Tiêu chuẩn ĐLCL
Nỗ lực hoàn thiện khung khổ pháp lý về truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa (20/05/2024)
-   +   A-   A+   In  
Thời gian qua, nhằm giúp doanh nghiệp thực hiện việc truy xuất nguồn gốc hàng hóa, các cơ quan nhà nước đã nỗ lực xây dựng và hoàn thiện khung khổ pháp lý liên quan.

Trên thế giới, truy xuất nguồn gốc đã được các quốc gia triển khai từ lâu. Ví dụ, ở Mỹ năm 2002, Luật chống khủng bố sinh học đã quy định về lưu trữ, hồ sơ truy xuất nguồn gốc thực phẩm. Hay ở châu Âu, năm 2005, yêu cầu các nước thành viên trong EU phải thực hiện truy xuất nguồn gốc. Ở Úc, năm 2017 bắt đầu thực hiện họat động truy xuất nguồn gốc với sản phẩm, hàng hóa. Ở Nhật, năm 2005, bắt đầu thực hiện hệ thống truy xuất nguồn gốc ở thịt bò...

Tại Việt Nam, cùng với sự vận động thị trường, yêu cầu đối với hàng hoá của người tiêu dùng ngày càng khắt khe hơn theo xu hướng tìm hiểu sâu về thông tin sản phẩm, hàng hóa. Sự quan tâm của người tiêu dùng không chỉ giới hạn ở chất lượng hay mẫu mã mà còn bao gồm cả thông tin liên quan đến quá trình tạo ra sản phẩm và đưa sản phẩm cuối cùng đến tay khách hàng, đặc biệt với những sản phẩm có ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sức khoẻ như nông sản, thực phẩm, dược phẩm, mỹ phẩm,...

Truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa giúp bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. (Ảnh minh họa)

Tuy nhiên, các chuyên gia đánh giá, hiện hoạt động truy xuất nguồn gốc và áp dụng tem truy xuất nguồn gốc nước ta đang tồn tại một số vấn đề khó khăn, bất cập, như: Truy xuất nguồn gốc mới chỉ tập trung áp dụng ở một số sản phẩm và thị trường lớn; Hệ thống truy xuất nguồn gốc mang tính khép kín, không có khả năng mở để các bên tham gia có thể tham gia với các hệ thống truy xuất nguồn gốc khác;

Truy xuất nguồn gốc đòi hỏi tính chuẩn hóa cao, yêu cầu các bên tham gia truy xuất nguồn gốc cần thống nhất dùng chuẩn chung. Tuy nhiên, tập quán sản xuất nhỏ lẻ, manh mún gây hạn chế cho việc thống nhất giữa các bên tham gia truy xuất nguồn gốc;

Các giải pháp truy xuất nguồn gốc tại Việt Nam chưa được kết nối và có sự thừa nhận của quốc tế gây khó khăn cho hoạt động xuất khẩu; Việc khai báo, cập nhật thông tin truy xuất, in và dán tem chưa được kiểm soát; Chưa có chương trình, hệ thống, cơ quan đánh giá chứng nhận các hệ thống truy xuất nguồn gốc mang tính khách quan để tạo sự tin tưởng cho người tiêu dùng,...

Nhằm giúp doanh nghiệp thực hiện việc truy xuất nguồn gốc hàng hóa, các cơ quan nhà nước đã nỗ lực xây dựng và hoàn thiện khung khổ pháp lý liên quan. Thời gian qua, Bộ Khoa học và Công nghệ đã chủ trì, phối hợp các bộ có liên quan xây dựng và công bố 30 tiêu chuẩn quốc gia về truy xuất nguồn gốc.

Mới đây nhất, Bộ Khoa học và Công nghệ cũng ban hành Thông tư số 02/2024/TT-BKHCN về quản lý truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa có hiệu lực từ ngày 1/6/2024 tới đây. Theo đó, các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh, dịch vụ thực hiện truy xuất nguồn gốc hàng hóa khi xây dựng dữ liệu phải bảo đảm tối thiểu 10 thông tin cơ bản về tên; hình ảnh sản phẩm; tên đơn vị sản xuất kinh doanh; địa chỉ; thương hiệu, nhãn hiệu, mã ký hiệu, số sê-ri sản phẩm (nếu có);… Thông tin này được in mã gắn trên bao bì sản phẩm và kết nối với Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa quốc gia. Người tiêu dùng có thể tra cứu hạn sử dụng, nguồn gốc của sản phẩm.
 

 

Nguồn: vietq.vn

Số lượt đọc: 745

Về trang trước Về đầu trang