Bố trí đăng kiểm viên thực hiện việc kiểm tra hệ thống chống hà khi được đề nghị, phù hợp với các yêu cầu kỹ thuật nêu trong Quy chuẩn này; Kiểm soát các miễn giảm và thay thế tương đương; Hướng dẫn thực hiện các quy định của Quy chuẩn này đối với chủ tàu, công ty khai thác tàu, cơ sở đóng mới, hoán cải, phục hồi và sửa chữa tàu, các đơn vị đăng kiểm trong phạm vi cả nước; Báo cáo và kiến nghị Bộ Giao thông vận tải về việc rà soát, sửa đổi, bổ sung Quy chuẩn này theo định kỳ 5 năm một lần hoặc sớm hơn khi cần thiết, kể từ ngày ban hành.

 

Nguồn: vietq.vn

Số lượt đọc: 555

Về trang trước Về đầu trang