Nghiên cứu - Ứng dụng KH&CN
Nghiên cứu và ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi Ruồi lính đen (Hermetia illucens) để xử lý chất thải nông nghiệp và sản xuất thức ăn chăn nuôi thuỷ sản ở tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu (15/12/2023)
-   +   A-   A+   In  

Ngày 14/12/2023, Sở KH&CN tổ chức họp Hội đồng tư vấn tuyển chọn thực hiện đề tàiNghiên cứu và ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi Ruồi lính đen (Hermetia illucens) để xử lý chất thải nông nghiệp và sản xuất thức ăn chăn nuôi thuỷ sản ở tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu”. Tham dự họp có ông Trần Duy Tâm Thanh - Phó Giám đốc Sở KH&CN - Chủ tịch Hội đồng chủ trì cuộc họp cùng các thành viên trong Hội đồng. 

 

Theo đó, có 02 hồ sơ tham gia tuyển chọn gồm: Viện Đổi mới Sáng tạo Toàn Cầu và Trung tâm Nghiên cứu và Chuyển giao KHCN - ĐH Nông lâm Tp Hồ Chí Minh.

 

Mục tiêu chung của đề tài là xây dựng mô hình nuôi ấu trùng Ruồi lính đen để thay thế nguồn đạm cá đang dần khan hiếm cho vật nuôi và thủy sản, góp phần khuyến khích việc sử dụng ấu trùng ruồi lính đen làm thức ăn cho vật nuôi và thủy sản nhằm mang lại lợi ích kinh tế cho người chăn nuôi, đồng thời giảm thiểu tác động tiêu cực ô nhiễm môi trường từ phụ phế phẩm trong sản xuất nông nghiệp.

 

Nội dung của đề tài là điều tra hiện trạng, kỹ thuật, năng suất và nguồn cung chất thải hữu cơ cho chăn nuôi Ruồi lính đen trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Nghiên cứu, xây dựng quy trình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao trong chăn nuôi Ruồi lính đen qua việc sử dụng tối ưu phụ phế phẩm nông nghiệp và chất thải vật nuôi gây ô nhiễm môi trường. Nghiên cứu và xây dựng qui trình chế biến, lưu trữ ấu trùng Ruồi lính đen để làm thức ăn trong khẩu phần nuôi thủy sản. Triển khai thí điểm 6 mô hình chăn nuôi Ruồi lính đen tại một số xã của 2 huyện Xuyên Mộc và Châu Đức trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Đào tạo, tập huấn chuyển giao kỹ thuật cho kỹ thuật viên và nông dân.

 

Chủ nhiệm đề tài trình bày tại cuộc họp

 

Ruồi lính đen là loài côn trùng có thể nuôi an toàn vì chúng là loài trưởng thành không cho ăn, chỉ cần nước và không lây bệnh. Ấu trùng của ruồi lính đen ăn nhiều chất hữu cơ, bao gồm cả nguyên liệu thực vật. Chúng có khả năng chuyển hoá một lượng lớn sinh khối chất thải thành protein dự trữ (trên 40%) và chất béo (trên 20%). Hơn nữa, nhiều nghiên cứu đã cho thấy rằng thành phần đạm trong ấu trùng Ruồi lính đen rất tốt cho chăn nuôi và thuỷ sản. Do đó, sử dụng ấu trùng để thay thế nguồn đạm cho cá sẽ giảm phụ thuộc vào thức ăn công nghiệp. Đồng thời, phân ấu trùng Ruồi lính đen cũng là một sản phẩm có giá trị, nó cũng có thể được chế biến làm phân bón rất tốt cho việc cải tạo đất.

 

Được biết, tại Nghị định số 46/2022/NĐ-CP ngày 13/7/2022 của Chính phủ sửa đổi Nghị định số 13/2020/NĐ-CP hướng dẫn chi tiết Luật Chăn nuôi đã chính thức đưa ruồi lính đen vào Danh mục động vật khác được phép chăn nuôi. Vì vậy, công trình nghiên cứu này sẽ là công trình nghiên cứu đầu tiên tại tỉnh BR-VT, giúp việc lựa chọn quy trình nuôi và chế biến ấu trùng Ruồi thích hợp tạo nguồn nguyên liệu thức ăn thay thế đạm cá cho vật nuôi và thuỷ sản hữu cơ giá trị cao, đồng thời phục vụ cho công tác xử lý chất thải.

 

Tại cuộc họp, sau khi nghe chủ nhiệm đề tài trình bày, các thành viên Hội đồng đã tiến hành đánh giá, góp ý bản thuyết minh theo từng tiêu chí về nội dung nghiên cứu, cách tiếp cận và phương pháp nghiên cứu; năng lực chuyên môn của tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ và tiến hành bỏ phiếu đánh giá. Hội đồng khoa học và công nghệ đã nhất trí chọn Trung tâm Nghiên cứu & Chuyển giao Khoa học Công nghệ - Đại học Nông lâm TP. HCM là cơ quan chủ trì thực hiện đề tài, GS.TS. Dương Nguyên Khang là chủ nhiệm đề tài. Tuy nhiên cần chỉnh sửa, hoàn thiện thuyết minh theo góp ý của các thành viên Hội đồng.

 

Nguồn: Nguyễn Tuyết

Số lượt đọc: 2125

Về trang trước Về đầu trang