Tiêu chuẩn ĐLCL
Yêu cầu kỹ thuật về hệ thống ống gió cho công trình dân dụng, công nghiệp theo tiêu chuẩn (12/04/2024)
-   +   A-   A+   In  

Việc thi công, lắp đặt hệ thống ống thông gió cho các công trình xây dựng dân dụng và công nghiệp nên theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 13581:2023 sẽ đem lại hiệu quả cao, bền vững, tiết kiệm chi phí.

Thi công, lắp đặt ống thông gió là một trong những phần quan trọng trong các công trình dân dụng, công nghiệp. Đặc biệt là những tòa nhà cao tầng, chung cư, nhà xưởng, trung tâm thương mại,… Tuy nhiên, để việc lắp đặt đem lại hiệu quả cao, an toàn, tiết kiệm chi phí thì nên theo hướng dẫn của Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 13581:2023.

Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 13581:2023 về thông gió và điều hòa không khí- yêu cầu lắp đặt đường ống và nghiệm thu hệ thống do Trường Đại học Xây dựng Hà Nội biên soạn, Bộ Xây dựng đề nghị, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng thẩm định, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố. 

Tiêu chuẩn này quy định các yêu cầu lắp đặt hệ thống đường ống và nghiệm thu các hệ thống thông gió và điều hòa không khí trong các công trình xây dựng dân dụng và công nghiệp. Tiêu chuẩn này không áp dụng cho các hệ thống thông gió và điều hòa không khí trong các công trình ngầm, trong công nghệ làm lạnh, làm lạnh sâu với các yêu cầu đặc biệt.

Về yêu cầu kỹ thuật khi lắp đặt ống gió Tiêu chuẩn này hướng dẫn trong đường ống gió, thiết bị xử lí không khí không được lắp đặt dây điện, cáp điện và các loại ống dẫn khí độc hại, khí dễ cháy, dễ nổ và chất lỏng. Mối nối có thể tháo lắp được của ống gió và các bộ phận khác không nên bố trí tại các vị trí xuyên qua sàn, tường. Các chi tiết chờ, chôn sẵn vào kết cấu xây dựng của giá treo, giá đỡ phải chính xác, chắc chắn. Phần chờ chôn sẵn vào kết cấu phải được vệ sinh sạch sẽ. Phải có điểm cố định thích hợp để chống rung, lắc cho đường ống gió.

Việc lắp đặt đường ống cho các công trình dân dụng, công nghiệp nên đảm bảo theo tiêu chuẩn

Giá treo, đỡ đường ống gió không lắp đặt ở những vị trí có cửa gió, van, cửa kiểm tra; không được treo, đỡ trực tiếp vào mặt bích ống. Vật liệu sử dụng làm gioăng phải phù hợp với đặc điểm của chất khí đi trong ống và môi trường lắp đặt. Độ dày của gioăng ống gió từ (3 ÷ 5) mm, khi lắp đặt gioăng không được nhô vào trong ống. Êcu của bulông liên kết nên nằm về một phía.

Lắp đặt hệ thống vận chuyển chất khí dễ cháy, nổ hoặc lắp đặt trong môi trường dễ cháy, nổ phải có nối đất chống tĩnh điện. Hạn chế đường đi qua các không gian tập trung đông người, không gian sinh hoạt, phụ trợ. Nếu đi qua, phải tuân thủ đầy đủ các yêu cầu về an toàn cháy, nổ.

Đường ống gió xuyên qua mái nhà phải có biện pháp che mưa, chống thấm, óng gió nhô cao trên mái phải có neo, cố định một cách chắc chắn, chịu được tải trọng gió. Không được neo, cố định vào hệ thống chống sét của tòa nhà. Chỗ tiếp xúc của ống gió với giá đỡ có cấu tạo bằng hai loại vật liệu kim loại khác nhau phải có biện pháp lót, cách li tránh tiếp xúc trực tiếp với nhau.

Tại vị trí ống đi xuyên qua tường, sàn phải sử dụng ống lồng. Kích thước ống lồng phải đủ lớn để có thể lồng qua được đường ống có mối nối sau khi đã được bọc lớp vật liệu cách nhiệt (nếu có). Ống lồng phải được chôn chặt vào trong tường. Khe hở giữa ống lồng và ống gió phải được điền đầy bằng vật liệu chống cháy. Máng hứng nước ngưng tụ của hệ thống đường ống gió vận chuyển hơi nước ngưng tụ phải được lắp đặt chắc chắn. Nước ngưng tụ phải được thu gom dẫn tới vị trí quy định.

Lắp đặt ống gió kim loại trong môi trường dễ cháy, dễ nổ bắt buộc ống gió phải có dây nối đất. Số mối nối ống hạn chế ít nhất có thể. Ống gió đi ngoài trời phải đảm bảo kín khít, chống được nước mưa xâm nhập vào hệ thống. Vật liệu sử dụng cho ống gió đặt ngoài trời phải chịu được tác động của thời tiết.

Các nhánh ống, đoạn ống gió sau khi lắp đặt phải được vệ sinh bề mặt trong của ống; các đầu ống hở cẩn được bịt kín để bảo vệ chống bụi bẩn. Với ống gió có cách nhiệt, phải có biện pháp bảo vệ chống ẩm và bảo vệ lớp vật liệu cách nhiệt.

Đối với việc lắp đặt ống gió ngang bên trong công trình có thể được treo đỡ vào các kết cấu xây dựng như trần, sàn, tường, dầm. Với ống đi bên ngoài phải thiết kế giá treo đỡ ống, không đặt trực tiếp ống lên sàn, mặt đất. Với đường ống thẳng, khoảng cách của giá treo từ (1,2 - 3,0) m tùy theo kích thước ống và tải trọng của ống và cấu tạo của giá treo đỡ ống. Vị trí giá treo đỡ ống nên lựa chọn gần các mối liên kết ngang của ống.

Khi lắp đặt đường ống gió nằm ngang, độ võng cho phép mỗi mét chiều dài ống không quá 3mm và tổng độ võng của tuyến ống không quá 20 mm. Giá treo đỡ ống ngang cách mối liên kết với cút không quá 0,60 m, cách mối liên kết với chạc ba, chạc tư không quá 1,2 m. Đường ống gió có chứa hơi nước, khi lắp đặt phải có độ dốc theo yêu cầu kĩ thuật, các mối nối dọc không nên đặt tại đáy của đường ống, nếu có mối nối phải đảm bảo kín, khít.

Đối với đường ống gió đứng Tiêu chuẩn cũng hướng dẫn treo đỡ vào sàn, tường. Khoảng cách lớn nhất của giá treo đỡ ống có thể lựa chọn từ 1 đến 2 tầng nhà tùy theo kích thước ống, tải trọng của ống và cấu tạo của giá treo ống. Mỗi ống đứng được lắp đặt bởi tối thiểu hai giá treo đỡ.

Lắp đặt ống gió mềm thì chiều dài của ống gió mềm nên được sử dụng ngắn nhất có thể. Các đầu của ống dẫn sẽ được cắt vuông góc khi lắp đặt. Khi uốn cong ống mềm, bán kính cong của ống uốn không nhỏ hơn đường kính của ống. Ống mềm kết nối với ống kim loại thì ống kim loại phải có đầu chờ kết nối. Đầu chờ kết nối ống mềm phải có chiều dài tối thiểu là 50 mm.

Ống sử dụng để nối hai đoạn ống mềm phải có chiều dài tối thiểu là 100 mm. Khi kết nối, ống mềm phải trùm lên đầu chờ của ống kim loại ít nhất là 50 mm. Ống mềm khi lắp đặt phải duỗi hết chiều dài, không nén ép co ngắn đường ống. Các ống gió mềm thông thường phải được đặt cách xa, tránh tiếp xúc với các đường ống, thiết bị có nhiệt độ cao và các vật có cạnh sắc nhọn.

 

 

Nguồn: vietq.vn

Số lượt đọc: 677

Về trang trước Về đầu trang