Tin KHCN trong tỉnh
Quỹ khoa học và công nghệ - đòn bẩy phát triển doanh nghiệp - Kỳ cuối: Khơi thông nguồn vốn, "cởi trói" thủ tục (08/09/2023)
-   +   A-   A+   In  

Quỹ khoa học và công nghệ (KH-CN) có mục đích nâng cao sức cạnh tranh và tạo nguồn lực cho DN phát triển, tuy nhiên, cho đến nay việc thực hiện vẫn còn nhiều bất cập, chưa đạt hiệu quả như mong đợi, cần được khơi thông.

Thành lập từ 2016 nhưng việc sử dụng Quỹ phát triển KH-CN của Công ty TNHH Dịch vụ dầu khí biển PVD (TP.Vũng Tàu) chưa hiệu quả,  phải chuyển toàn bộ quỹ về công ty mẹ.
Thành lập từ 2016 nhưng việc sử dụng Quỹ phát triển KH-CN của Công ty TNHH Dịch vụ dầu khí biển PVD (TP.Vũng Tàu) chưa hiệu quả, phải chuyển toàn bộ quỹ về công ty mẹ.

Chưa thu hút nhiều DN tham gia

Theo Sở KH-CN, hiện trên địa bàn tỉnh có 12 DN thành lập Quỹ phát triển KH-CN. Trong đó chỉ 6 DN có trích lập, sử dụng Quỹ, 6 DN còn lại mặc dù có đăng ký nhưng không trích lập, sử dụng Quỹ. Đặc biệt không có DN FDI nào tham gia lập và trích Quỹ phát triển KH-CN.

Theo ông Trần Duy Tâm Thanh, Phó Giám đốc Sở KH-CN, các quy định trích lập và quản lý Quỹ phát triển KH-CN có thể giúp DN có được nguồn vốn để đầu tư đổi mới công nghệ kịp thời đưa vào sản xuất, nhất là các ngành yêu cầu đổi mới công nghệ liên tục. Tuy nhiên, số lượng DN thực hiện trích lập Quỹ trên địa bàn tỉnh rất ít, chứng tỏ việc sử dụng Quỹ KH-CN chưa hấp dẫn DN. Các DN đã trích lập Quỹ cũng chưa được sử dụng hiệu quả.

Sau khi trích lập Quỹ, phần lớn DN không sử dụng, sử dụng không hết 70% hoặc sử dụng không đúng mục đích dẫn đến bị truy thu thuế thu nhập DN tính trên khoản thu nhập đã trích lập Quỹ và phần lãi phát sinh từ số thuế thu nhập DN đó.

Nhu cầu phát triển KH-CN ở Công ty CP Dịch vụ lắp đặt, vận hành và bảo dưỡng công trình  dầu khí biển-PTSC (TP.Vũng Tàu) là rất lớn.
Nhu cầu phát triển KH-CN ở Công ty CP Dịch vụ lắp đặt, vận hành và bảo dưỡng công trình dầu khí biển-PTSC (TP.Vũng Tàu) là rất lớn.

Theo báo cáo của Cục thuế tỉnh, tỷ lệ sử dụng Quỹ ở 6 DN có trích lập Quỹ rất thấp, chỉ có 1 DN sau 2 năm trích lập Quỹ mới sử dụng hết Quỹ 100%; 2 DN tỷ lệ sử dụng Quỹ là 0% trong 6 năm liên tiếp từ 2016-2021, phải chuyển hoàn số Quỹ đã trích lập về công ty mẹ hoặc hoàn nhập toàn bộ số dư quỹ vào doanh thu khác. 2 DN khác trong 5 năm từ 2016-2020 tỷ lệ sử dụng Quỹ bình quân chưa tới 2%, 1 DN còn lại có tỷ lệ sử dụng quỹ 18,4%.  

Trong khi đó, theo phản ánh của các DN, thủ tục quyết toán tài chính liên quan đến Quỹ phát triển KH-CN còn rất phức tạp. Thủ tục hành chính trong kiểm soát chi của Quỹ chưa linh động và chưa phù hợp với đặc thù của Quỹ. Có nội dung chưa được hướng dẫn cụ thể, rõ ràng, thủ tục phức tạp khó thực hiện như: cơ chế giám sát nội dung chi tiêu Quỹ, quyết toán chi Quỹ với cơ quan quản lý nhà nước, chế tài phạt đối với việc trích lập mà không sử dụng hay sử dụng không hết 70% số trích… nên DN ngại chi từ Quỹ và từ đó không muốn trích lập Quỹ.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành văn bản số 690/TTg-KGVX ngày 30/7/2023 yêu cầu các bộ KH-CN, Tài chính, KH-ĐT và cơ quan liên quan rà soát, tham mưu, đề xuất sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách đột phá, giải pháp toàn diện, hiệu quả để để kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc, đổi mới mạnh mẽ, thúc đẩy phát triển KH-CN và khuyến khích đổi mới sáng tạo.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ KH-CN, các bộ, cơ quan khẩn trương nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các quy định về tài chính, đầu tư, tài sản, trong đó lưu ý cơ chế bố trí vốn cho hoạt động KH-CN theo cơ chế quỹ, nâng cao hiệu quả hoạt động của các quỹ phát triển KH-CN, đơn giản hóa tối đa thủ tục thanh, quyết toán.
Đồng thời, xây dựng, ban hành cơ chế hạch toán tài chính đối với DN đầu tư vào KH-CN, đề xuất chính sách ưu đãi đủ mạnh để khuyến khích DN đầu tư vào hoạt động KH-CN; tháo gỡ các vướng mắc, hạn chế về tín dụng, nguồn vốn, thuế, đất đai, hỗ trợ tiếp cận thị trường... nhất là đối với DN khởi nghiệp sáng tạo, để DN thực sự trở thành trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo.

 

Gỡ vướng mắc về thủ tục

Tại Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội yêu cầu: “Giải quyết các vướng mắc trong quy định về nội dung chi và quản lý Quỹ phát triển KH-CN của DN”.

Để tháo gỡ các vướng mắc trên, Bộ KH-CN vừa ban hành Thông tư số 05/2022/TT-BKHCN và Bộ Tài chính có Thông tư số 67/2022/TT-BTC về khơi thông, tạo điều kiện cho DN thúc đẩy nghiên cứu, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Theo đó, đối với những vướng mắc về nội dung chi, thủ tục trích lập quỹ, việc quản lý, sử dụng quỹ đã có sự điều chỉnh theo hướng mở rộng hơn nội dung chi, cụ thể hơn các mục chi và tạo cơ chế tự chủ cho DN. Đồng thời, Thông tư 05 cũng quy định cụ thể hơn về thủ tục yêu cầu hỗ trợ từ Quỹ phát triển KH-CN của quốc gia, của bộ, ngành và địa phương cho hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ của DN.

Ngoài hình thức chi theo nhiệm vụ KH-CN, DN có thể dùng nguồn vốn này để chi hỗ trợ phát triển KH-CN của DN (gồm: trang bị cơ sở vật chất và kỹ thuật cho hoạt động KH-CN; mua quyền sử dụng, quyền sở hữu công nghệ; mua máy móc, thiết bị cho đổi mới công nghệ; chi thuê chuyên gia hoặc hợp đồng với tổ chức KHCN…); chi thực hiện hoạt động chuyển giao công nghệ; chi phục vụ hoạt động quản lý quỹ. 

Băng chuyền KH-CN làm bạch tuộc tẩm bột ở Baseafood 1 (TP.Bà Rịa) được đầu tư  từ Quỹ KH-CN của DN.
Băng chuyền KH-CN làm bạch tuộc tẩm bột ở Baseafood 1 (TP.Bà Rịa) được đầu tư từ Quỹ KH-CN của DN.

Còn Thông tư 67 của Bộ Tài chính có hiệu lực từ ngày 23/12/2022 đã tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn cho DN trong việc thực hiện nghĩa vụ trích lập và sử dụng Quỹ.

Cụ thể, theo Thông tư 12 trước đây, Quỹ chỉ được sử dụng cho hoạt động nghiên cứu KH-CN của DN. Tuy nhiên, Thông tư 67 đã hướng dẫn cụ thể DN được sử dụng Quỹ trong năm 2022 và 2023 để mua máy móc, thiết bị cho đổi mới công nghệ phục vụ trực tiếp hoạt động sản xuất kinh doanh. Điều này hy vọng sẽ giảm phần nào tình trạng tồn dư Quỹ như hiện nay.

Nguồn: baobariavungtau.com.vn

Số lượt đọc: 4610

Về trang trước Về đầu trang